Bài cập nhật
Chủ tịch FMC: Có thể rút khỏi Mỹ trong kịch bản xấu nhất, không dễ xuất khẩu sang Trung Quốc
Năm 2025, ngành tôm được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, đặc biệt là sau diễn biến áp thuế đối ứng của Mỹ. CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HOSE: FMC) tỏ ra thận trọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2024.
Ngày 18/04, FMC tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại tỉnh Sóc Trăng. Lãnh đạo Công ty nhận định thế giới đang vận động theo hướng “biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ”, tạo ra nhiều rủi ro và bất ngờ cho Doanh nghiệp.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của FMC tại tỉnh Sóc Trăng – Ảnh: Tử Kính.
|
Thảo luận
Lợi nhuận quý 1 ra sao?
Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT: Quý 1 năm nay doanh số tăng trưởng, nhưng thực tế lợi nhuận chỉ đạt khoảng 36 tỷ đồng. Trong đó, công ty con Khang An đóng góp 16 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy rằng, dù tăng trưởng, nhưng lợi nhuận chưa thật sự cao, do bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn.
Vì sao lợi nhuận quý 1 thấp dù doanh thu tăng?
Ông Hồ Quốc Lực: Nguyên nhân chính là do yếu tố nội tại của ngành. Hiện nay, tình trạng nuôi tôm trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá tôm nguyên liệu đang ở mức cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, khiến biên lợi nhuận bị thu hẹp. Đây là tình trạng khá phổ biến trong toàn ngành. Ngoài ra, việc nuôi tôm bị kéo dài cũng là yếu tố khó lường. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sẽ có thể bù đắp phần lợi nhuận thiếu hụt trong các quý còn lại của năm.
Một lý do khác khiến lợi nhuận quý 1 thấp là vì tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ còn lớn. Đây là thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất trong các thị trường chính. Vậy tại sao chúng tôi vẫn duy trì đơn hàng sang Mỹ? Bởi chúng tôi cần đảm bảo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, đồng thời giữ được nhịp độ sản xuất liên tục, nhất là trong giai đoạn các thị trường khác còn trầm lắng. Xuất sang Mỹ lúc này cũng giúp duy trì doanh thu, từ đó tạo thế chủ động về dòng tiền cũng như giữ nhịp thị trường
Vai trò của công ty con Khang An năm nay ra sao đối với FMC?
Ông Hồ Quốc Lực: Năm 2024, Khang An đóng góp rất lớn, chủ yếu nhờ hai yếu tố, một là tập trung vào sản phẩm chế biến sâu; hai là công ty đã dự trữ nguyên liệu rất tốt từ tháng 5 đến tháng 8, lúc giá tôm rẻ và nguồn cung dồi dào. Sau tháng 8, giá tôm tăng mạnh, nhờ vậy Khang An có được biên lợi nhuận cao. Nhưng lợi thế đó không còn trong năm nay vì nguồn nguyên liệu không đủ để tiếp tục dự trữ như trước.
Do đó, chỉ tiêu năm 2025 của Khang An là 160 tỷ đồng, giảm 80 tỷ so với năm trước. Tổng chỉ tiêu lợi nhuận hợp nhất vẫn giữ ở mức 420 tỷ đồng, trong đó FMC đóng góp 260 tỷ đồng.
Vì sao tiền vay giảm mạnh trong năm 2024 so với năm 2023?
Kế toán trưởng Tô Minh Chẳng: Vấn đề này liên quan đến khoản cho mượn nội bộ đã phát sinh trong năm 2023, dẫn đến một số biến động. Trong năm 2024 không còn khoản này nữa nên không phát sinh số liệu tương tự.
Tăng cường thâm nhập thị trường khác nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ
Đối tác Mỹ có gom hàng trong thời gian chờ thuế 90 ngày hay không?
Tổng Giám đốc Phạm Hoàng Việt: Chủ tịch HĐQT đã có đề cập, nếu áp dụng thì chúng ta chỉ còn khoảng 30 ngày để kịp chế biến và giao hàng đi Mỹ. Tuy nhiên, hiện tại phía Mỹ vẫn đang trong giai đoạn chưa xác định rõ ràng. Do vậy, các đối tác cũng đang chờ quyết định cuối cùng từ chính quyền ông Trump.
Trong khi chờ đợi, FMC vẫn tiếp tục giao hàng theo các hợp đồng hiện có, kéo dài khoảng 30-45 ngày tới. Việc các đối tác có gom hàng hay không hiện chưa rõ ràng, còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng về chính sách thuế.
Kịch bản xấu nhất nếu Mỹ áp thuế 46%?
Ông Hồ Quốc Lực: Đây là vấn đề rất khó dự đoán chính xác vì phụ thuộc vào phạm vi áp dụng thuế, cụ thể là áp cho toàn bộ sản phẩm từ Việt Nam hay chỉ một số mặt hàng nhất định. Theo tôi được biết, các phân tích gần đây, kể cả trên báo chí trong nước, cũng lấy nguồn từ dữ liệu nước ngoài, chưa có sự rõ ràng tuyệt đối. Ví dụ như nếu thuế 46% này áp cho tất cả mặt hàng từ Việt Nam xuất sang Mỹ, thì sẽ rất đáng ngại. Nhưng nếu chỉ mang tính chất tổng quát hoặc tùy loại sản phẩm, thì mức độ tác động sẽ khác nhau rất nhiều.
Tôi có đọc một phân tích trên một bài báo, trong đó thống kê rằng trong tổng kim ngạch hơn 130 tỷ USD xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ năm 2024, bốn nhóm hàng lớn nhất gồm linh kiện điện tử, iPhone, gỗ, và giày dép chiếm hơn 50% giá trị. Trong khi đó, xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ khoảng 800 triệu USD, tức là chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Như vậy, nếu bị áp thuế, mức độ ảnh hưởng của ngành tôm không thể so sánh với các nhóm hàng lớn khác.
Thêm nữa, mức thuế 46% hiện nay vẫn chỉ là một con số giả định. Có nhiều người cho rằng mức thuế có thể thấp hơn, khoảng 23%, và nếu đối thủ của Việt Nam chỉ bị áp 20%, thì Việt Nam vẫn còn cơ hội cạnh tranh.
Hiện tại, đối thủ chính của Việt Nam là Ấn Độ, có lợi thế giá rất rẻ, nhưng họ lại không mạnh về chế biến sâu. Ngược lại, FMC tập trung vào các dòng sản phẩm chế biến sâu, giá trị cao. Dù giá thành nuôi của Việt Nam cao hơn, nhưng sản phẩm chế biến vẫn có thị phần riêng. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra, Việt Nam bị áp thuế 46% còn các nước khác chỉ bị khoảng 20%, thì khả năng cao là chúng tôi phải rút khỏi thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, hiện FMC mới chỉ chiếm 8% thị phần tại thị trường này, trong khi Ấn Độ đã có hơn 35%. Nếu Mỹ áp mức thuế đồng đều cho cả Việt Nam và đối thủ, thì thị trường này gần như đóng lại với tất cả, chứ không riêng Việt Nam. Và tất nhiên, lúc đó họ vẫn cần tôm, nên sẽ vẫn phải nhập từ những nơi phù hợp.
Còn về con số ảnh hưởng cụ thể đến lợi nhuận nếu phải rút khỏi Mỹ thì hiện tại chưa thể tính toán chính xác. Nhưng tôi có thể chia sẻ rằng riêng trong quý 1 năm nay, FMC và công ty con đã xuất khẩu sang Mỹ hơn 46 triệu USD. Nếu tính cả lượng hàng đang chạy trong 40 ngày gần nhất thì con số có thể lên tới hơn 60 triệu USD. Việc xuất trước như vậy giúp chúng tôi phần nào giảm thiểu rủi ro nếu chính sách thuế thay đổi sau 90 ngày. Và nếu không thể tiếp tục xuất sang Mỹ, chúng tôi sẽ tăng cường thâm nhập các thị trường khác – như Canada, Úc, Hàn Quốc – và đặc biệt là Nhật Bản, nơi FMC có thế mạnh sẵn có. Trung Quốc cũng là một thị trường rất tiềm năng mà chúng tôi đang theo dõi để sẵn sàng bước vào khi đủ điều kiện.
Nếu giả sử có sự chênh lệch về thuế đối ứng, cụ thể là giữa Việt Nam và Ấn Độ, thì mức chênh lệch tối thiểu là bao nhiêu phần trăm để công ty buộc phải rút khỏi thị trường Mỹ? Và nếu điều này xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngành nói chung và Fimex nói riêng?
Ông Hồ Quốc Lực: Câu hỏi này liên quan đến thế tương quan giữa Việt Nam và các đối thủ cạnh tranh tại Mỹ. Không chỉ xét thuế cao hay thấp, mà còn phải nhìn vào mức thuế của các đối thủ. Ví dụ, nếu Việt Nam bị áp thuế cao, nhưng đối thủ cũng bị cao tương tự, thì sự cạnh tranh không quá chênh lệch.
Trong ngành này, Mỹ chủ yếu nhập một phần tôm để phục vụ phân khúc đặc biệt như bánh tôm tại vịnh Mexico một lượng không lớn. Thuế đối ứng hiện tại có thể lên tới 20% hoặc thậm chí 46%. Nếu thuế bên Việt Nam là 20%, còn Ấn Độ chỉ 10% thì đã là một bất lợi lớn rồi. Nhưng tôi nghĩ khả năng xảy ra kịch bản xấu, bị loại khỏi thị trường Mỹ là rất thấp.
Còn nếu thực sự rút khỏi thị trường Mỹ thì ảnh hưởng ra sao? Mỹ hiện chiếm khoảng 30% tổng sản lượng xuất khẩu của ngành. Nếu ngành mất hoàn toàn thị trường này thì rất khó, nhưng mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng để giảm thiểu tác động. Fimex đã chuẩn bị chuyển hướng từ 5 năm nay rồi, nên sẽ không bị động.
Công ty vẫn chưa đủ điều kiện để thâm nhập thị trường Trung Quốc
Công ty chia sẻ thêm về việc chuyển hướng chiến lược thị trường?
Ông Hồ Quốc Lực phát biểu tại đại hội – Ảnh: Tử Kính
|
Ông Hồ Quốc Lực: Chiến lược chuyển hướng thị trường đã được Công ty tính đến từ lâu. Trong năm nay, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh các thị trường mới như Canada, hiện đã bắt đầu có đơn hàng xanh, và thị trường Úc, vốn có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe, đặc biệt là kiểm tra chất lượng như đốm trắng. Nhưng nhờ vùng nuôi tốt, chúng tôi tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng đang có tiềm năng tăng sản lượng. Về Trung Quốc, đây là thị trường tiềm năng số một. Nhưng để thâm nhập, phải hội đủ điều kiện mà hiện tại FMC vẫn chưa đạt. Khi điều kiện chín muồi có thể trong năm nay chúng tôi sẽ vào.
Còn thị trường nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 2% doanh số, chủ yếu tiêu thụ hàng “lọc” từ xuất khẩu, ví dụ những sản phẩm có lỗi nhỏ như tôm bị rách đuôi, trầy vỏ… được phân phối cho các hệ thống chế biến trong nước. FMC không bỏ qua thị trường này, nhưng do quy định và thủ tục rất phức tạp, nên hiện chưa thể tập trung nhiều. Chúng tôi ưu tiên xuất khẩu trước, còn nội địa sẽ tính toán lại khi có cơ hội phù hợp.
Việc mở rộng thị trường mới như thế nào?
Ông Hồ Quốc Lực: Việc mở rộng thị trường không phải bây giờ mới làm, mà đã thực hiện từ nhiều năm trước. Chúng tôi không quá lo nếu phải rút khỏi thị trường Mỹ, vì đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các thị trường thay thế. Thời gian để tiếp cận thị trường mới không quá lâu – thậm chí chỉ trong năm nay đã có thể triển khai được. Chi phí thì phụ thuộc vào mối quan hệ với khách hàng.
Chúng tôi có lợi thế là đã quen biết nhiều đối tác từ trước. Họ tin tưởng mình và sẵn sàng mở rộng nhập khẩu nếu mình chủ động cung ứng. Trong nhiều trường hợp, chúng tôi hỗ trợ giá để mở đầu, rồi cùng nhau phát triển lâu dài. Như vậy, chi phí tiếp cận thị trường mới là có, nhưng không đến mức quá lớn hay không kiểm soát được.
Công ty đánh giá thị trường tiềm năng Trung Quốc ra sao?
Ông Hồ Quốc Lực: Thị trường Trung Quốc rất đặc biệt và tế nhị. Mỗi doanh nghiệp đều có góc nhìn riêng. Dù hiện nay Trung Quốc nhập khẩu tôm từ Việt Nam rất nhiều, nhưng không phải ai cũng thành công. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất thế giới, năm 2023 họ nhập khoảng 1 triệu tấn, chủ yếu từ Ấn Độ và Việt Nam. Nhưng họ nhập để chế biến lại, chứ không mua sản phẩm đã chế biến sẵn.
Họ có hàng ngàn nhà máy chế biến cỡ FMC, tự sản xuất theo khẩu vị nội địa, cung ứng cho hệ thống phân phối trong nước. Họ rất chú trọng yếu tố màu sắc, ví dụ, tôm sú đỏ bán rất tốt. Còn tôm thẻ thì phải nuôi trong điều kiện đặc biệt mới bán được.
Hiện tại, các nhà máy tôm nhỏ ở Việt Nam gần như không còn khả năng cạnh tranh nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn của phía Trung Quốc. Chúng tôi đang thăm dò và xây dựng từng bước. Một số hợp đồng với hệ thống nhà hàng Nhật tại Trung Quốc đã được xúc tiến, nhưng cũng có gián đoạn do đối tác gặp sự cố. Về lâu dài, nếu hiểu rõ họ cần gì và mình có thể đáp ứng ra sao, thì sẽ tạo được hướng đi bền vững.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận các thị trường năm 2024?
Ông Tô Minh Chẳng: Số liệu hợp nhất cho thấy Mỹ chiếm 33%, Nhật Bản 28%, Anh 17%, châu Âu khoảng 4%. Tổng cộng ba thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật và Tây Âu chiếm hơn 80% tổng doanh thu. Năm 2024, thị phần tại Nhật có xu hướng giảm nhẹ, còn Mỹ tăng lên. Nguyên nhân là do chúng tôi đã nỗ lực duy trì các khách hàng xuất khẩu sang Mỹ. Đối với Nhật, dù tỷ trọng hợp nhất đứng thứ hai, nhưng nếu xét riêng FMC (không hợp nhất), thì thị trường Nhật là số 1, vì đối tác KAF chủ yếu xuất sang Mỹ, chiếm tới 40%. Xin nhấn mạnh lại:
Doanh thu hợp nhất Mỹ đứng đầu, Nhật thứ hai. Doanh thu riêng FMC thì Nhật đứng đầu, Mỹ thứ hai.
Công ty chia sẻ về việc nhập khẩu nguyên liệu từ Ecuador hay nước thứ ba để tối ưu hóa sản xuất?
Ông Hồ Quốc Lực: Đây là bài toán đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Lúc thiếu nguyên liệu trong nước, việc tạm nhập – tái xuất có thể mang lại lợi ích thực sự, vừa giúp duy trì hoạt động sản xuất, vừa tạo việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở thủ tục xuất xứ hàng hóa.
Việt Nam từng bị mang tiếng về việc “lách” xuất xứ, nhất là trong các ngành như thép, gỗ, nhôm… khi doanh nghiệp FDI nhập bán thành phẩm từ Trung Quốc về, lắp ráp sơ bộ rồi xuất khẩu với nhãn “Made in Vietnam”. Dù có doanh nghiệp tính toán kỹ tỷ lệ nội địa hóa để hợp pháp hóa xuất xứ, thì phía Mỹ vẫn rất cảnh giác.
Trong ngành tôm, Việt Nam có lợi thế được miễn thuế khi xuất vào Mỹ nhờ hiệp định FTA. Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, sản phẩm buộc phải chứng minh xuất xứ rõ ràng – tức là phải truy xuất đến tận ao nuôi. Nếu nhập tôm nguyên liệu từ Ecuador, dù về chế biến sâu rồi xuất đi, thì vẫn không được công nhận là hàng Việt Nam nếu không có giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp. FMC kiên quyết không chọn cách lách luật hay gian dối.
Chúng tôi chấp nhận những hạn chế để đảm bảo phát triển bền vững. Việc gian dối có thể giúp lợi nhuận tăng tạm thời, nhưng hệ lụy thì rất lớn – không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà còn làm tổn hại ngành hàng, ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp chân chính khác. Vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Chúng tôi không muốn lặp lại bài học của những doanh nghiệp từng “thoát chết” nhờ gian lận rồi lại bị vạch mặt, truy xét tận cùng từng hóa đơn, từng quy trình sản xuất.
Hiện các trang trại nuôi tôm của công ty đang đạt chứng nhận ASC. Vậy việc mở rộng theo tiêu chuẩn ASC có được xem là chiến lược trọng tâm nhằm kiểm soát chất lượng và chi phí trong thời gian tới hay không?
Ông Hồ Quốc Lực: Đây là chuẩn quan trọng để thâm nhập thị trường châu Âu. Tuy nhiên, việc mở rộng ASC có những thách thức nhất định. ASC quy định rất chặt về loại thuốc được sử dụng khi tôm bị bệnh, nhưng trên thực tế, tình trạng bệnh tôm rất đa dạng, diễn biến nhanh và phức tạp. Nhiều khi thuốc mới hiệu quả lại chưa nằm trong danh mục của ASC, khiến người nuôi lúng túng. Vì thế, mở rộng vùng nuôi đạt chuẩn ASC là hướng đi tất yếu, nhưng để gọi đó là “chiến lược cốt lõi” thì chúng tôi vẫn cần cân nhắc vì tính linh hoạt trong thực tế sản xuất.
Về cơ cấu chi phí nuôi tôm, đúng như cổ đông nêu, con giống chiếm 10–15%, thức ăn khoảng 40–50%, còn lại là thuốc, khoáng chất, vitamin và các chi phí khác. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể biến động tùy theo quy trình nuôi, ví dụ như mật độ thả cao thì chi phí thức ăn tăng, trong khi nuôi thưa thì chi phí lại thấp hơn.
FMC tận dụng hệ sinh thái Pan Group ra sao?
Ông Hồ Quốc Lực: Với thế mạnh của Pan Group, chúng tôi có thể tận dụng được hệ sinh thái nội bộ. Tuy nhiên, hiện các đơn vị này vẫn hoạt động độc lập, chưa có sự phối hợp sâu. Chẳng hạn, đơn vị cung cấp thuốc không liên quan đến người bán giống; người bán giống cũng không liên kết với đơn vị chế biến.
Mối liên kết chỉ thể hiện rõ ở việc cổ đông chiến lược như CP hiện nắm khoảng 25% cổ phần, đang sử dụng hệ thống giống của mình cho FMC. Phải nói thêm, giống của CP hiện nay là tốt nhất thị trường, nên giá cao cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, một số thành viên khác trong Pan Group cũng đang cung cấp giống và thức ăn rất chất lượng. Tuy nhiên, để giảm chi phí đầu vào, điều quan trọng là chúng tôi cần kết nối chặt hơn trong hệ sinh thái nội bộ, từ giống đến thuốc, thức ăn… để cùng chia sẻ dữ liệu, kiểm soát chất lượng và tối ưu hóa giá thành.
Ứng dụng AI trong nuôi tôm rất tốn chi phí
Công ty có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nuôi tôm?
Ông Hồ Quốc Lực: Trên truyền thông nói rất nhiều về việc dùng AI trong nuôi tôm, nhưng thực tế, hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào ứng dụng thành công một cách rõ ràng. Ở châu Âu từ cả chục năm trước, khách hàng đã yêu cầu gắn camera, các thiết bị cảm biến để theo dõi diễn biến trong ao nuôi. Những chỉ số cơ bản về chất lượng nước được hiển thị qua màn hình điện thoại thông minh. Thậm chí, camera có thể theo dõi để nhận biết tôm đang khỏe hay stress, ăn nhiều hay ít. Tuy nhiên, để AI đưa ra kết quả chính xác thì phải có đầy đủ dữ liệu và thông tin đầu vào. Mà hiện nay, nền tảng dữ liệu của ngành nuôi tôm vẫn chưa đủ.
Ngoài ra, chi phí cho các thiết bị này còn rất cao, chưa kể đến độ bền kém do môi trường nước ao nuôi phức tạp – dễ gây hỏng hóc cho các đầu dò. Dù vậy, chúng tôi rất quan tâm vấn đề này. Gần đây có hợp tác thử nghiệm với tiến sĩ Mỹ ở Trà Vinh về các thiết bị đo môi trường, nhưng vẫn đang trong quá trình xem xét và chưa áp dụng được. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và chắc chắn phải đi theo xu hướng này, nhưng phải từng bước phù hợp với điều kiện thực tế.
Hiện tại, việc theo dõi môi trường ở FMC vẫn chủ yếu theo hướng bán thủ công. Tức là hàng ngày có tổ môi trường thu thập các chỉ số cơ bản ở hàng trăm ao nuôi – như độ đục, độ mặn… thông qua các thiết bị đo đơn giản. Cách này tuy thủ công nhưng đảm bảo thông tin cần thiết để xử lý kịp thời.
Trong bối cảnh cạnh tranh ở thị trường Mỹ rất khốc liệt, đặc biệt là với tôm từ Ấn Độ và Indonesia có giá thấp hơn, tại sao Fimex vẫn duy trì được thị phần, thậm chí giá bán còn cao hơn đối thủ? Ngoài giá cả, Fimex có lợi thế cạnh tranh nào khác không?
Ông Hồ Quốc Lực: Đúng là cạnh tranh tại thị trường Mỹ rất gay gắt, bởi đây là thị trường có biên lợi nhuận thấp nhất trong tất cả các thị trường. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là một thị trường có quy mô tiêu thụ rất lớn. Chính vì dung lượng lớn, nên có độ dung sai giá cao – nghĩa là nếu sản phẩm của mình chất lượng hơn, có thể giá cao hơn 10% vẫn bán được. Điểm mấu chốt là ở phân khúc sản phẩm và khả năng chế biến sâu. Tôm của Ấn Độ hay Indonesia tuy giá rẻ nhưng họ chủ yếu xuất thô, vì thiếu lao động, thiếu công nghệ chế biến sâu.
Trong khi đó, Fimex đầu tư mạnh vào chế biến sâu, đủ tiêu chuẩn xuất vào các hệ thống phân phối cao cấp tại Mỹ. Đây là điểm khác biệt lớn. Bên cạnh đó, chất lượng tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm của Fimex được đánh giá cao hơn về mùi vị và độ an toàn vệ sinh thực phẩm, trong khi tôm từ Indonesia từng bị trả hàng do nhiễm khuẩn. Đó là lý do dù giá cao hơn, chúng ta vẫn giữ được thị phần.
Năm nay, sản lượng tôm tự nuôi của Fimex có tăng không? Diện tích nuôi được mở rộng ra sao và thời tiết có thuận lợi không?
Ông Hồ Quốc Lực: Năm 2025, diện tích nuôi tôm của Fimex đã tăng thêm 50ha, nâng tổng diện tích lên khoảng 540ha. Thời tiết năm nay thuận lợi hơn so với năm ngoái vì không còn chịu ảnh hưởng của hiện tượng La Nina. Điều này góp phần giúp tỷ lệ nuôi thành công cao hơn, chi phí giảm, tăng sức cạnh tranh. Tỷ lệ tôm tự nuôi hiện tại của công ty là khoảng 30%, vốn đã là mức rất cao trong ngành. Chúng tôi kỳ vọng, trong 2 năm tới, nếu duy trì tốt thì có thể nâng tỷ lệ này lên trên 30%, điều mà rất ít doanh nghiệp trong ngành làm được.
Đại hội lần này cũng thống nhất bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2025-2030 gồm ông Hồ Quốc Lực, bà Nguyễn Thị Trà My, ông Phạm Hoàng Việt, ông Nguyễn Văn Khải; trong đó ông Lực tiếp tục làm Chủ tịch. Ông Boonlap Watcharawanitchakul, đại diện cổ đông lớn CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam, thay thế ông Adisak Torsakul. Ông Adisak Torsakul và ông Tô Minh Chẳng trước đó xin từ nhiệm vì điều kiện công tác và hoàn cảnh riêng.
Ban kiểm soát cũng bầu bổ sung bà Lý Thị Kim Yến thay cho ông Võ Văn Sỉ, còn lại giữ nguyên. Trưởng BKS vẫn do bà Lưu Nguyễn Trúc Dung đảm nhiệm.
Kết thúc đại hội thông qua tất cả tờ trình.
Trước đại hội
Mục tiêu lợi nhuận 2025 giảm nhẹ, doanh số quý 1 tăng mạnh
Ngành tôm gặp khó khăn từ dịch bệnh và nguồn cung giá rẻ vẫn hiện hữu. Cùng lúc, các vụ kiện chống bán phá giá (AD), chống trợ giá (CVD) và sắp tới là thuế nhập khẩu từ Mỹ có thể gia tăng áp lực lên biên lợi nhuận. FMC cho biết đã chuẩn bị hồ sơ giải trình kỹ lưỡng đối với các vụ kiện AD và CVD.
Năm 2025, FMC dự kiến sản lượng tôm chế biến và tiêu thụ lần lượt đạt 25,000 tấn và 22,000 tấn. Doanh thu thuần kỳ vọng ở mức 6,540 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, đều giảm nhẹ so với thực hiện năm trước.
Sau quý đầu năm, sản xuất và tiêu thụ tôm thành phẩm của doanh nghiệp thủy sản lần lượt đạt 5.9 ngàn tấn và 6.1 ngàn tấn, tăng 41% và 42% so với cùng kỳ. Doanh số 3 tháng đầu năm đạt 70.5 triệu USD, tăng gần 42%.
Cổ tức dự kiến là 20% mệnh giá, sẽ chi trả sớm trong quý 2/2025, ngay sau khi cổ đông thông qua tại đại hội thường niên.
Lợi nhuận năm 2024 của FMC được giữ vững nhờ công ty con Thực phẩm Khang An | ||
FMC ghi nhận kết quả tăng trưởng mạnh quý 1/2025
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
– 17:20 18/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/chu-tich-fmc-co-the-rut-khoi-my-trong-kich-ban-xau-nhat-khong-de-xuat-khau-sang-trung-quoc-737-1296147.htm