Giám đốc Phân tích SHS: Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái rất mạnh sẽ là nơi trú ẩn an toàn

Theo SHS Research đã nhận định từ đầu năm, yếu tố ảnh hưởng số 1 năm 2025 là chính sách thuế của Trump, gọi là Trump 2.0. Điều này có thể tạo ra một cú giảm nhanh, mạnh, quyết liệt cho thị trường, đặc biệt khi thị trường đang ở vùng giá cao (như giai đoạn vừa qua chỉ số VN-Index lên 1.342,9 điểm). Điều này càng thúc đẩy hơn việc khi tin xấu bất ngờ đưa ra, gây hoảng loạn bán tháo quyết liệt hơn.

Một phần nữa là truyền thông đưa tin suốt giai đoạn vừa qua theo hướng tích cực là sẽ có deal thuận lợi cho Việt Nam và đại đa số nhà đầu tư đang tin vào kịch bản tích cực đó. Vì vậy, khi thông tin chính thức đưa ra Việt Nam vào top 3 có thể bị áp thuế cao nhất, điều này càng gây tâm lý hoảng loạn cho nhà đầu tư.

Các nhà đầu tư giai đoạn vừa rồi dùng đòn bẩy tăng khá mạnh và áp lực call margin chéo rất lớn sẽ buộc họ phải chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy ngay lập tức, tạo ra các đợt bán tháo ồ ạt trên diện rộng. Các ngành cũng đang chịu ảnh hưởng lớn khi nhà đầu tư đang xem xét đánh giá lại triển vọng đầu tư của từng ngành. Nhiều ngành có thể giảm hấp dẫn đầu tư rất lớn nếu việc áp thuế chính thức được thực hiện sau 1 tuần nữa như các nhóm ngành dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, và ngay cả bất động sản khu công nghiệp vốn rất hấp dẫn từ giai đoạn Trump 1.0 tới nay.

“Chúng tôi vẫn giữ quan điểm từ đầu năm 2025 trong báo cáo năm – “Timing is Everything”, năm nay là năm đặc biệt biến động và yếu tố “timing” cần đặt lên hàng đầu. Trong điều kiện xấu nhất, VN-Index có thể điều chỉnh giảm 15 – 20% từ vùng đỉnh 1.342 gần đây, sau đó mới ổn định trở lại. Điều kiện thuận lợi tốt nhất là một sự điều chỉnh quanh 10% của thị trường chung, nhưng chúng tôi khá lo ngại tình trạng margin cao hiện nay có thể làm thị trường điều chỉnh nhiều hơn mức này.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không cần quá lo lắng, các chính sách thuế quan thường thay đổi nhanh và chúng ta nên tránh các công ty yếu kém, đầu tư vào các công ty hàng đầu để tránh qua giai đoạn khó khăn này. Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái rất mạnh sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện tại”, SHS Research cho biết.

Nếu thị trường giảm mạnh 15 – 20%, nhà đầu tư hãy mạnh dạn mua vào, nhưng cần thận trọng nếu sử dụng đòn bẩy để tránh rủi ro thị trường đột ngột rơi vào giai đoạn downtrends như năm 2012 – khi thị trường đang phục hồi thì đột ngột rơi vào downtrends mạnh.

Việt Nam xuất khẩu gần 120 tỷ USD vào Mỹ trong năm 2024, vậy những mặt hàng nào đóng góp chính và có thể chịu ảnh hưởng nặng từ thuế quan?

Thông cáo của Nhà Trắng liệt kê một số hàng hóa sẽ không phải chịu Thuế quan qua lại. Bao gồm: các mặt hàng chịu thuế 50 USC 1702(b); các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ xẻ; tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; vàng thỏi; năng lượng và một số khoáng sản nhất định khác không có sẵn tại Hoa Kỳ.

Một số chuyên gia phân tích, thuế đối ứng áp dụng cho các loại hàng hoá, không phải dịch vụ. IT Services là dịch vụ nên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này không bị áp thuế mới.

Theo số liệu từ Hải quan Việt Nam trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa có trị giá 119,5 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 15,1 tỷ USD.

Có 15 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, có 3 nhóm hàng áp đảo gồm máy tính và linh kiện với 23,2 tỷ USD (19,4%), máy móc thiết bị với 22 tỷ USD (18,5%) và dệt may với 16,2 tỷ USD (13,5%).

Ba mặt hàng tiếp theo cũng có giá trị tương đối lớn so với phần còn lại, gồm điện thoại 9,8 tỷ USD, gỗ 9 tỷ USD và giày dép 8,3 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản cũng có đóng góp quan trọng. Hạt điều đạt giá trị 1,15 tỷ USD, cà phê ghi nhận 322,83 triệu USD, trong khi hàng thủy sản và hàng rau quả lần lượt đạt 1,83 tỷ USD và 360,41 triệu USD.

Kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại 1.0 giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra từ năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trung bình hàng năm 17,7% so với cùng kỳ (so với mức trung bình 5,7% và 7,5% của Canada và Mexico).

Xuất khẩu sang Mỹ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024). Vì vậy, những thay đổi trong chính sách thuế quan của Mỹ lên các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ tác động không nhỏ lên hoạt động ngoại thương nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Giới chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải đàm phán với Mỹ để hoãn hoặc giảm mức thuế đối ứng.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/giam-doc-phan-tich-shs-cac-cong-ty-hang-dau-co-suc-chong-cu-voi-khung-hoang-suy-thoai-rat-manh-se-la-noi-tru-an-an-toan-post366707.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *