Công ty đại chúng, yếu tố ‘then chốt’ tại trung tâm tài chính quốc tế

Công ty đại chúng, yếu tố ‘then chốt’ tại trung tâm tài chính quốc tế

Hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK), giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế của Việt Nam tại TPHCM và và Đà Nẵng.

Tiếp nối chuỗi các phân tích và khuyến nghị chính sách do nhóm chuyên gia và tư vấn tài chính của Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland (VIS) thực hiện bài viết đánh giá về vai trò của khu vực doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các công ty niêm yết đại chúng. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiện toàn hệ thống quản trị công ty (QTCT) nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính bền vững và có tính cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Nhóm chuyên gia của VIS gồm có GS.TS Đặng Việt Anh, ĐH Manchester; PGS.TS Hồ Quốc Tuấn, ĐH Bristol; PGS.TS Nguyễn Hoài Linh, ĐH St Andrews; GS.TS Nguyễn Huy Tâm, ĐH Nottingham Trent; GS.TS Bùi Thị Minh Hồng, ĐH Bath và IPAG; GS.TS Quách Mạnh Hào, ĐH Lincoln; GS.TS Lê Võ Phương Mai, ĐH Cardiff.

Vai trò quan trọng của công ty đại chúng

Hệ thống DN, đặc biệt là các công ty niêm yết trên TTCK, giữ vai trò then chốt trong quá trình phát triển 2 trung tâm tài chính (TTTC) quốc tế của Việt Nam tại TPHCM và Đà Nẵng. CK do các DN này phát hành, như cổ phiếu, trái phiếu, và các sản phẩm tài chính phái sinh liên quan đến DN (ví dụ như hợp đồng kỳ hạn, tương lai, hay quyền chọn) sẽ chính là những “hàng hóa” chủ lực được giao dịch trên thị trường.

Chất lượng của các “hàng hóa” này không chỉ phản ánh tình hình tài chính và mức độ minh bạch của DN mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính thanh khoản và độ sâu của thị trường.

Do đó, việc nâng cao chất lượng “hàng hóa” trên thị trường, thông qua việc cải thiện năng lực QTCT và hiệu quả hoạt động của DN, là một trong những yếu tố cốt lõi giúp nâng cao tính minh bạch của thông tin, tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Kinh nghiệm thực tiễn trên thế giới cho thấy một hệ thống QTCT hiệu quả sẽ giúp cải thiện chất lượng quản lý và vận hành DN, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó giúp DN nâng cao kết quả hoạt động kinh doanh.

Ở góc độ vĩ mô, QTCT cũng giúp cải thiện tính minh bạch thông tin, củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK, thu hút dòng vốn bền vững và góp phần xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh và ổn định.

Bên cạnh đó, một hệ thống QTCT tốt không chỉ có tác động tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, mà còn thúc đẩy trách nhiệm xã hội của DN, góp phần tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng và môi trường. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển mô hình DN và thị trường tài chính bền vững, phù hợp với các xu hướng toàn cầu về phát triển xanh và đầu tư có trách nhiệm.

Thiếu vắng các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp

Tuy nhiên, hiện tại chất lượng QTCT của các DN niêm yết tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát “Thẻ điểm quản trị Đông Nam Á” gần đây, Việt Nam hiện đang đứng cuối trong sáu nước Đông Nam Á về chất lượng QTCT.

Một trong những trở ngại lớn là sự thiếu vắng các tổ chức đầu tư quốc tế chuyên nghiệp. Đây là các tổ chức với có kinh nghiệm và năng lực giám sát và tư vấn cao, giúp nâng cao QTCT theo tiêu chuẩn quốc tế. Các vấn đề tồn đọng khác bao gồm sự hạn chế trong việc thực thi trách nhiệm và năng lực giám sát của HĐQT, thiếu tính độc lập, thiếu bộ quy tắc đạo đức, hạn chế trong quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ.

Ngoài ra, nhiều hoạt động quan trọng của HĐQT chưa được thực hiện theo thông lệ quốc tế, như việc công bố giao dịch với bên liên quan, chi trả cổ tức, cơ chế tìm kiếm thành viên HĐQT, xây dựng khung thù lao và đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐQT và ban điều hành.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực phát triển TTTC quốc tế, những hạn chế nêu trên sẽ có thể gây cản trở cho việc thu hút vốn từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp nước ngoài cũng như ảnh hưởng tới chất lượng các CK giao dịch trên thị trường.

Do vậy, việc nâng cao chất lượng QTCT là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc xây dựng và thực thi quyết liệt các quy định nhằm thúc đẩy áp dụng thông lệ quốc tế về QTCT là hết sức cần thiết để nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của thị trường chứng khoán và các TTTC quốc tế. Điều này đòi hỏi một hệ thống chính sách nhất quán, phù hợp với chuẩn mực toàn cầu nhưng đồng thời phải được điều chỉnh linh hoạt theo điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Một ví dụ điển hình là Thông tư 68/2024/TT-BTC, được ban hành vào tháng 9-2024, yêu cầu các công ty đại chúng công bố thông tin bằng tiếng Anh. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế tiếp cận thị trường, qua đó nâng cao sức hấp dẫn và khả năng hội nhập của TTTC.

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi lộ trình này bằng cách đẩy nhanh tiến trình áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, từ đó từng bước nâng cao chất lượng báo cáo tài chính DN, tăng tính so sánh, minh bạch và củng cố niềm tin của nhà đầu tư.

Đối với các công ty niêm yết đại chúng, cần chủ động nghiên cứu và nâng cao chất lượng hệ thống QTCT theo thông lệ quốc tế. Cụ thể, cần nâng cao trách nhiệm và năng lực giám sát của HĐQT bằng cách thành lập các ủy ban chuyên trách như: ủy ban kiểm toán, ủy ban nhân sự – lương thưởng và ủy ban phát triển bền vững, với các thành viên có chuyên môn và kinh nghiệm giám sát tốt.

Bên cạnh đó, cần tăng tỷ lệ thành viên HĐQT độc lập để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và nâng cao chất lượng QTCT. Các công ty cũng cần chủ động hướng đến các chuẩn mực phát triển bền vững quốc tế, xây dựng chiến lược hoạt động và hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với xu thế này.

Ngoài ra, việc cam kết minh bạch thông tin cần được thực hiện thông qua sử dụng song song tiếng Anh và tiếng Việt trong các hoạt động và báo cáo của doanh nghiệp nhằm đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư quốc tế.

Tóm lại, việc phát triển TTTC tại Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu là cần thiết. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần xây dựng một hệ sinh thái tài chính đồng bộ, trong đó việc nâng cao chất lượng và hiệu quả QTCT là một trong những yếu tố then chốt, giúp nâng cao tính minh bạch, cải thiện chất lượng “hàng hóa” trên thị trường và thu hút dòng vốn chất lượng cao.

Hội Trí thức Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland (VIS)

SGĐTTC

– 10:18 17/04/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/cong-ty-dai-chung-yeu-to-then-chot-tai-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-145-1297399.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *