ĐHCĐ Hòa Phát (HPG): Tập đoàn sẽ không điều chỉnh kế hoạch kinh doanh dù Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc Hòa Phát sẽ trả lời các câu hỏi của cổ đông tại đại hội sáng nay.

Với tình hình hiện nay, Hòa Phát có đầu tư sản xuất HRC tại Phú Yên?

Ông Trần Đình Long: Cho đến thời điểm này, Ban lãnh đạo Tập đoàn vẫn đang thu thập số liệu để đưa ra quyết định có sản xuất thép HRC tại dự án Phú Yên không. Nhưng theo tôi, với tăng trưởng tiêu thụ HRC từ 3 – 5% một năm thì có thể thêm công suất HRC khoảng 3 – 5 triệu tấn /năm. Dự án Phú Yên sẽ khởi công vào tháng 5 tới và đến năm 2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên.

Hòa Phát có cách nào để tránh không bị áp thuế trong các vụ kiện chống bán phá giá?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Kinh nghiệm của Hòa Phát là số liệu minh bạch, có luật sư và hệ thống thu thập dữ liệu tốt. Tập đoàn kiểm soát chi phí thấp nhất nên có giá thành tốt.

Hòa Phát có kế hoạch tiếp tục đầu tư mỏ kim loại hay không?

Ông Trần Đình Long: Trước đây Hòa Phát có ý định đầu tư vào mỏ quặng, nhưng tình hình hiện nay, về nguồn quặng, quả bóng đang ở trong chân người mua. Có nguồn quặng mới như ở Chile sẽ ra nguồn quặng 120 triệu tấn rất lớn. Người dùng quặng như Hòa Phát đang có lợi.

Hòa Phát kiểm soát ảnh hưởng của tỷ giá như thế nào?

Ông Nguyễn Việt Thắng: Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn và đang xuất siêu, nếu chiến tranh thương mại thì sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Hòa Phát sẽ linh hoạt, sẽ bảo hiểm tỷ giá trong trường hợp cần thiết. Nếu tỷ giá tăng thì giá thành sẽ tăng, có thể đưa giá thành tăng thêm đó vào giá bán, không phụ thuộc vào hấp thụ của nền kinh tế và điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, chủ trương xuất khẩu của Hòa Phát là dưới 20% để hạn chế ảnh hưởng biến động thị trường. Năm 2024, tỷ trọng xuất khẩu là 34% do thị trường trong nước bị ảnh hưởng bởi hàng giá rẻ, thị trường bất động sản chưa mấy khởi sắc. Đó chỉ là ngắn hạn, còn về cơ bản, Hòa Phát chỉ duy trì tỷ trọng xuất khẩu dưới 20% và thị trường xuất khẩu là 40 thị trường, trong đó Mỹ chỉ chiếm 1%. Việc chia nhỏ thị trường khiến Hòa Phát có thời gian chủ động xoay chuyển nếu có biến động ở một số thị trường.

Ban chủ tọa ĐHCĐ Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long ngồi giữa

Ban chủ tọa ĐHCĐ Hòa Phát, Chủ tịch Trần Đình Long ngồi giữa

Tổng lượng sắt thép cấp cho các dự án đường sắt?

Ông Trần Đình Long: Tổng lượng sắt cấp cho dự án đường sắt khoảng 10 triệu tấn, nhưng đây là số liệu ban đầu vì vẫn có thêm dự án mới. Chúng tôi sẽ tham gia tất cả các dự án đường sắt. Ngoài quyết tâm của Hòa Phát, ngoài xu hướng, Bộ Xây dựng đang trình Nghị định về giao nhiệm vụ cụ thể cho các doanh nghiệp. Tháng 5, Tập đoàn sẽ làm lễ động thổ nhà máy sản xuất thép đường ray.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là Đảng và Chính phủ đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho tăng trưởng, chưa bao giờ doanh nghiệp tư nhân được ủng hộ như hiện nay. Đó là điều kiện để Hòa Phát phát triển sáng lạn và huy hoàng trong tương lai.

Hòa Phát có cấp thép cho dự án của Vinfast?

Chúng tôi liên hệ với nhiều nhà sản xuất ô tô khác nhau theo chủ trương chung của Chính phủ hiện nay là các doanh nghiệp không phân biệt thành phần kinh tế phải liên kết với nhau để cùng phát triển. Hòa Phát chuẩn bị ký hợp tác chiến lược với Tập đoàn Năng lượng quốc gia để cung cấp thép cho các dự án của Tập đoàn trong lĩnh vực dầu khí và điện gió.

Định hướng của Tập đoàn là đi vào sản xuất thép chất lượng cao, thép phục vụ cho kinh tế, quốc phòng.

Về chiến lược bán hàng của Hòa Phát trong năm 2025?

Ông Trần Đình Long: Tôi khẳng định chính sách xuyên suốt của Hòa Phát là luôn phải bán được hết hàng. Bán hàng tập trung vào lượng, còn lợi nhuận là hệ quả của việc bán hết hàng sản xuất ra.

Công ty tôn Hòa Phát chỉ chiếm 5% thị phần, nhưng năm 2024 mang về hơn 560 tỷ đồng lợi nhuận, lớn hơn công ty tôn khác, đó là nhờ công tác điều hành sản xuất.

Công ty có điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2025 không, sau khi điều chỉnh kế hoạch cổ tức?

Trong quý I/2025, doanh thu Tập đoàn đạt 37.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.300 tỷ đồng – bám sát kế hoạch đề ra. Năm nay, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 170.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 25% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Ban đầu Hòa Phát đặt kế hoạch là 12.000 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng chúng tôi đã quyết tâm đặt kế hoạch 15.000 tỷ đồng. Với kết quả của quý I thì mỗi quý còn lại của năm, Tập đoàn phải thực hiện 4.000 tỷ đồng lợi nhuận là khá thách thức, tuy nhiên, chúng tôi sẽ không điều chỉnh kế hoạch này.

ĐHCĐ Hòa Phát có sự tham gia của hơn 1.000 cổ đông đại diện hơn 64% cổ phần có quyền biểu quyết. Ông Long chia sẻ, Công ty hiện có 194.000 cổ đông, là một trong những công ty có cổ đông nhiều nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Hòa Phát không chỉ là cổ phiếu quốc dân mà còn trở thành công ty quốc dân. Điều này đối với Ban lãnh đạo Công ty là “rất áp lực phải làm cho tốt”.

Hòa Phát luôn chú trọng đầu tư sản xuất và cung cấp các sản phẩm thép có chất lượng và hàm lượng kỹ thuật cao, sản xuất theo sát diễn biến thị trường, tối ưu hóa chi phí từ tất cả các khâu.

Năm vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát đạt hơn 140.000 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận ròng trên 12.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 77% so với năm 2023. Lĩnh vực thép (bao gồm Gang thép và Sản phẩm thép) tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và khẳng định là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 93% và 86% của toàn Tập đoàn. Lợi nhuận lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng 4,6 lần so với 2023.

Hoạt động xuất khẩu góp phần quan trọng với 31% tỷ trọng doanh thu toàn Tập đoàn. Thị trường xuất khẩu của Hòa Phát rất đa dạng với trên 40 quốc gia, vùng lãnh thổ như khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada, các nước châu Âu… Hoạt động xuất khẩu giúp đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam.

Với quy mô hoạt động ngày càng lớn, Tập đoàn Hòa Phát đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội của cả nước. Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm 2024 đạt gần 13.500 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử 32 năm hoạt động và tăng 48% so với 2023.

Tập đoàn hiện tập trung đẩy mạnh sản xuất các dòng thép chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo như ô tô, đóng tàu, cơ khí, dầu khí, đường sắt, gia dụng… và công nghiệp quốc phòng, giúp tự chủ nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc nhập khẩu.

Hòa Phát tập trung toàn bộ nguồn lực nhằm hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 trong năm 2025, tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Khi dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn đạt 15 triệu tấn/năm, dự kiến đưa Hòa Phát vào Top 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.

Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/dhcd-hoa-phat-hpg-tap-doan-se-khong-dieu-chinh-ke-hoach-kinh-doanh-du-my-ap-thue-doi-ung-voi-viet-nam-post367633.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *