ĐHĐCĐ Vinaseed: Tái cấu trúc toàn diện các mảng, ưu tiên xuất khẩu thị trường khó tính để đạt giá bán cao

ĐHĐCĐ Vinaseed: Tái cấu trúc toàn diện các mảng, ưu tiên xuất khẩu thị trường khó tính để đạt giá bán cao

Sáng 16/04, CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, HOSE: NSC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 tại Hà Nội, với nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và kiện toàn nhân sự cấp cao.

​Tới 8h45 sáng 16/04, Vinaseed ghi nhận có 18 cổ đông và người được ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025, đại diện cho gần 15.6 triệu cp, tương đương 88.7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết (gần 17.6 triệu cp). Với tỷ lệ này, Đại hội đủ điều kiện tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.

Đẩy mạnh dòng gạo đóng gói cao cấp 

Bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết, giá gạo gần đây có giảm nhưng với Tập đoàn PAN cũng như cá nhân tôi, định hướng luôn nhất quán là tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng. Mình không chạy theo số lượng lớn hay gạo chất lượng thấp mà chủ yếu là đẩy mạnh dòng gạo đóng gói cao cấp cho thị trường có yêu cầu cao. Tỷ trọng gạo hàng xá sẽ giảm dần. Đồng thời, Công ty đang phát triển các giống mới có khả năng chống chịu khí hậu để thích ứng dài hạn. Lợi thế của mình là hệ thống sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam, nên việc tổ chức sản xuất và tích trữ cũng chủ động hơn.

Về mở rộng thị trường nội địa, theo bà My thời gian tới, kênh phân phối MT sẽ được mở rộng nhiều hơn, không chỉ ở Hà Nội mà sẽ vào tới miền Trung để bán chéo sản phẩm khác của tập đoàn như nước mắm. Ở miền Nam, Công ty đang tìm kiếm các nhà phân phối uy tín, siêu thị lớn, vì đây là thị trường rất tiềm năng. Doanh thu nội địa từ gạo dự kiến sẽ tăng trưởng tới 30%, đạt khoảng 4,000 tỷ đồng trong năm nay.

Tìm hiểu xuất khẩu gạo sang Nhật

Về thị trường quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, nơi giá gạo rất cao và họ đang thiếu hàng, tuy nhiên thị phần gạo Việt tại đây còn rất nhỏ. Công ty đang trong quá trình tìm hiểu thị trường này, đồng thời tăng cường nhân sự cho mảng gạo để tiếp cận các thị trường khó tính, bán được giá cao. Nhật có hàng rào kỹ thuật rất khắt khe, đặc biệt là lo ngại về nhiễm xạ. Vì vậy, Công ty đang tham gia các dự án giảm carbon như SRP để chứng minh quy trình sản xuất bài bản, minh bạch, có chứng nhận cụ thể, thậm chí đã nhận được tài trợ hàng chục ngàn USD.

Công ty cùng đối tác trong hệ sinh thái PAN phối hợp kiểm soát chất lượng từ gốc, giống, quy trình canh tác đến thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm phát thải metan, thậm chí có thể tăng thu nhập cho nông dân tới 28%.

Ngoài ra, tận dụng hệ thống bán hàng sẵn có của các công ty thành viên tại Nhật như thuỷ sản để mở đường cho mặt hàng gạo. Hiện Vinaseed đã xuất khẩu sang 15 thị trường, bao gồm Úc và nhiều nước châu Âu. Chưa xuất sang Mỹ nhưng định hướng là ưu tiên các thị trường khó tính để đạt giá bán cao. Với bối cảnh logistics tăng, Công ty sẽ ưu tiên các thị trường gần như Trung Quốc, nơi có nhu cầu lớn, không thể bỏ qua.

Về tái cấu trúc và nhân sự, bà My cho hay năm nay không có kế hoạch thay đổi nhân sự cấp cao, nhưng luôn đặt ưu tiên tìm kiếm và bổ sung nguồn lực giỏi để đáp ứng bối cảnh thay đổi nhanh và mạnh mẽ hiện nay. Vinaseed đang quản lý gần 100 lãnh đạo ở 13 công ty, chi nhánh và 3 trung tâm nghiên cứu. Việc có một tỷ lệ thay đổi (turnover) nhất định là cần thiết để duy trì sự bền vững. Tái cấu trúc lâu dài sẽ tập trung vào đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng số để cải tiến quy trình, giảm nhân lực, tăng hiệu quả chi phí.

Bà Lê Thị Lệ Hằng – Phó Chủ tịch HĐQT Vinaseed trình bày báo cáo HĐQT tại đại hội – Ảnh: Thế Mạnh

THẢO LUẬN

Doanh thu tăng mạnh nhưng biên lợi nhuận thấp suốt 3 năm qua, đâu là giải pháp cụ thể để cải thiện hiệu quả sinh lời và đảm bảo hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 310 tỷ đồng năm 2025?

Bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch HĐQT Vinaseed: Năm 2024, doanh số của Vinaseed tăng 20%, đạt 2,500 tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận lợi nhuận chưa tương xứng. Lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 2%, và 3 năm liền gần đây gần như không tăng trưởng đáng kể. Doanh số tăng nhưng lợi nhuận đi lùi, tôi thấy rất cần phải nhìn lại.

Chính vì vậy, năm 2025, chúng tôi đặt mục tiêu thách thức với doanh thu 2,750 tỷ đồng, tăng khoảng 12%, nhưng đặc biệt là mục tiêu lợi nhuận sau thuế lên tới 310 tỷ đồng, tăng 14%. Đây là con số cao nếu so với mặt bằng lợi nhuận của 3 năm liền trước, thể hiện quyết tâm của chúng tôi trong việc cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Vinaseed có chiến lược nào để khai thác cơ hội xuất khẩu gạo trực tiếp vào thị trường châu Phi, nơi đang thiếu hụt nguồn cung và phụ thuộc lớn vào trung gian, trong khi Vinaseed có lợi thế từ giống đến sản xuất?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Đúng là châu Phi hiện phải nhập khẩu tới 60-70% nhu cầu gạo, trong đó Ấn Độ chiếm tới 60-80% thị phần. Khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 7 năm ngoái, giá gạo Việt Nam lập tức tăng lên, phản ánh rõ ràng là có cơ hội nhưng thị phần của Việt Nam còn rất nhỏ. Hiện nay các doanh nghiệp Việt, trong đó có Vinaseed, đều chủ yếu xuất khẩu qua trung gian, chưa có kênh phân phối trực tiếp tại thị trường này.

Câu hỏi về việc Vinaseed có kế hoạch xây dựng chuỗi giá trị trực tiếp từ giống tới tiêu thụ tại châu Phi là một ý tưởng rất đáng suy nghĩ. Với thế mạnh về giống, đây là việc chúng tôi có thể làm được. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thị trường châu Phi có những khó khăn nhất định, từ cơ chế chính sách đến giá đầu vào rất thấp. Trong quá khứ, chúng tôi từng có kinh nghiệm không thành công khi xuất khẩu bánh kẹo sang thị trường này, nên đây không phải là thị trường dễ dàng.

Với định hướng ưu tiên chất lượng và thị trường cao cấp, Vinaseed sẽ tập trung phát triển những thị trường quốc tế nào thời gian tới, lộ trình gì để nâng thị phần nội địa vốn còn khiêm tốn?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Chiến lược của Vinaseed là luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, hướng đến thị trường cao cấp. Với châu Phi, chúng tôi có tiếp xúc với các đoàn đại biểu và trao đổi ban đầu, nhưng đây là thị trường khó, giá nhập thấp, chưa phù hợp với định hướng chất lượng cao của Vinaseed hiện nay. Thay vào đó, chúng tôi đang đẩy mạnh tiếp cận các thị trường yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt hơn như Nhật Bản. Gần đây, tôi có chuyến công tác sang Nhật, chúng tôi rất quyết tâm thâm nhập thị trường này, với lợi thế về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và hệ thống kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, Vinarice – thành viên của Vinaseed – cũng đang tham gia dự án TRVC của Chính phủ Australia và nhận được hiệu ứng truyền thông tích cực. Chúng tôi canh tác giảm phát thải tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết quả vụ 1 đã giảm được 3,888 tấn CO₂ và nhận thưởng 28,600 AUD. Đây là cách chúng tôi từng bước xây dựng năng lực cạnh tranh và thương hiệu quốc tế.

Song song đó, chúng tôi có kế hoạch trao đổi lại với các đại lý hiện hữu để mở rộng phân phối những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, nội địa vẫn là mảnh đất rất tiềm năng. Hiện nay gạo đóng gói chỉ chiếm 5% thị phần gạo trong nước, còn rất khiêm tốn so với Thái Lan. Do đó, chúng tôi định hướng tái cấu trúc cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, đồng thời đầu tư vào chuỗi giá trị nội địa, tăng cường nhân lực để đi sâu hơn nữa thị trường trong nước, nơi đang mở ra rất nhiều cơ hội.

Tái cấu trúc toàn diện Vinaseed ở tất cả mảng

Với mục tiêu doanh thu tăng 12% và lợi nhuận tăng đến 14% trong năm 2025, Vinaseed dự kiến triển khai những chiến lược nào để tối ưu chi phí và nâng cao biên lợi nhuận?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Năm 2025, Vinaseed đặt ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 12% và lợi nhuận 14%, đây là một mục tiêu rất thách thức, nhưng tôi cho rằng hoàn toàn có thể đạt được nếu chúng ta đi đúng chiến lược đã đề ra.

Tôi cùng với HĐQT và Ban điều hành đã thống nhất sẽ tiến hành một cuộc tái cấu trúc toàn diện Vinaseed ở tất cả mảng. Việc đầu tiên là tái cấu trúc lại toàn bộ mô hình tổ chức, từ hệ thống chi nhánh, công ty con cho đến đội ngũ điều hành, để làm sao tinh gọn, hiệu quả và không bị cồng kềnh như hiện nay. Đồng thời, sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ chi phí ở tất cả mảng, đặc biệt là chi phí vận tải, bao bì… tận dụng các ưu thế từ hệ sinh thái của Tập đoàn PAN.

Để tăng lợi nhuận thì không thể chỉ phụ thuộc vào doanh thu mà phải đi vào gốc rễ: đó là tập trung vào những sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm bản quyền, có biên lợi nhuận tốt. Ví dụ như năm nay, 3 sản phẩm trọng điểm của chúng tôi là Ngọc Nương 9, King 10 và Diamond 999, đây đều là những sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào lợi nhuận, và chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào chúng. Ngoài ra, các mảng gạo đang chiếm gần 30% cơ cấu, cũng sẽ tiếp tục được phát triển có chọn lọc theo hướng hiệu quả.

Chủ tịch có thể chia sẻ rõ hơn về quá trình tái cấu trúc toàn diện đang được thực hiện tại Vinaseed bao gồm việc sáp nhập các chi nhánh, tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ số và AI vào vận hành để hướng tới mục tiêu quản trị hiện đại và hiệu quả hơn?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào đầu tư R&D để tạo ra sản phẩm chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế. Nếu không đầu tư vào nghiên cứu thì rất khó có thể đi xa, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt và nhu cầu thị trường thay đổi nhanh chóng.

Song song đó, chúng tôi sẽ phổ cập đổi mới sáng tạo số, ứng dụng công nghệ và AI vào tất cả phòng ban từ quản trị cho tới vận hành để tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả. 

Về tổ chức, sẽ có những sáp nhập cụ thể. Chẳng hạn như ở Quảng Nam hiện nay, có tới hai đơn vị là Vinaseed Quảng Nam và SSC Quảng Nam, nhưng lại cùng hoạt động trên một địa bàn. Điều này dẫn tới bộ máy bị trùng lặp, mỗi đơn vị đều có hệ thống sản xuất, kinh doanh, tài chính, kế toán riêng – rất cồng kềnh và gây tốn kém không cần thiết. Chúng tôi sẽ sáp nhập, tinh gọn lại để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành.

Bà Nguyễn Thị Trà My trả lời cổ đông tại đại hội NSC.

Quý 1 lãi trước thuế gần 49 tỷ đồng

Trong chiến lược phát triển sản phẩm, Vinaseed sẽ làm gì để gắn kết hiệu quả hơn giữa nghiên cứu giống và nhu cầu thị trường, tránh dàn trải và lãng phí nguồn lực nghiên cứu, đồng thời tập trung vào sản phẩm có bản quyền và biên lợi nhuận cao như Ngọc Nương 9, King 10 hay Diamond999?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Điều quan trọng nhất trong giai đoạn tái cấu trúc lần này là sự kết nối chặt chẽ hơn giữa nghiên cứu và thị trường. Chúng tôi sẽ không làm lan man nữa mà phải trúng và đúng nhu cầu thị trường. Để làm được điều đó thì đội ngũ nghiên cứu và đội thị trường phải hợp tác chặt chẽ, phải có sự chia sẻ thông tin xuyên suốt để khi ra một sản phẩm mới, đó là sản phẩm thị trường đang cần, đang có xu hướng, chứ không phải chỉ là mong muốn từ phía nghiên cứu.

Kết quả kinh doanh quý 1/2025?

Ông Nguyễn Quang Trường – Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinaseed: Quý 1 dự kiến đạt doanh thu hợp nhất 380 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gần 49 tỷ, tăng khoảng 6-7% so với cùng kỳ. Dù mức tăng trưởng chưa cao, nhưng cho thấy tín hiệu tích cực và bền vững. Từ quý 2 trở đi, khi các kế hoạch tái cấu trúc đi vào thực thi đồng bộ, các sản phẩm trọng điểm bắt đầu có doanh số, và hệ thống vận hành tinh gọn hơn, tôi tin rằng mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận cao hơn doanh thu sẽ khả thi.

Vinaseed mạnh về giống lúa, vậy mảng rau củ quả như thế nào? Hiệu quả và tỷ lệ lợi nhuận của mảng này ra sao, triển vọng thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Mảng rau hiện tại còn rất yếu, chủ yếu đến từ công ty thành viên CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC). Chúng tôi đã tiến hành tái cấu trúc SSC, kỳ vọng sẽ có những hợp tác quốc tế từ Hà Lan, Thái Lan.

Về mặt nhân sự, đã có những thay đổi quan trọng. Ông Nguyễn Quang Trường – người có kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh rất ổn định ở miền Bắc, hiện đã làm Phó Chủ tịch SSC. Ông Hàng Phi Quang, một người có uy tín, “cây đa cây đề” trong ngành, làm Chủ tịch SSC. Ông Lê Quốc Phong – Chủ tịch Bình Điền cũng tham gia vào HĐQT, cùng một nhân sự cấp cao của Tập đoàn PAN. Đây là một HĐQT rất mạnh cho mảng rau của SSC. Chúng tôi đã có những chiến lược rõ ràng và cụ thể để phát triển SSC lên một tầm cao mới, đặc biệt là lĩnh vực rau.

Bên cạnh mảng lúa, vốn là thế mạnh truyền thống, thì chúng tôi cũng rất mạnh về ngô. Anh Trường cũng vừa chia sẻ về giống Diamond 999 sắp sửa ra mắt, có thể cạnh tranh với các giống ngô hiện nay trên thị trường như VH88.

Về cơ cấu hiện tại, lúa vẫn chiếm tỷ trọng chính khoảng 80-85% sản lượng, chiếm 70% doanh thu và chênh lệch giá khoảng 60-65%. Mảng ngô gồm ngô tẻ, ngô vàng, ngô nếp chiếm hơn 10% sản lượng, đóng góp khoảng 30% doanh thu, chênh lệch giá gần 30%. Còn rau và các sản phẩm khác thì chỉ chiếm khoảng 1% sản lượng, khoảng 5% doanh thu và chênh lệch giá tầm 5%.

Sắp tới, xuất khẩu ngô sẽ được đẩy mạnh hơn, vì thị trường trong nước có thể đã bão hòa. Chúng tôi hướng đến Campuchia – một thị trường rất tiềm năng.

Chiến lược phát triển của Vinaseed trong việc chuyển từ nông nghiệp sản lượng sang nông nghiệp trí tuệ, với trọng tâm là nâng cao chất lượng giống cây trồng và ứng dụng công nghệ hiện đại, nhằm tăng lợi nhuận và thúc đẩy hợp tác quốc tế, sẽ được triển khai như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Để đạt được lợi nhuận cao, chúng tôi không chỉ hướng đến phát triển sản phẩm thô mà phải chuyển sang “nông nghiệp trí tuệ”, tức là tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo và có giá trị cao. Chúng tôi không dừng lại ở các giống cây trồng thông thường mà đã nghiên cứu và phát triển các giống đặc biệt, giống lúa lai và ngô lai, có giá trị thương mại cao gấp nhiều lần so với những sản phẩm nông nghiệp cơ bản. Đây chính là con đường để nâng cao lợi nhuận trong nông nghiệp.

Việc hợp tác giữa các vùng miền, như Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, cũng là một phần trong chiến lược tinh giản quản trị, nhưng yếu tố then chốt vẫn là giống cây trồng, với chất lượng vượt trội và khả năng thích ứng cao.

Trong phát triển dài hạn, hợp tác quốc tế đóng vai trò rất quan trọng để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy lợi nhuận.

Quan điểm của Vinaseed về Tập đoàn Lộc Trời – một đối thủ trong ngành, và đâu là bài học mà Vinaseed rút ra từ thực tiễn vận hành của họ? Trong bối cảnh thị trường nông nghiệp nhiều biến động, chiến lược phát triển dài hạn của Vinaseed là gì?

Bà Nguyễn Thị Trà My: Chúng tôi không nói nhiều đến Lộc Trời hay bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào. Làm tốt công việc của mình thôi. Thương trường là chiến trường, có thắng có thua là chuyện bình thường. Và tôi khẳng định rằng nó không ảnh hưởng gì đến kinh doanh của Vinaseed cả trong dài hạn.

Chúng tôi tập trung vào đường đi của mình, không bị xao động bởi những biến động ngắn hạn. Chúng tôi cũng mong muốn có thật nhiều doanh nghiệp làm ăn tài bản và thành công như Vinaseed. Vì đất nước mình muốn nâng tầm nền nông nghiệp, muốn cất cánh thì không thể chỉ có một doanh nghiệp đi một mình. Phải cùng nhau để nâng tầm nông nghiệp Việt, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn cho người nông dân, tạo ra nhiều giá trị hơn cho họ.

Đại hội kết thúc thông qua tất cả tờ trình.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Thay đổi lớn ở thượng tầng Vinaseed

Năm 2025 đánh dấu bước chuyển lớn tại Vinaseed khi bà Trần Kim Liên rời ghế Chủ tịch HĐQT sau hơn 2 thập kỷ. Người kế nhiệm là bà Nguyễn Thị Trà My – Chủ tịch HĐQT PAN Farm, công ty mẹ nắm 80.1% cổ phần Vinaseed. Bà My cũng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PAN Group, tập đoàn mẹ của PAN Farm.

Bà Trần Kim Liên (trái) và bà Nguyễn Thị Trà My

Việc miễn nhiệm bà Liên và ông Lương Ngọc Thái – Thành viên Ban Kiểm soát theo nguyện vọng cá nhân là nội dung quan trọng được trình cổ đông thông qua tại đại hội lần này.

Công ty mẹ PAN Farm đề cử ông Nguyễn Trung Dũng (sinh năm 1983), hiện là Phó Tổng Giám đốc phụ trách kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên, kiêm Giám đốc Chi nhánh Vinaseed Tây Nguyên, tham gia HĐQT. Ông Dũng có gần 20 năm làm việc tại CTCP Giống cây trồng Miền Nam (SSC), công ty con của Vinaseed.

PAN Farm cũng đề cử bà Văn Thị Ngọc Ánh (sinh năm 1975), Kế toán trưởng PAN Group và PAN Farm, tham gia Ban Kiểm soát. Bà Ánh từng là Thành viên BKS SSC giai đoạn 2021-2025.

Ông Nguyễn Trung Dũng và bà Văn Thị Ngọc Ánh. Ảnh: Vinaseed

Doanh thu và lợi nhuận 2025 dự kiến lập kỷ lục

Năm 2025, Vinaseed trình kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 2,750 tỷ đồng và lãi trước thuế 310 tỷ đồng, tăng lần lượt 12% và 14% so với thực hiện 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là kết quả cao kỷ lục trong lịch sử Doanh nghiệp.

Vinaseed cho biết, năm 2025 là bản lề cho chiến lược đổi mới tăng trưởng, tập trung nâng cao cả về chất và lượng. Doanh nghiệp dự kiến thương mại hóa loạt sản phẩm chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt phục vụ vụ Hè Thu – mùa vụ khắc nghiệt nhất trong năm. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện bộ giải pháp canh tác bền vững để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng tại ĐBSCL.

Mục tiêu nâng tỷ trọng lợi nhuận gộp từ các dòng hạt giống có hàm lượng khoa học – công nghệ (hạt lai) từ 34% lên 37%. Vinaseed sẽ đẩy mạnh đầu tư R&D, mở rộng hợp tác quốc tế, số hóa toàn diện hoạt động từ nghiên cứu, sản xuất đến marketing. Đồng thời, tái cấu trúc tập đoàn, tối ưu vùng sản xuất, hệ thống kho, đầu tư mở rộng tại Tây Nguyên hoặc M&A cơ sở chế biến tại Nam Sông Hậu.

Đề xuất chia cổ tức tiền mặt 40%, giữ vững chuỗi chi trả đều đặn 14 năm

Năm 2024, bất chấp chi phí đầu vào tăng mạnh và ảnh hưởng từ thiên tai, Vinaseed vẫn hoàn thành kế hoạch năm với doanh thu đạt 2,449 tỷ đồng, tăng 9% so với 2023 và lãi trước thuế 272 tỷ đồng, tăng 2%. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 3% còn 218 tỷ đồng, mức thấp nhất 4 năm do áp lực giá đầu vào và thị trường đầu ra cạnh tranh.

Kết quả kinh doanh giai đoạn 2017-2024 của Vinaseed

Lãnh đạo Vinaseed cho biết giá lúa tăng mạnh từ cuối 2023 khiến chi phí hàng tồn kho cao, trong khi giá bán bị cạnh tranh gay gắt, đặc biệt ở mảng nông sản. Ngoài ra, cơn bão Yagi khiến toàn bộ diện tích lúa vụ mùa phía Bắc không thể thu mua, ảnh hưởng đến nguồn cung sản phẩm chủ lực như ngô lai. Tình trạng vi phạm bản quyền giống cây trồng tại ĐBSCL tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Dù gặp nhiều thách thức, Vinaseed vẫn đề xuất chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt 40%, tương ứng tổng chi khoảng 70.3 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ PAN Farm sẽ nhận về khoảng 56.3 tỷ đồng. Đây là năm thứ 14 liên tiếp Vinaseed duy trì tỷ lệ cổ tức tiền mặt từ 30% trở lên, trong đó 5 năm gần nhất không dưới 40%, đỉnh điểm 2021 đạt 70%. Kế hoạch cổ tức năm 2025 tiếp tục khoảng 30-40%.

Bài cập nhật

Thế Mạnh

FILI

– 09:12 16/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/dhdcd-vinaseed-tai-cau-truc-toan-dien-cac-mang-uu-tien-xuat-khau-thi-truong-kho-tinh-de-dat-gia-ban-cao-737-1296087.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *