Cổ phiếu đầu tư công có thể trở thành “hầm trú ẩn”

Lọc cơ hội

Sau khi Mỹ bất ngờ công bố mức thuế đối ứng 46% áp lên hàng hoá Việt Nam, từ ngày 3/4 đến 9/4/2025, nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công như VCG, FCN, HHV, C4G cũng giảm mạnh theo thị trường chung, với mức giảm từ 16 – 26%. Diễn biến này đã tạo ra khoảng cách khá lớn giữa giá thị trường của cổ phiếu và giá mục tiêu mà các công ty chứng khoán đưa ra trước đó, theo hướng thấp hơn từ 25 – 36%.

Phiên 10/4/2025, thị trường chứng khoán bật tăng, nhờ thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày. Theo đó, hầu hết cổ phiếu tăng hết biên độ, giúp khoảng cách giá thị trường và định giá kỳ vọng của các công ty chứng khoán được co lại gần hơn.

Dù có những e ngại về triển vọng cổ phiếu đầu tư công nói riêng, thị trường chứng khoán nói chung nếu Mỹ vẫn áp thuế cao sau thời gian tạm ngừng, nhưng theo đánh giá của các công ty chứng khoán, đây là nhóm luôn được ưu tiên lựa chọn đầu tư trong năm 2025, bên cạnh nhóm ngân hàng, bất kể trong điều kiện kinh tế bình thường hay có rủi ro thuế quan.

Bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Dragon Capital cho rằng, khi kinh tế nội tại vững, tác động bên ngoài chỉ mang tính chất nhất thời. Trong dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy chủ yếu bởi các nguồn lực trong nước.

“Năm 2025 được xem là nền tảng cho thời kỳ tăng trưởng mới. Đây là giai đoạn hiện đại hóa và tăng cường minh bạch, thúc đẩy đầu tư công, đồng thời tăng hiệu quả và hiệu ứng lan tỏa sang các động lực khác”, bà Minh nói.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua kế hoạch điều chỉnh tăng tỷ trọng đầu tư công trong năm 2025, từ mức 6% GDP lên 7% GDP. Như vậy, tổng quy mô vốn đầu tư công năm nay được nâng lên 36 tỷ USD, tương đương mức tăng gần 40% so với năm ngoái.

Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa và đầu tư khu vực tư nhân chưa có dấu hiệu bứt phá rõ rệt, xuất khẩu đứng trước nhiều rủi ro thuế quan, thì đầu tư công trở thành động lực chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy tổng cầu, đồng thời tạo đà cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2025, Bộ Tài chính ước tính, giải ngân vốn đầu tư công đạt 78.712 tỷ đồng, bằng 8,98% kế hoạch năm, tương đương 9,53% kế hoạch năm được Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cũng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 11,64% kế hoạch năm và 12,27% kế hoạch năm Thủ tướng giao).

Do đó, vừa qua, Thủ tướng đã có công điện gửi các bộ, ban, ngành đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt, trong bối cảnh mới, cần điều chỉnh mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2025, phấn đấu đạt 100% kế hoạch Thủ tướng giao.

Từ những động thái quyết liệt của Chính phủ về đầu tư công, Dragon Capital lựa chọn cổ phiếu VCG của Vinaconex, một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành xây dựng và một số cổ phiếu liên quan đến vật liệu xây dựng, vì đều sẽ hưởng lợi từ việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó, mã HPG của Hòa Phát là một cổ phiếu tiêu biểu, bởi đây là doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi kép: sự phục hồi của thị trường bất động sản và làn sóng thúc đẩy đầu tư công.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lựa chọn mã VCG và mã HHV của Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả. Đây là hai cổ phiếu tiềm năng trong ngắn hạn, hưởng lợi từ đầu tư công.

Doanh nghiệp tự tin với mục tiêu tăng trưởng

Cùng với mục tiêu chung của đất nước, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư công tự tin đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng trong năm nay.

Ngày 24/4/2025, HHV sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên và trình đại hội phương án kinh doanh năm 2025 với mục tiêu đạt doanh thu 3.585 tỷ đồng, tăng 8% và lợi nhuận sau thuế 555,6 tỷ đồng, tăng 12% so với mức thực hiện năm 2024. Riêng mảng xây lắp, HHV dự kiến mang về xấp xỉ 1.393 tỷ đồng doanh thu, nhờ hàng loạt dự án đang thi công như các tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, TP. HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, hay các tuyến đường ven biển Bình Định, đường ven biển nối Cảng Liên Chiểu – Đà Nẵng…

Ban lãnh đạo HHV cho biết, giai đoạn 2023 – 2025, Chính phủ quyết liệt chỉ đạo thi công hàng loạt dự án hạ tầng đường bộ mới nhằm hoàn thành quy hoạch hệ thống đường cao tốc Bắc – Nam đúng tiến độ, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường cao tốc. Đây là cơ hội để HHV tiếp tục phát triển, tham gia công tác quản lý khai thác và bảo dưỡng thường xuyên hàng nghìn km đường cao tốc sau khi đưa vào sử dụng.

Vinaconex nhận định, đầu tư công tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho ngành xây dựng thông qua các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn đang được đẩy mạnh triển khai. Ngược lại, mảng xây dựng dân dụng được dự báo phục hồi chậm hơn do thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc. Dù vậy, doanh nghiệp dự kiến trình đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu đạt doanh thu 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 8% so với mức thực hiện năm ngoái.

Đầu tư công trở thành động lực chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế, góp phần thúc đẩy tổng cầu, đồng thời tạo đà cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Năm 2024, Vinaconex đã ký mới các hợp đồng với tổng giá trị hơn 11.600 tỷ đồng, tạo tiền đề cho hoạt động kinh doanh các năm tiếp theo. Các dự án tiêu biểu mà doanh nghiệp đang triển khai bao gồm các gói thầu thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2, cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, các hợp phần quan trọng tại dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, dự án mở rộng nhà ga T2 – Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài…

Trong khi đó, Công ty cổ phần Fecon (mã FCN) tự tin đặt mục tiêu năm 2025 đạt doanh thu hợp nhất 5.000 tỷ đồng, tăng 48% và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 200 tỷ đồng, tăng 565% so với mức thực hiện năm 2024.

Fecon dự báo, năm 2025, thị trường xây dựng sẽ dần phục hồi và phát triển mạnh mẽ, hướng tới nhiều cơ hội bứt phá. Với các dự án bản lề có quy mô lớn đã được ký kết trong nửa cuối năm 2024 ở các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, cảng biển, xử lý nước thải, công trình ngầm và dân dụng, Công ty đã xây dựng kế hoạch kinh doanh tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn liệu quá trình điều chỉnh địa giới hành chính sắp tới cũng như việc tinh gọn bộ máy hành chính đang diễn ra có ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân đầu tư công trong thời gian tới và tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành?

Ông Lynch Phan, CEO Công ty cổ phần TechProfit nhận định, việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính sẽ gây ra một số chậm trễ nhất định tại một vài thời điểm. Tuy nhiên, khi quá trình tinh gọn bộ máy hoàn tất, việc ra quyết định đầu tư công có thể sẽ trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, Chính phủ đang quyết liệt thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư công, đồng thời nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý để đẩy nhanh tốc độ giải ngân.

Bà Đặng Nguyệt Minh cho hay, trong những tháng đầu năm nay, Chính phủ tích cực thúc đẩy công tác cải cách thể chế, liên tục sửa đổi và cập nhật các quy định pháp luật nhằm trao thêm quyền chủ động cho các cơ quan trung ương trong việc triển khai đầu tư công. Nhờ đó, các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách trung ương cơ bản không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất ổn gần đây, thậm chí còn có điều kiện để đẩy nhanh tiến độ.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/co-phieu-dau-tu-cong-co-the-tro-thanh-ham-tru-an-post367371.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *