Chủ tịch Trần Đình Long (HPG) nói về cạnh tranh: “Mất dây thần kinh sợ lâu rồi”

Chủ tịch Trần Đình Long (HPG) nói về cạnh tranh: “Mất dây thần kinh sợ lâu rồi”

Sáng ngày 17/4, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại Hà Nội, đánh dấu một cột mốc quan trọng với số lượng cổ đông tham dự đạt mức cao nhất lịch sử của HPG.

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hoà Phát phát biểu khai mạc ĐHĐCĐ thường niên 2025, tổ chức sáng 17/04 tại Hà Nội – Ảnh: Thế Mạnh

Đến 9h14′, số liệu thống kê cho thấy đã có 722 cổ đông trực tiếp và 324 cổ đông ủy quyền tham dự, nâng tổng số đại biểu lên 1,046. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt từ phía các cổ đông đối với tình hình và định hướng phát triển của Hòa Phát. Số lượng cổ phần có quyền biểu quyết do các đại biểu đại diện là 4.12 tỷ cổ phần, tương đương 64.5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, đảm bảo đủ điều kiện tiến hành đại hội theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty.

Đặc biệt, Chủ tịch Trần Đình Long đã thông báo một tin vui: Hòa Phát hiện có 194,000 cổ đông, con số cao nhất trong số các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Ông Long nhấn mạnh, HPG không chỉ là cổ phiếu quốc dân mà còn được các phương tiện truyền thông gọi là “công ty quốc dân”, thể hiện trách nhiệm lớn lao của doanh nghiệp đối với nền kinh tế.

Đại hội diễn ra trong bối cảnh ngành thép Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng đang đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chống bán phá giá trên thị trường quốc tế. Các nội dung quan trọng dự kiến được thảo luận tại đại hội bao gồm kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận… Sự tham gia đông đảo của cổ đông và những đánh giá tích cực từ phía lãnh đạo cho thấy niềm tin vững chắc vào tương lai của Hòa Phát.

Lãi quý 1 đạt 3,300 tỷ đồng

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tình hình chung đang diễn biến phức tạp. Mặc dù Mỹ tạm hoãn 90 ngày thuế đối ứng, nhưng về cơ bản, nền kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều biến động khó lường. Có người lạc quan, có người bi quan, thậm chí kêu gọi ngừng xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, tôi muốn báo cáo với Đại hội rằng Hòa Phát đang có tinh thần phòng thủ rất tốt, làm việc bài bản và cẩn trọng.

Trước giờ, ban lãnh đạo HPG có thể bị xem là hơi bảo thủ, nhưng chúng tôi luôn đề cao sự thận trọng và đề phòng những khả năng xấu có thể xảy ra. Nếu đàm phán tốt và thích ứng linh hoạt, kinh tế Việt Nam nói chung và Hòa Phát nói riêng sẽ tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần tính đến những kịch bản tiêu cực. Vì vậy, tôi mong rằng Đại hội sẽ có cái nhìn tích cực, vừa cẩn trọng, vừa hướng đến sự phát triển bền vững.

Năm 2025, HPG có một nhiệm vụ lớn là hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Dung Quất 2. Đây là một nỗ lực đáng kể của 1,400 cán bộ nhân viên, mang đến những sản phẩm mới cho thị trường. Năm ngoái, cổ đông lo lắng về việc hàng thép từ Trung Quốc và Ấn Độ tràn vào, nhưng tôi xin khẳng định rằng sản phẩm mới của HPG vẫn bán hết hàng theo kế hoạch.

Theo kế hoạch năm 2025, ban lãnh đạo đặt mục tiêu đầy tham vọng với doanh thu 170,000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 15,000 tỷ đồng. Quý 1 năm nay, chúng ta đã đạt doanh thu 37,000 tỷ đồng và lợi nhuận 3,300 tỷ đồng“.

Thảo luận:

Cổ đông quan tâm đến các kế hoạch của Hòa Phát trong việc mở rộng lĩnh vực kinh doanh, bao gồm khai thác đất hiếm, kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ khi giá cổ phiếu biến động và chính sách công bố kết quả kinh doanh?

Chủ tịch Trần Đình Long: Về lĩnh vực đất hiếm, hiện tại, Hòa Phát không có kế hoạch tham gia vào sản xuất hay khai thác đất hiếm trong ngắn hạn. Dù Việt Nam có tiềm năng lớn về tài nguyên đất hiếm, nhưng lĩnh vực này đang còn “biến tính và nhỏ”, không phù hợp với chính sách và chiến lược hiện tại của chúng tôi. Chúng tôi đang tập trung vào những ngành hàng lớn và thô như thép, và đó là lĩnh vực mà Hòa Phát sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Chính vì vậy, Hòa Phát không tham gia vào chuỗi giá trị đất hiếm.

Về việc mua lại cổ phiếu quỹ, tôi đã trả lời câu hỏi này nhiều lần trước đây và xin khẳng định lại rằng hiện tại chúng tôi không có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ. Chúng tôi đang tập trung toàn bộ nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, phát triển ngành thép – ngành nghề cốt lõi của Hòa Phát.

Về công bố kết quả kinh doanh, chúng tôi đã nhận được nhiều đề nghị từ các cổ đông về việc công bố kết quả kinh doanh hàng tháng. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi thấy rằng việc công bố kết quả theo quý là hợp lý và đủ để đại diện cho tình hình hoạt động của công ty. Việc công bố hàng tháng có thể dẫn đến sự biến động ngắn hạn và không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh của chúng tôi. Trong ngắn hạn, chúng tôi chưa có kế hoạch thay đổi tần suất công bố thông tin này.

Cái thời mà làm thép nhất thiết phải có mỏ qua rồi

Năm 2024 Hòa Phát đạt kết quả kinh doanh vượt bậc so với kế hoạch, đặc biệt là lợi nhuận sau thuế. Trong bối cảnh đó, liệu công ty có cân nhắc điều chỉnh tăng tỷ lệ cổ tức so với mức 20% đã đề ra? Đồng thời, xin hỏi kế hoạch mở rộng văn phòng đại diện ở nước ngoài có được thúc đẩy thêm không? Việc khấu hao Dự án Dung Quất 2 sẽ ảnh hưởng thế nào đến lợi nhuận, và dự án Thép đường ray có đóng góp lớn cho cơ cấu doanh thu và lợi nhuận?

Trả lời của Chủ tịch Trần Đình Long và Ban lãnh đạo: Thực ra, con số lợi nhuận 2024 tăng trưởng mạnh là so với nền rất thấp của năm trước – khi kinh tế thế giới khủng hoảng. Còn nếu so với kế hoạch năm 2023, thì Hòa Phát vượt khoảng 20%. Chính vì thế, mức chia cổ tức 20% là phù hợp với mức độ tăng trưởng thực tế.

Trước đó, các công ty thành viên lên kế hoạch lợi nhuận khoảng 10,000-12,000 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chúng tôi quyết tâm đẩy lên 15,000 tỷ. Đó là sự cố gắng rất lớn. Tính đến hết quý 1, chúng tôi đã hoàn thành một phần, và để đạt mốc 15,000 tỷ, các quý còn lại cần đạt tối thiểu 4,000 tỷ mỗi quý. Ban điều hành cam kết giữ vững mục tiêu này.

Liên quan đến văn phòng đại diện ở nước ngoài, hiện chúng tôi đang vận hành văn phòng tại Singapore. Văn phòng này làm hai việc: tìm kiếm nguồn hàng lách thị trường để nhập nguyên liệu như than, quặng về cho Tập đoàn, và thứ hai là bán hàng sang thị trường Singapore. Mỗi năm, thị trường này tiêu thụ khoảng 2 triệu tấn thép xây dựng, có năm Hòa Phát bán được 200,000-300,000 tấn. Trong tương lai, nếu điều kiện thuận lợi, Hòa Phát sẽ cân nhắc mở thêm một vài văn phòng ở các khu vực tiềm năng khác, như các tập đoàn lớn vẫn làm.

Về dự án Dung Quất 2, chúng tôi đã bắt đầu phân bổ chi phí khấu hao và lãi vay từ tháng 3/2025. Nguyên tắc là phân bổ theo tỷ trọng tổng đầu tư và sản lượng thực tế. Phân kỳ 1 đã vận hành với 70-80% công suất. Kế hoạch là đến cuối năm sẽ chạy đủ 100% và phân bổ hoàn toàn chi phí. Đây là dự án rất lớn nên việc phân kỳ và phân bổ giúp đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận không bị dồn áp lực.

Còn với dự án thép đường ray, đây là một dự án có tính biểu tượng, thể hiện năng lực công nghệ và chất lượng sản phẩm của Hòa Phát. Tuy nhiên, trọng số đóng góp vào doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn thì rất nhỏ.

Tập đoàn Hòa Phát hiện đang xúc tiến thế nào trong việc xin khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê, liệu việc khai thác mỏ này có giúp giảm chi phí so với nhập khẩu từ Úc không? Và tình hình khai thác, nhập khẩu từ mỏ quặng của Hòa Phát tại Úc hiện nay ra sao?

Chủ tịch Trần Đình Long: Liên quan đến mỏ quặng ở Úc, trước đây chúng tôi cũng có một thời gian khai thác và chuyển quặng về Việt Nam. Nhưng giá quặng lúc đó xuống thấp quá, làm không hiệu quả nên hiện tại đang tạm thời dừng. Nói chung, khai thác mỏ là câu chuyện theo giá. Giá cao thì khai thác được, giá thấp thì phải dừng. Hiện giờ, Hòa Phát chủ yếu vẫn là nhập khẩu là chính.

Nhưng tôi xin chia sẻ để mọi người yên tâm – chưa bao giờ mà quả bóng lại ở chân người mua như bây giờ. Rất dễ dàng, rất nhiều nguồn cung. Ví dụ luôn, cách đây 2-3 tháng, chúng tôi gửi thư hỏi mua từ Baowu – nhà sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc, sản lượng 100 triệu tấn – thì họ trả lời là không bán. Nhưng chỉ 10 ngày trước thôi, chính họ đã đến tận Hòa Phát để chào hàng. Như vậy đủ thấy là vị thế bây giờ thuộc về người mua.

Còn về mỏ quặng Thạch Khê thì đúng là tháng 2 vừa rồi, lãnh đạo Hòa Phát có kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác. Chúng tôi đã làm đầy đủ các thủ tục, gửi văn bản, đề nghị tại các hội thảo cũng có rồi. Giờ vấn đề còn lại là ở cấp cao hơn. Cá nhân tôi cho rằng việc có hay không có mỏ Thạch Khê cũng không ảnh hưởng đến tổng thể. Không phải là cái gì bắt buộc phải có, cái thời mà làm thép nhất thiết phải có mỏ qua rồi.

Chiến lược thị trường của Hòa Phát từ trước giờ không phải tập trung vào giá

Chiến lược phát triển dài hạn của Hòa Phát hiện nay tập trung vào những trụ cột nào, đặc biệt trong bối cảnh tập đoàn đang đầu tư quy mô lớn vào Khu liên hợp Dung Quất 2, đẩy mạnh R&D, phát triển nông nghiệp, kiểm soát chặt chi phí tài chính, và duy trì chính sách thị trường linh hoạt? Các yếu tố này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả kinh doanh và lợi ích cổ đông trong trung và dài hạn?

Chủ tịch Trần Đình Long: Về công tác nghiên cứu phát triển, Hòa Phát hiện có hai mảng rõ ràng. Thứ nhất là phát triển chiến lược, tức các sản phẩm mới, ngành hàng mới. Thứ hai là nghiên cứu chuyên sâu, cải tiến kỹ thuật – cái này được thực hiện tại từng đơn vị thành viên, chẳng hạn như phòng công nghệ. Ở cấp tập đoàn, chúng tôi có Ban Nghiên cứu Phát triển lo phần vĩ mô, còn các công ty thành viên thì có bộ phận kỹ thuật chuyên đổi mới, cải tiến liên tục. Như thép container, HPG đã nghiên cứu và sản xuất thành công. Hiện còn đang nghiên cứu tiếp một loạt sản phẩm mới theo đặt hàng, ví dụ như từ Hiệp hội Cơ khí Việt Nam – họ đặt Hòa Phát chế tạo những loại thép đặc biệt, và chúng tôi làm được.

Về dự án Khu liên hợp Dung Quất 2 – quy mô rất lớn – tôi khẳng định toàn bộ vốn đầu tư đã chuẩn bị sẵn từ đầu, không có gì phải lo lắng. Kế hoạch hoàn vốn, các yếu tố ảnh hưởng dòng tiền và lợi nhuận đều nằm trong tính toán. Việc này đã được đưa vào kế hoạch tổng thể, có chuẩn bị đầy đủ, không ảnh hưởng đến an toàn tài chính hay hoạt động thường xuyên của tập đoàn.

Riêng ngành nông nghiệp, trước tôi không nói nhiều nhưng nay xin chia sẻ thẳng: Năm 2024, đây là mảng có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trong tất cả các mảng của Hòa Phát, thậm chí vượt nhiều công ty có bề dày trăm năm. Quý 1/2024, nông nghiệp lãi trước thuế khoảng 400 tỷ đồng. Tôi gặp một anh bạn làm nông nghiệp quy mô 80,000 con lợn, lãi 90 tỷ đồng. Tôi nuôi có 25,000 con thôi mà lãi tới 125 tỷ đồng. Như vậy để thấy là chúng tôi làm rất chắc chắn, kỹ lưỡng và hiệu quả. Đây là ngành có tỷ suất lợi nhuận đáng mơ ước trong ngành nông nghiệp Việt Nam.

Về lãi vay, tổng vay thực của Hòa Phát trên vốn chủ sở hữu đến cuối năm 2023 là 0.5 lần, đến hết quý 1/2024 là 0.6 lần – mức cực kỳ an toàn với một tập đoàn lớn như Hòa Phát. Tất cả chi phí lãi vay được hạch toán đầy đủ vào giá thành sản phẩm, và trong quý 1/2024 chúng tôi vẫn lãi 3,300 tỷ. Hòa Phát luôn giữ sẵn khoảng 25,000 tỷ tiền mặt – có thể thanh toán bất kỳ lúc nào – để đảm bảo thanh khoản và an toàn tài chính. Thậm chí, có người còn bảo là Hòa Phát “bảo thủ quá, ít vay quá”.

Chiến lược thị trường của Hòa Phát từ trước tới nay không phải tập trung vào giá, mà là đảm bảo bán hết hàng, giữ thị phần. Chính sách này xuyên suốt từ ngày đầu lập nghiệp đến bây giờ, và vẫn sẽ tiếp tục như vậy. Còn lợi nhuận là hiệu quả của quản trị và vận hành, không phải bằng mọi giá ép lợi nhuận trong ngắn hạn.

Về hiệu quả Dung Quất 2, biên lợi nhuận có thể ngang hoặc cao hơn so với Dung Quất 1. Lý do là lò cao ở Dung Quất 2 lớn hơn, tiêu hao năng lượng thấp hơn, chi phí vận hành tốt hơn. Tất cả khâu điều hành – từ giá thành sản phẩm đến lãi vay – đều được kiểm soát rất chặt để tối ưu hiệu quả.

Đối với thép chất lượng cao như thép cuộn dây, biên lợi nhuận cao hơn so với các sản phẩm truyền thống là hoàn toàn khả thi. Riêng mảng tôn – ví dụ Tôn Hòa Phát – năm 2024 đạt khoảng 560,000 tấn, trong khi phần nguyên liệu của Hòa Phát chỉ chiếm khoảng 5%. Điều này chứng minh rằng hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của Hòa Phát là rất lớn.

Tôi xin khẳng định, dù tập trung sản lượng nhưng Hòa Phát luôn đặt lợi ích cổ đông lên hàng đầu. Tất cả mọi hoạt động – từ công nghệ, tài chính, sản xuất đến đầu tư – đều xoay quanh mục tiêu cuối cùng: Tạo ra kết quả kinh doanh tốt nhất, bền vững và hiệu quả nhất cho cổ đông.

Chiến lược tỷ trọng xuất khẩu dưới 20% doanh thu để đảm bảo an toàn trước biến động

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, chiến lược của Hòa Phát trong việc chủ động nguồn nguyên liệu, ứng phó với rủi ro tỷ giá, phát triển xuất khẩu, đầu tư công nghệ, bất động sản và hợp tác liên ngành là gì, và các kế hoạch này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới tăng trưởng và lợi nhuận của tập đoàn trong thời gian tới?

Chủ tịch Trần Đình Long: Cảm ơn câu hỏi rất xác đáng.

Về nguyên liệu, Hòa Phát từ trước đến nay luôn chủ động tìm kiếm, thăm dò và có kế hoạch mua mỏ, cụ thể là mỏ quặng sắt. Đây là chiến lược xuyên suốt, không phải bây giờ mới làm. Nguồn quặng hiện nay thì rất dồi dào, không hề hiếm như một số thông tin đưa ra. Chúng tôi theo dõi sát sao và thấy rõ nhiều khu vực như châu Phi đang có tiềm năng lớn. Ví dụ như mỏ Simandou ở Guinea, đến cuối năm nay có thể đưa ra thị trường hàng trăm triệu tấn. Điều này tạo lợi thế rất lớn cho các nhà sản xuất như Hòa Phát.

Về tỷ giá, đúng là rủi ro có thể xảy ra, nhất là nếu sau 90 ngày tới có các vấn đề liên quan đến thuế quan. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu của Hòa Phát hiện chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu, nên tác động không quá lớn như với các doanh nghiệp xuất khẩu toàn phần. Dù vậy, việc tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá thành do chi phí nhập khẩu nguyên liệu. Hòa Phát sẽ điều hành linh hoạt, theo dõi sát và khi cần thiết sẽ sử dụng các biện pháp phòng ngừa như Hedging (phòng vệ giá). Khả năng đưa chi phí này vào giá bán còn phụ thuộc sức chịu đựng của nền kinh tế và chính sách điều hành.

Về xuất khẩu, chiến lược của Hòa Phát là giữ dưới 20% để đảm bảo an toàn trước biến động thị trường. Nhưng năm 2024, do thị trường trong nước khó khăn và tồn tại hàng giá rẻ, chúng tôi linh hoạt nâng xuất khẩu lên tới 31% như một giải pháp tạm thời. Hiện nay, Hòa Phát xuất khẩu tới hơn 40 quốc gia. Riêng thị trường Mỹ chỉ chiếm khoảng 1% nên khi có biến động ở một khu vực, chúng ta vẫn đủ thời gian xoay chuyển.

Về chất lượng HRC, tất cả sản phẩm của Hòa Phát đều đạt tiêu chuẩn quốc tế. Sự khác biệt giữa Dung Quất 1 và Dung Quất 2 chỉ là về công nghệ thiết bị chứ không ảnh hưởng đến chất lượng. HRC của Hòa Phát đã được cấp chứng chỉ cho các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Ấn Độ… Việc điều chỉnh thiết bị là để nâng cao hiệu suất, chứ không phải do lỗi dây chuyền giai đoạn trước.

Về mảng bất động sản, dù giá đất ở Phố Nối hiện tăng 10-15 lần, Hòa Phát chỉ triển khai khi tính toán thấy hiệu quả. Chúng tôi không vội, và hiện cũng chưa đến giai đoạn tính tiền sử dụng đất. Nếu thấy hiệu quả, chúng tôi sẽ làm. Còn không hiệu quả, sẵn sàng không làm.

Liên quan đến nhu cầu thép cho đường sắt cao tốc, sơ bộ hiện nay tổng nhu cầu khoảng 10 triệu tấn, nhưng biến động rất nhanh vì mỗi tuần lại có quyết định mới được đưa ra. Đây là cơ hội lớn. Đặc biệt, lần đầu tiên, doanh nghiệp tư nhân được Đảng và Nhà nước coi là động lực chính, rất được ủng hộ, tạo điều kiện phát triển cho các tập đoàn sản xuất trong nước như Hòa Phát.

Về hợp tác với các doanh nghiệp trong nước như VinFast, Thành Công, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, hay Tập đoàn Năng lượng Quốc gia, Hòa Phát luôn chủ động. Chúng tôi đang làm chứ không chỉ có ý tưởng. Cụ thể, chúng tôi cung cấp trục, bánh xe cho tàu hỏa, và cũng đang bàn với các đối tác về các dự án điện gió, điện mặt trời ngoài khơi. Chính phủ hiện rất khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp, không phân biệt Nhà nước hay tư nhân.

Về triển vọng ngành thép, đúng là giá thép hiện nay biến động lớn, nhưng Hòa Phát đi theo chiến lược “lấy lượng làm chính”, giá chỉ là hệ quả của lượng. Chúng tôi chủ trương đảm bảo đầu ra ổn định, linh hoạt điều hành theo tình hình thị trường. Và dù có khó khăn, Hòa Phát vẫn kiên định với mục tiêu sản xuất thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo, quốc phòng, hạ tầng.

Trong dài hạn, định hướng chiến lược của Hòa Phát là tập trung vào thép chất lượng cao – lĩnh vực trước đây Việt Nam không đủ năng lực làm. Vừa qua, chúng tôi đã ký kết với Tập đoàn Primetals (châu Âu) – tập đoàn sản xuất thép chế tạo lớn nhất thế giới – để triển khai sản xuất các sản phẩm thép chế tạo tại Việt Nam.

Cổ đông đặt câu hỏi cho Ban lãnh đạo Hòa Phát.

Làm thép là cuộc chơi rất dài và gian nan

Chiến lược của Hoà Phát trong bối cảnh cạnh tranh nội địa gia tăng, thị trường thép phục hồi, đơn hàng ổn định trở lại và hoạt động mở rộng các mảng như thép cuộn cán nóng (HRC) hay container đang triển khai ra sao, cùng với chính sách bán hàng, quản trị và hướng đi của công ty trong thời gian tới?

Chủ tịch Trần Đình Long: Hiện tại, HRC của Hoà Phát sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Chúng tôi không tồn kho HRC. Khách hàng thường đặt trước từ 1-2 tháng, trả tiền trước, sau đó mới nhận hàng. Đây là chính sách bán hàng rất rõ ràng, minh bạch. Việc này giúp doanh nghiệp kiểm soát dòng tiền tốt, tránh bị dồn áp lực tài chính hay phát sinh công nợ xấu.

Về biên lợi nhuận của HRC, có tăng hay không thì cũng khó tăng mạnh, bởi giá nguyên vật liệu đầu vào và cạnh tranh trong nước đều là những yếu tố cần xem xét tổng thể. Tuy nhiên, việc bán hết sản lượng ngay từ đầu cũng là dấu hiệu tích cực cho hiệu quả sản xuất – kinh doanh của dự án này.

Với giai đoạn 2 của khu liên hợp Dung Quất 2, hiện nay phần cán và đúc đã hoàn thành, chỉ còn chờ lò cao ra nước thép là có thể chạy. Chúng tôi đang chạy ngày chạy đêm để đảm bảo đúng tiến độ, đến tháng 9 sẽ có lò cao số 6 hoạt động. Phấn đấu đến năm 2026, công suất thép của Hoà Phát đạt khoảng 15 triệu tấn/năm. Khi đó, năng lực cạnh tranh và quy mô của Hoà Phát sẽ lên một tầm mới.

Còn về container, đây là mảng mới, công ty cũng đã có đơn hàng đến tháng 6, riêng tháng 4 tiêu thụ hơn 4,000 TEU. Nhà máy đang chạy tối đa công suất, thị trường vẫn còn tiềm năng, tuy nhiên ngành hàng hải thế giới phục hồi vẫn chưa đồng đều, nên công ty sẽ linh hoạt theo diễn biến thực tế.

Về cạnh tranh trong ngành thép, có thêm vài doanh nghiệp mới như Xuân Thiện hay ở Lào Cai. Tuy nhiên, tôi cho rằng làm thép là cuộc chơi rất dài và gian nan. Hoà Phát chưa bao giờ sợ cạnh tranh. Tôi từng nói đùa là “mất cái dây thần kinh sợ lâu rồi”, nên tôi không lo ngại những cái tên mới vào thị trường.

Từ 2026 – 2027, HPG sẽ quay lại mức cổ tức truyền thống

Xin Chủ tịch cho biết kế hoạch chia cổ tức năm 2024?

Chủ tịch Trần Đình Long: Về cổ tức năm 2024, HĐQT đã trình và xin ý kiến ĐHĐCĐ chia cổ tức với tỷ lệ 15%, trong đó 5% bằng tiền mặt, còn lại là cổ phiếu. Tôi xin chia sẻ hết sức chân thành là sau ngày 02/04/2025, khi có biến động về thuế quan, chúng tôi – những người điều hành Hòa Phát – buộc phải chuyển sang trạng thái phòng thủ. Trong bối cảnh như vậy mà vẫn đảm bảo chia cổ tức, đây là điều rất đáng mừng. Sau khi thông báo, thị trường phản hồi rất tích cực và ủng hộ quyết định này. Tôi mong các cổ đông tiếp tục đồng hành, ủng hộ Hòa Phát trong giai đoạn có nhiều khó khăn và biến động như hiện nay.

Còn về các năm tới, tôi xin cam kết rằng, nếu không có gì đặc biệt, từ 2026-2027, Hòa Phát sẽ quay lại mức cổ tức như truyền thống trước đây. Đây là cách để Hòa Phát giữ được vị thế là một công ty “quốc dân”, như nhiều người vẫn gọi.

Thép cuộn cán nóng (HRC) làm ra có bán hết không?

Chủ tịch Trần Đình Long: Tôi xin báo tin vui là hiện nay tất cả hàng sản xuất ra đều bán được. Tôi đã từng nói điều này từ năm ngoái, khi thị trường còn nhiều khó khăn hơn, chưa có chuyện áp thuế tạm thời. Bây giờ đã có chống bán phá giá và tôi tin rằng, quốc gia nào cũng sẽ phải bảo vệ sản xuất trong nước. Đó là điều tất yếu.

Về kế hoạch đầu tư tiếp HRC, hiện Hòa Phát vẫn đang tiếp tục khảo sát, thăm dò thị trường và thu thập dữ liệu. Chúng tôi chưa có quyết định chính thức về việc đầu tư tiếp nhưng với tốc độ tăng trưởng tiêu thụ khoảng 3-5% mỗi năm, thì khả năng vẫn có thể sản xuất thêm khoảng 3-5 triệu tấn. Tuy nhiên, xin nhấn mạnh, hiện tại chúng tôi vẫn đang xem xét và chưa đưa ra thông báo chính thức nào về việc triển khai dự án mới cho HRC.

Tin đồn dừng dự án tại Hưng Yên?

Chủ tịch Trần Đình Long: Tôi xin khẳng định là không có chuyện dừng dự án tại Hưng Yên. Có thể có sự hiểu nhầm với một việc nhỏ ở Thái Bình – đó là chuyện xảy ra thường xuyên trong quá trình kinh doanh, do các thủ tục hành chính, chứ không phải vấn đề gì nghiêm trọng hay liên quan đến môi trường. Tôi đã yêu cầu bộ phận pháp chế kiểm tra lại và mọi việc vẫn đang diễn ra bình thường. Mong cổ đông yên tâm.

Các dự án đang triển khai, đặc biệt là nhà ở xã hội?

Chủ tịch Trần Đình Long: Tôi xin nhắc lại, Hòa Phát là một tập đoàn thép, nên bất động sản luôn chỉ chiếm khoảng 5-7% trong cơ cấu. Có tác động thì cũng không lớn. Tuy nhiên, nhà ở xã hội là một mảng tốt và Hòa Phát đang triển khai thí điểm ở Hưng Yên – tình hình rất tốt. Trong tương lai, nếu địa phương nào có đất và điều kiện phù hợp thì chúng tôi sẽ tiếp tục làm, nhưng vẫn đảm bảo bất động sản không vượt quá tỷ trọng đã đề ra.

Đầu tư 13,000-14,000 tỷ đồng cho Dung Quất 2

Định hướng đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 2?

Chủ tịch Trần Đình Long: Về dự án Hòa Phát Dung Quất 2 tại Chu Lai, hiện nay tập đoàn đã hoàn tất hồ sơ pháp lý ban đầu với các cơ quan chức năng và được giao một khu đất rất đẹp – khoảng 500 ha mặt biển. Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị hạ tầng ban đầu. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 13,000-14,000 tỷ đồng. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ tổ chức lễ động thổ vào tháng 5 năm nay và đến tháng 5/2027 sẽ có sản phẩm đầu tiên. Còn về các giấy phép và sản phẩm cụ thể thì sẽ tiếp tục xem xét để triển khai đúng pháp luật và hiệu quả.

Quan điểm của Hòa Phát trước những biến động chính trị – kinh tế gần đây?

Chủ tịch Trần Đình Long: Tôi xin nói rằng, chúng ta là công ty sản xuất. Tôi rất tâm đắc với phát biểu gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm, trong đó có câu rất hay: “Quyền lợi của dân tộc, của đất nước là trên hết”. Đó cũng là kim chỉ nam để Hòa Phát vững vàng đi qua các giai đoạn đầy thử thách như hiện tại.

Hòa Phát có chiến lược và kế hoạch cụ thể như thế nào khi tham gia các dự án đường sắt quốc gia, bao gồm việc sản xuất thép đường ray và đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm từ Dung Quất 2?

Chủ tịch HPG Trần Đình Long: Hôm nay đại hội rất quan tâm đến việc Hòa Phát tham gia vào các dự án cấp quốc gia về đường sắt – từ đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đường sắt đô thị cho đến một số đường sắt tỉnh, rồi các dự án hạ tầng lớn như Hải Phòng – Lạng Sơn, cảng Lạch Huyện… Về việc này, trong cuộc họp tháng 9/2024 với Thủ tướng Chính phủ cùng các doanh nghiệp lớn, Chính phủ có giao nhiệm vụ cho Hòa Phát sản xuất đường ray tàu. Tức là Chính phủ có giao thì mình làm – là sản xuất cái đường ray tàu.

Hòa Phát có thể cung cấp tất cả các phần làm về đường sắt, từ đường sắt thông thường đến đường sắt cao tốc, từ phần nền đổ xuống – bao gồm cả thép đường ray, thép giữ đúng lực chất lượng cao, thép xây dựng cho hầm, cầu, đường cao tốc… Nếu cần, kể cả phần đầu máy, toa xe – Hòa Phát cũng có thể cung cấp được vật tư thép theo yêu cầu.

Chúng tôi đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất đường ray tại Dung Quất 2, với tổng vốn khoảng 14,000 tỷ đồng. Dự án này rất mới, rất khó, vì thép ray là loại thép chất lượng cao, chưa từng sản xuất tại Việt Nam. Nhưng tôi tin là làm được, dựa trên truyền thống của Hòa Phát và quyết tâm của chúng tôi.

Một khi làm được đường ray, Hòa Phát cam kết cung cấp tất cả các loại sắt thép từ đường ray trở xuống. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ nghị định để giao nhiệm vụ và đơn hàng cụ thể cho doanh nghiệp trong nước. Nếu nghị định được thông qua, thì mọi người có thể yên tâm – đường ray Hòa Phát sản xuất sẽ có đầu ra.

Một số dự án cụ thể như Sài Gòn – Cần Thơ, Lào Cai… đang được nghiên cứu điều kiện vay vốn, kể cả vay ODA từ Trung Quốc – để xem điều kiện ra sao, nhưng Hòa Phát sẽ tham gia. Chúng tôi có xu hướng làm trước một số hạng mục để đón đầu nhu cầu. Việc đưa vào ngành nghề kinh doanh mới là “xây dựng công trình đường sắt” cũng là sự chuẩn bị và định hướng rõ ràng của Hòa Phát cho lĩnh vực này.

TRƯỚC ĐẠI HỘI

Thay đổi phương án cổ tức 2024

Năm 2024, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 140,561 tỷ đồng và lãi sau thuế 12,020 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 77% so với năm trước, hoàn thành kế hoạch doanh thu và vượt 20% mục tiêu lợi nhuận. Sản lượng thép thô đạt 8.7 triệu tấn, mở rộng xuất khẩu đến gần 40 quốc gia, đóng góp 31% tổng doanh thu.

Các sản phẩm chủ lực như ống thép đạt 708,000 tấn (+3%), tôn mạ 446,000 tấn (+36%) và thép dự ứng lực 134,000 tấn (+27%) đều tăng trưởng tốt. Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản lượng trứng gà đạt 330 triệu quả, mảng chăn nuôi bò Úc cải thiện rõ rệt, đóng góp 5% doanh thu và 3% lợi nhuận hợp nhất, với mức lợi nhuận gấp 4.6 lần năm trước.

Kết quả kinh doanh 10 năm qua của Hoà Phát

Trên cơ sở kết quả tích cực, Hòa Phát từng dự kiến quay lại chia cổ tức tiền mặt sau 2 năm gián đoạn, với tỷ lệ 5% tiền mặt và 15% cổ phiếu. Tuy nhiên, HĐQT đã đề xuất điều chỉnh phương án, chia toàn bộ cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu, tỷ lệ 20%. Nếu được thông qua, HPG sẽ phát hành thêm gần 1.3 tỷ cp để trả cổ tức, từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Việc thực hiện dự kiến trong vòng 6 tháng kể từ ngày được phê duyệt.

Lý do điều chỉnh được Hòa Phát đưa ra là để đảm bảo nguồn vốn tiền mặt phục vụ sản xuất – đầu tư. Đồng thời, sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới vào ngày 02/04/2025, trong đó Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%, Tập đoàn càng thận trọng hơn trong việc phân phối lợi nhuận.

Hòa Phát đã không chia cổ tức bằng tiền mặt từ năm 2022, do dồn lực đầu tư vào Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2. Dự án có tổng vốn đầu tư 85,000 tỷ đồng, quy mô 280 ha, công suất 5.6 triệu tấn HRC/năm. Đến cuối 2024, Hòa Phát đã giải ngân hơn 60,100 tỷ đồng cho dự án này, kéo theo nợ vay tài chính tăng thêm 18,000 tỷ lên mức 83,000 tỷ đồng. Tập đoàn vẫn giữ gần 25,900 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi cuối năm 2024.

Mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025

Hòa Phát đặt kế hoạch doanh thu 170,000 tỷ đồng và lãi sau thuế 15,000 tỷ đồng trong năm 2025, tăng lần lượt 21% và 25% so với 2024. Nếu hoàn thành, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất lịch sử của Tập đoàn và lợi nhuận cao nhất trong 4 năm qua. EPS ước tính đạt 2,132 đồng/cp. HĐQT dự kiến tiếp tục duy trì cổ tức 20% cho năm 2025, hình thức sẽ được công bố sau.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 09/02/2025, Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cam kết Hoà Phát sẽ tăng trưởng 15%/năm, hưởng ứng mục tiêu tăng GDP hai chữ số giai đoạn 2025-2030. Công ty cũng có kế hoạch sản xuất thép đường ray, thép cho trục bánh xe và các loại thép chất lượng cao phục vụ dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam và xuất khẩu.

Định hướng đầu tư và phát triển

Năm 2025, Hòa Phát tập trung vận hành ổn định lò cao số 2 của Khu liên hợp Dung Quất và hoàn thiện lò cao số 2 trong quý 4. Tập đoàn tiếp tục thúc đẩy các dự án bất động sản công nghiệp và dân cư, chuẩn hóa hệ thống quản trị nhân sự và dữ liệu, triển khai các dự án chuyển đổi số như E-office giai đoạn 2 và kho quản lý tri thức.

Lĩnh vực điện máy gia dụng cũng được mở rộng danh mục sản phẩm và đổi mới công nghệ. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hòa Phát tiếp tục phát huy lợi thế quản trị để tăng hiệu quả kinh doanh.

Về thách thức, Hòa Phát nhận định các rủi ro chính trong năm nay gồm căng thẳng thương mại, xung đột Nga – Ukraine, đà phục hồi chậm của kinh tế Trung Quốc và mặt bằng lãi suất toàn cầu vẫn ở mức cao. Thép Việt Nam tiếp tục đối mặt với hàng rào phòng vệ từ các thị trường lớn như Mỹ, EU, Úc, Ấn Độ.

Kết thúc đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Thế Mạnh

FILI

– 11:15 17/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/chu-tich-tran-dinh-long-hpg-noi-ve-canh-tranh-mat-day-than-kinh-so-lau-roi-737-1296652.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *