Mắt bão “Trump-Elon” và độ vững của VN-Index sau 2 thập kỷ phát triển
“Vũ khí hoá” chính sách tài khoá, lá chắn thuế của chính quyền “Trump-Elon” chấn động hàn thử biểu nền kinh tế Việt Nam bởi hơn 43 ngàn tỷ đồng tham gia bắt đáy mà trên toàn 3 sàn vẫn có hơn 430 mã giảm liệt sàn. Tính chất “drama” của Tổng thống Trump chưa từng gây thất vọng cho những ai là fan hâm mộ của “Think big – Nghĩ lớn”, thuế xưa nay được ví là “lá chắn” phòng thủ nay nó có tính chất sát thương hàng loạt trên diện rộng, rúng động giá trị thị trường đa lĩnh vực trên kinh tế toàn cầu. Thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới đã chịu nhiều “đòn roi” sau hơn 3 năm liên tục giữ lãi suất ở mức cao của chính sách tiền tệ của Fed. Vừa mới “thoi thóp” sau cơn bão vượt đỉnh của vàng, thị trường lại phải chiết khấu cú nện của “cây búa Thor” tài khoá Mỹ.
Năng lượng của “mắt bão” thuế quan đối ứng
Động cơ của thuế quan đối ứng của Chính quyền Trump bắt nguồn từ áp lực phải ngay lập tức giải quyết trần nợ công (36.1 ngàn tỷ USD) của Chính phủ Mỹ. Bên cạnh những nỗ lực cắt giảm và thanh lọc chi tiêu Chính phủ của Elon, dù sao đi nữa, để giải quyết nợ, nhất định cần tăng nguồn thu cho Chính phủ. Nên tăng thu tài khoá từ nước ngoài trở nên hợp lý hơn bao giờ hết bởi nó không cản trở sự tăng trưởng việc làm và sản phẩm quốc nội của Mỹ.
Động cơ thứ yếu đối với lợi ích trực tiếp cho kinh tế Mỹ, nhưng lại vô cùng thiết yếu trên bàn đàm phán đa phương của thuế quan đối ứng được thể hiện rõ trong trường hợp Nga không nằm trong danh sách bị áp dụng chính sách thuế này. Xem như thương mại thế giới rung lắc, mỗi đồng gia giảm của sự tác động có tác động tích cực cho hoà bình Ukraina, bởi nếu không có “quyền lợi” này thì rất khó để Chính quyền Trump – Putin đi đến một thoả hiệp chấm dứt chiến tranh ở Ukraina.
Nhìn chung, chính sách của quốc gia nào thì phục vụ cho lợi ích của chính quốc gia đó, toàn cầu hoá kéo dài đã lâu khiến cho việc phụ thuộc đa phương trong thương mại toàn cầu trở nên quen thuộc. Phong trào phụ thuộc thương mại đem lại lợi ích kinh tế (gain from trade) cho tất cả các bên bởi vì hợp tác thương mại đa quốc gia được xây dựng trên cơ sở của “lợi thế tương đối –comparative advantage” chứ không phải là “lợi thế tuyệt đối- absolute advantage”. Cho nên khi lợi thế tương đối không còn rõ ràng, thì động cơ của hợp tác thương mại vì thế cũng cần định hình lại, và trong quan hệ bên mua – bên bán thì dù sao đi nữa người mua (đặc biệt là khách hàng có sức mua cực lớn như Mỹ) thì chủ động hơn trong việc chọn mua từ ai, phương thức mua, giá mua. Chính quyền Trump biết rõ hơn ai hết về việc nước Mỹ có sức mạnh trên bàn đàm phán thương mại thế giới là vì sức mua lớn này. Từ đó mà những chính sách chưa có tiền lệ, chưa có lý thuyết nào chứng minh độ vững, nhưng lại hợp lý ở chỗ khi ngày mới đã bắt đầu, thì dù ở điều kiện thiếu thốn so với trường hợp lý tưởng bao nhiêu đi nữa, mỗi chiến binh sẽ phải chiến đấu dựa trên tất cả những gì mình đang có.
Thuế quan đối ứng như một chất xúc tác tan rã cho phong trào toàn cầu hoá trong thương mại. Năm 2025 là một bước ngoặt cho thời kỳ tăng trưởng dựa trên sự phát triển nội địa. Tuy nhiên, điều này chỉ cục bộ xảy ra ở những cặp/nhóm quốc gia bị mất lợi thế so sánh hay cụ thể hơn là nhóm bị thay đổi trong chi phí cơ hội trong hợp tác sản xuất & phân phối hàng hoá dịch vụ. Nếu tách Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ ra khỏi thế giới, thì tình hình chung vẫn thấy được toàn cầu hoá đem lại lợi ích thương mại. Những quốc gia này lại có tỷ trọng, bởi theo ước tính mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2024, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Trung Quốc đạt tổng cộng 62.22 ngàn tỷ USD, chiếm 43.2% tổng GDP toàn cầu. Do đó mà sự tan rã quan hệ này là một tâm chấn.
Ảnh hưởng của thuế đối ứng lên TTCK Việt Nam
Mỹ là thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Mỹ cũng là Đối tác Chiến lược Toàn diện của Việt Nam. Năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Về đầu tư, tính đến tháng 10 năm 2024, Mỹ là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam. Nếu quá trình đàm phán sắp tới không gia giảm/xoá bỏ được mức ảnh hưởng của thuế lên cầu hàng hoá xuất khẩu này, thì rõ ràng GDP Việt Nam sẽ thay đổi lớn trong 1/3 tổng cơ cấu trong thời gian tới.
Arbitrage lên ngôi, “unbox” trở thành “un-many-boxes”
Mức ảnh hưởng của thuế đối ứng lên thị trường đầu tiên nằm ở việc mức thuế này duy trì dài hạn hay chỉ 4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Trump. Nếu Đảng đối lập lấy lại quyền Tổng thống thì có lẽ trật tự thương mại cũ sẽ đâu đó được tái thiết.
Trong ngắn hạn, nhất là trong năm 2025 thì những hợp đồng thương mại đa quốc gia luôn đi cùng những hợp đồng đã định rõ chất lượng hàng hoá/dịch vụ cũng như giá bán và lượng. Việc thuế gây chênh lệch quá lớn về giá bán cho người tiêu dùng, thì arbitrage nghĩa là mua hàng hoá từ nơi có thuế thấp bán sang nước có thuế quá cao sẽ mang lại lợi nhuận kếch xù. Dưới sự hỗ trợ của thương mại điện tử đang lên ngôi hậu COVID, hàng hoá nhanh chóng sẽ được “tạm nhập” và “tái xuất”, từ đó người tiêu dùng sẽ có những trải nghiệm thú vị về việc một món hàng đã đi “du lịch” nhiều quốc gia trước khi đến tay người mua, và khi “khui hàng – unbox” để sử dụng, đôi khi họ sẽ trải nghiệm việc khui nhiều hộp (un-many-boxes).
FPI > FDI?
Hàng hoá nhập vào Mỹ nếu sản xuất tại Mỹ sẽ thoát được thuế đối ứng, do đó phần này sẽ ảnh hưởng đến những doanh nghiệp FDI có quy mô rất lớn ví dụ như Samsung, Toyota v.v…
Câu chuyện thương mại giờ đây bức tranh cần chuyển hoá để phù hợp với con đường ông Trump đã định vị, đó là Mỹ khác với các phần còn lại của thế giới. Do đó, thị trường Việt Nam và những nước lân cận trong khu vực đều không phải là điểm đến của dòng vốn FDI phục vụ cầu hàng hoá của nước Mỹ nữa.
Tuy nhiên đối với dòng vốn FPI vào Việt Nam thì chỉ cục bộ ảnh hưởng tiêu cực lên những doanh nghiệp có thị trường chính là xuất khẩu vào Mỹ, những công ty có thị trường xuất khẩu đi châu Âu hoặc các nước khác thì không bị ảnh hưởng. Thậm chí, cầu hàng hoá từ những nước có thuế đối ứng thấp hơn Việt Nam sẽ vì thế tăng cao phục vụ cho “Arbitrage” sang Mỹ. Bởi đâu đó, thuế có thể thay đổi giá, có tác động sâu sắc lên nhóm hàng hoá có cầu phản ứng nhạy với giá, nhưng trong trung và dài hạn, cạnh tranh trên thương trường không xuất phát từ Chính phủ áp thuế, mà xuất phát từ việc sản phẩm/dịch vụ của công ty thoả mãn người tiêu dùng như thế nào.
Nền tảng chứng khoán Việt Nam sau 2 thập kỷ hình thành và phát triển
Mỹ chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, do đó chiết khấu cú sốc thương mại này bằng sức bán tháo phiên sáng ngày 03/04 cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Đây là bài “test” quan trọng về sức bền giá trị của rất nhiều mã bluechip trên sàn chứng khoán Việt Nam trong những phiên giao dịch tiếp theo. Đặc biệt trước mức hỗ trợ ngang (đường màu vàng trong biểu đồ dưới đây) của lịch sử hơn 20 năm hình thành phát triển là vùng quanh 1200 điểm (vùng đỉnh 20 năm đầu phát triển trở thành vùng hỗ trợ quan trọng hiện nay), hoặc mức hỗ trợ siêu mạnh của primary trend – xu hướng phát triển quan trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam (đường màu đỏ).
Hỗ trợ lịch sử của VN-Index sau 20 năm hình thành và phát triển
|
4 năm nhiệm kỳ Tổng thống Trump và những độ ảnh hưởng của chính sách tài khoá Mỹ sẽ mang đến cho nhà đầu tư thế giới nhiều trải nghiệm thú vị, nhất là phe short-sell, tuy nhiên tác động tài khoá thường không mạnh mẽ đến thị trường chứng khoán bằng tác động chính sách tiền tệ.
Bên cạnh đó, “đèn nhà ai thì nấy sáng”, ai rồi cũng phải tự đứng trên đôi chân của mình. Thị trường luôn có cách tiến hoá riêng của nó, nước Mỹ là đối tác quan trọng của Việt Nam, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam mới là tài sản của người Việt Nam. Những đối sách của Chính phủ Việt Nam trước những thay đổi của đối tác Mỹ vẫn là một điều cần chờ đợi thêm, bên cạnh việc bản thân mỗi doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt – Mỹ sẽ có những bước đi nào để đối phó cũng là một câu hỏi. Phần còn lại của thị trường không liên quan đến quan hệ thương mại Việt-Mỹ cũng sẽ sớm thoát khỏi sự “liên luỵ” khi chấm dứt domino.
– 14:58 03/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/mat-bao-trump-elon-va-do-vung-cua-vn-index-sau-2-thap-ky-phat-trien-830-1290791.htm