2 doanh nghiệp đầu ngành cảng biển nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Thủ tướng

Với lợi thế sông ngòi dày đặc và bờ biển dài, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để phát triển vận tải thủy nội địa và logistics xanh. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 113 ngày 19/7, chỉ đạo loạt giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực vận tải thủy phát triển hiệu quả và bền vững.

cangbien.jpg
Với lợi thế sông ngòi dày đặc và bờ biển dài, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn để phát triển vận tải thủy nội địa và logistics xanh

Theo công điện, Việt Nam có hệ thống sông ngòi với tổng chiều dài có thể khai thác vận tải lên tới 42.000km, đường bờ biển hơn 3.260km cùng nhiều cửa sông, vịnh tự nhiên thuận lợi. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển – các phương thức vận chuyển có chi phí thấp, năng lực chuyên chở lớn, giúp giảm áp lực lên đường bộ và đường sắt, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Dù tỷ trọng vận tải hàng hóa bằng đường thủy ngày càng tăng và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế, hệ thống kết cấu hạ tầng và chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng. Trước thực trạng đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và địa phương khẩn trương thực hiện nhiều nhiệm vụ cụ thể để khai thác hiệu quả lợi thế vận tải thủy.

Ưu tiên bố trí vốn và thu hút đầu tư tư nhân

Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026–2030 cho các dự án hạ tầng vận tải đường thủy và hàng hải, bao gồm cả hệ thống luồng tuyến, cảng và bến cảng. Đồng thời, bộ này được yêu cầu nghiên cứu cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này, cũng như đề xuất các chính sách ưu đãi thuế, phí và tín dụng cho doanh nghiệp vận tải thủy.

Bộ Tài chính cũng cần xem xét hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho việc đóng mới, cải hoán phương tiện vận tải thủy nhằm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường.

Nâng cấp kết cấu hạ tầng và lập danh mục đầu tư trọng điểm

Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để khuyến khích đầu tư xã hội hóa vào hạ tầng vận tải thủy. Song song, bộ này có trách nhiệm hoàn thiện quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy và cảng biển theo hướng đồng bộ với các phương thức vận tải khác, trọng tâm là cải tạo các luồng tuyến chính và cảng bến tại Bắc Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long.

Danh mục cảng, bến cần ưu tiên đầu tư được xác định gồm các tuyến trên sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu, Cái Mép – Thị Vải và các khu vực ven biển. Bộ Xây dựng phối hợp cùng địa phương lập danh mục và kêu gọi đầu tư hoặc đề xuất bố trí vốn đầu tư công, hoàn thành trong tháng 9/2025.

Đặc biệt, Thủ tướng giao xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và dịch vụ vận tải thủy giai đoạn 2026–2035, trình Chính phủ trong tháng 10/2025. Đề án cần đưa ra các cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy đầu tư hạ tầng và dịch vụ đi kèm.

Vai trò của các tập đoàn lớn và địa phương

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) được giao nghiên cứu đầu tư một số cảng thủy nội địa và cảng biển trên các tuyến sông lớn. Trong khi đó, UBND các tỉnh, thành phố cần cập nhật quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển cảng và trung tâm logistics gắn với vận tải thủy, hoàn thành trong tháng 9.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà được giao trực tiếp chỉ đạo thực hiện công điện. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp Bộ Xây dựng đôn đốc triển khai và báo cáo Thủ tướng kịp thời chỉ đạo.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/2-doanh-nghiep-dau-nganh-cang-bien-nhan-nhiem-vu-dac-biet-tu-thu-tuong-1392140.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *