Góc nhìn 18/04: Đi ngang đã là tích cực?

Góc nhìn 18/04: Đi ngang đã là tích cực?

VPBankS nhận định với nền thanh khoản thấp, cơ hội để bứt phá ở thời điểm này là khó nhưng diễn biến đi ngang cũng là kịch bản tích cực.

Cập nhật

Tiếp tục phân hoá

CTCK Đông Á (DAS): Thị trường vẫn tiếp tục có sự phân hóa sau cú sốc thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp chưa thu hút dòng tiền quay lại mặc dù giá cổ phiếu đã chiết khấu sâu.

Lực cầu bắt đáy còn yếu

CTCK BIDV (BSC): Lực cầu bắt đáy tại 1,200 điểm đã xuất hiện nhưng còn yếu. Nhà đầu tư nên duy trì chiến lược giao dịch cẩn trọng trong giai đoạn này, khi thanh khoản yếu và chỉ số liên tục gặp lại các vùng tâm lý cũ.

Vẫn suy giảm

CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index đang nỗ lực phục hồi, tạo vùng  cân bằng quanh vùng giá 1,200 điểm. Xu hướng ngắn hạn VN-Index vẫn suy giảm dưới vùng kháng cự 1,250-1,270 điểm.

Thị trường đang dần cân bằng trở lại sau giai đoạn chịu áp lực bán mạnh đối với cả các mã, nhóm mã chịu tác động của thuế quan. Những thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2025 đã và sẽ tiếp tục công bố đang hỗ trợ tích cực hơn đến tâm lý của nhà đầu tư. Bên cạnh thông tin đàm phán thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, cũng như kỳ vọng sẽ có thông tin về đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng hỗ trợ tâm lý thị trường.

Trong ngắn hạn, tính trên toàn thị trường hơn 1,600 mã thì mức P/E hiện tại là khoảng 12.4, mức P/B khoảng 1.55. Rất nhiều mã, nhóm mã sau giai đoạn bán tháo có mức P/B khá thấp. SHS cho rằng, nhiều mã vẫn tương đối rẻ so với các yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Phù hợp các vị thế tỷ trọng thấp tích lũy, hoặc xem xét mua lướt ngắn hạn hạ giá vốn đầu tư. Vẫn ưu tiên quản trị rủi ro trong bối cảnh mới hiện nay.

Đi ngang phân hoá

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Nhiều khả năng chỉ số sẽ tiếp tục gặp áp lực rung lắc mạnh trở lại trong quá trình đi lên, và diễn biến của thị trường đang dần có xu hướng chuyển sang sideway, đi ngang phân hóa.

Lên tới 1,230 điểm

CTCK Asean (Aseansc): Ở kịch bản Khả quan, VN-Index có thể tiếp tục quán tính tăng điểm trong phiên tới (18/04) để hướng lên vùng 1,220-1,230 điểm. Aseansc cho rằng hành động tốt nhất lúc này là nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao có thể cân nhắc giải ngân cho mục tiêu dài hạn, tập trung vào các mã hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế, kết quả kinh doanh tăng trưởng, định giá thấp và cổ tức tiền mặt cao, ưu tiên nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và đầu tư công. Nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thấp theo dõi chặt chẽ tình hình thuế quan và chuẩn bị phương án quản trị rủi ro phù hợp.

Giằng co với nhịp hồi đan xen

CTCK BETA: Thị trường đang có những tín hiệu tích cực khi bên bán dần chững lại, nhường chỗ cho lực cầu gia tăng nhẹ ở một số nhóm cổ phiếu chủ chốt. Tuy nghiên, dòng tiền vẫn chưa thật sự lan toả và thiếu sự đồng thuận, phản ánh tâm lý nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng sau chuỗi điều chỉnh vừa qua.

Trong bối cảnh này, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động giằng co với các nhịp hồi đan xen, thay vì bứt phá mạnh mẽ trong ngắn hạn. Nhà đầu tư cần giữ sự kiên nhẫn, hạn chế mua đuổi trong các nhịp tăng và tránh tâm lý fomo. Việc giải ngân nên thực hiện một cách có chọn lọc, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, thanh khoản ổn định và triển vọng lợi nhuận tích cực trong quý 1/2025.

Khó bứt phá

CTCK VPBank (VPBankS): VN-Index đang kiểm nghiệm lại Fibonacci thoái lui 50% tính từ đỉnh cuối tháng 3 trước khi tạo đà cho nhịp bật mới. Nhìn chung với nền thanh khoản thấp, cơ hội để bứt phá ở thời điểm này là khó nhưng diễn biến đi ngang cũng là kịch bản tích cực, trong khi các nhịp điều chỉnh trong phiên vẫn là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu hoặc cơ cấu danh mục.

Tiếp đà tăng

CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ tiếp tục đà tăng trong phiên kế tiếp (18/04) và chỉ số VN-Index có thể quay lại mức kháng cự 1,246 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và tình trạng phân hóa có thể sẽ còn tiếp diễn và kéo dài trong những phiên tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ nhưng chỉ báo vẫn đang trong vùng lạc quan.

Điểm tích cực Yuanta nhận thấy là các cổ phiếu ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan đã có dấu hiệu chững lại đà giảm cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, nhưng chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục từ các cổ phiếu yếu hoặc ảnh hưởng trực tiếp từ thuế quan sang các cổ phiếu mạnh hơn (cụ thể là các cổ phiếu có mức Stock Rating  trên 80 điểm).

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu.

Tùng Phong

FILI

– 18:27 17/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/goc-nhin-1804-di-ngang-da-la-tich-cuc-145-1297152.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *