PVH lỗ lũy kế hơn 164 tỷ, giải trình về loạt ý kiến kiểm toán khiến cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Cổ phiếu CTCP Xây lắp Dầu khí Thanh Hóa (UPCoM: PVH) đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 04/10/2024 và nhận quyết định duy trì diện này từ HNX vào ngày 10/04/2025. Trong khi đó, BCTC quý 1/2025 tiếp tục ghi nhận thua lỗ.
Tiếp tục thua lỗ, lợi nhuận lũy kế âm hơn 164 tỷ đồng
Bức tranh kinh doanh quý 1 của PVH vẫn cho thấy sự ảm đạm. Công ty kinh doanh dưới giá vốn, chỉ đạt 565 triệu đồng doanh thu, giảm 78% so với cùng kỳ, và chịu lỗ gộp hơn 1.1 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, Doanh nghiệp lỗ sau thuế 2.2 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 1.4 tỷ đồng tại quý 1/2024.
Doanh nghiệp cho biết các công trình dở dang chưa đạt mốc nghiệm thu và Công ty chỉ có nguồn thu từ việc cho thuê Tòa nhà Dầu khí 38A tại đại lộ Lê Lợi. Doanh thu giảm mạnh khiến Doanh nghiệp tăng lỗ so với cùng kỳ.
Các chỉ tiêu kinh doanh của PVH tại quý 1/2025
Nguồn: VietstockFinance
|
Đây là quý thứ 5 liên tiếp thua lỗ của PVH, chuỗi thua lỗ có thể kéo dài hơn nếu không nhờ 2 khoản lãi nhỏ tại quý 4/2022 và quý 4/2023. Lỗ lũy kế đến cuối quý 1 là 164 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh của PVH | ||
Thời điểm này, tổng tài sản của PVH gần 555 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, với gần 182 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Tiền mặt và tiền gửi còn hơn 30 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tồn kho đi ngang, đạt hơn 68 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ phải trả lên tới 501 tỷ đồng (giảm nhẹ so với đầu năm), nhưng chỉ gần 107 tỷ đồng là nợ ngắn hạn (không có nợ vay). So với vốn chủ sở hữu, các khoản nợ của PVH gấp đến 9.3 lần (còn hơn 58 tỷ đồng).
Bù lại, hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh đều lớn hơn 1 lần, nên tạm thời Doanh nghiệp không có rủi ro về việc thực hiện nghĩa vụ với các khoản nợ tới hạn. Nợ vay dài hạn đi ngang, ghi nhận gần 310 tỷ đồng.
Loạt nguyên nhân khiến PVH vẫn bị hạn chế giao dịch
Cổ phiếu PVH đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 04/10/2024, và nhận quyết định duy trì diện này từ HNX vào ngày 10/04/2025
Nguyên nhân là vì chậm nộp BCTC soát xét bán niên 2024, và bị kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với BCTC 2023. Hiện, Doanh nghiệp đã công bố BCTC soát xét bán niên 2024, nhưng các vấn đề được kiểm toán nêu ra dường như vẫn chưa được xử lý.
Cụ thể, đơn vị kiểm toán của Doanh nghiệp là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC đưa ra nhiều vấn đề khiến Hãng phải từ chối cho ý kiến. Mới đây, PVH cũng công bố văn bản giải trình kèm lộ trình khắc phục câu chuyện này.
Đầu tiên, AASC cho rằng không có đủ thông tin để đánh giá sự phù hợp của các khoản nợ phải thu, phải trả tại thời điểm đầu và cuối năm 2024. PVH cho biết đây là các khoản công nợ tồn đọng từ các công trình thực hiện trước đây. Doanh nghiệp đã thành lập tổ thu hồi công nợ để thu hồi, thậm chí nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Kế đó, AASC không có đủ thông tin để đánh giá được sự phù hợp của việc phân loại các khoản nợ phải thu, phải trả dài hạn, số tiền lên tới cả trăm tỷ đồng. Theo PVH, đây là các khoản công nợ phải thu, phải trả dài hạn thuộc các công trình, dự án. Do có nhiều vướng mắc nên chưa hoàn thiện quyết toán được các công trình, dự án này.
Thứ 3, AASC cho rằng tại ngày 31/12/2024, PVH vẫn chưa thực hiện đánh giá lại dự phòng nợ phải thu khó đòi đối với các khoản nợ phải thu, và không có đủ thông tin cần thiết để đánh giá sự phù hợp của số dư dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn. Giải trình, Doanh nghiệp cho biết đã cân nhắc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi gần 27 tỷ đồng, số còn lại đang thực hiện mọi biện pháp để thu hồi, thậm chí nhờ đến sự can thiệp của pháp luật.
Về hàng tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn, AASC nhận định ở thời điểm 31/12/2024, các khoản này đang phản ánh cả một số công trình đã dừng thi công từ trước năm 2020, và PVH chưa đánh giá các giá trị có thể thu hồi số công trình này với số tiền gần 263 tỷ đồng. Theo PVH, đây là các chi phí dở dang của nhóm công trình đã thi công xong nhưng chưa quyết toán. Doanh nghiệp đang tích cực làm việc với các bên liên quan để sớm quyết toán công trình, ghi nhận doanh thu, đồng thời ghi giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Thứ 5, AASC cho rằng Công ty đang ghi nhận chi phí khấu hao của tòa nhà Dầu khí số 38A Đại lộ Lê Lợi, và các chi phí phát sinh phục vụ hoạt động cho thuê văn phòng tại toà nhà này vào chỉ tiêu Hàng tồn kho, số tiền khoảng 4.2 tỷ đồng. Theo PVH, đây là các chi phí tồn đọng trong quá khứ. Tòa nhà vừa hoàn thành việc sửa chữa và đưa vào khai thác kinh doanh trở lại, lượng khách thuê chưa nhiều, diện tích cho thuê còn ít nên mới phân bổ một phần chi phí vào chi phí sản xuất kinh doanh. Phần còn lại sẽ phân bổ vào chi phí sản xuất kinh doanh khi tòa nhà hoạt động ổn định, có lượng khách thuê nhiều hơn.
Thứ 6, AASC nêu chỉ tiêu chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại ngày 31/12/2024 đang phản ánh chi phí đầu tư vào dự án Xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp I và khu tập kết vật tư, thiết bị xây dựng Khu liên hợp hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa là 19.4 tỷ VND. Tuy nhiên, dự án này đã bị chấm dứt thực hiện từ ngày 01/08/2013. Giải thích, PVH cho biết đã có thỏa thuận hoàn trả chi phí đầu tư tại dự án với tổng giá trị hơn 26.4 tỷ đồng. Doanh nghiệp vẫn đang tích cực làm việc với đối tác để thống nhất về giá trị chi phí còn lại.
Thứ 7, Công ty đang tạm ghi nhận vào chỉ tiêu Doanh thu chưa thực hiện và Phải thu khách hàng, liên quan đến Công trình Quốc lộ 217 Cẩm Thủy là 16.4 tỷ VND. Các khối lượng công việc hoàn thành đã được chủ đầu tư giám sát nghiệm thu và bàn giao, tiếp nhận, đưa vào sử dụng từ ngày 22/12/2020, nhưng PVH chưa quyết toán được các hạng mục với đơn vị tổng thầu, dẫn đến ảnh hưởng đến số liệu so sánh.
Với các khoản này, PVH cho biết do các bên chưa thể thống nhất về giá trị quyết toán cuối cùng và đang trong quá trình tranh chấp tại tòa án nên chưa ghi nhận trực tiếp vào Doanh thu. Trong năm 2024, Doanh nghiệp đã xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu theo phán quyết của TAND Tỉnh Ninh Bình.
Thứ 8, AASC cho rằng Công ty chưa ghi nhận khoản chi phí phải trả cho PVcomBank, liên quan đến 2 dự án Khách sạn Lam Kinh và Toà nhà Dầu khí 38A từ năm 2015 đến ngày 31/12/2024 với giá trị gần 601 tỷ đồng. Doanh nghiệp giải trình chi phí đi vay liên quan đến dự án Khu Tổ hợp Thương mại Dịch vụ nhà ở từ năm 2015-2024 chưa được ghi nhận trong BCTC do giữa 2 bên đang có nhiều ý kiến khác nhau. Doanh nghiệp chưa thống nhất với mức lãi suất mà PVcomBank tính toán.
Mặt khác, đối với dự án Khách sạn Lam Kinh, PVH không phải chủ sở hữu, cũng không phải đơn vị thụ hưởng doanh thu từ hoạt động kinh doanh nên Doanh nghiệp cho rằng nghĩa vụ thanh toán khoản dư nợ nói trên thuộc trách nhiệm của CTCP Khách sạn Lam Kinh. Hiện tại, khoản lãi vay này vẫn đang trong quá trình đàm phán giải quyết, sau khi có quyết định cuối cùng của Tòa án, PVH sẽ căn cứ để thực hiện theo đúng quy định.
Tiếp theo, AASC nhận định trong năm 2023, Công ty đang ghi nhận thu nhập khác là khoản tiền lãi chậm thanh toán của Công ty TNHH Xây dựng Hùng Sơn theo thỏa thuận hòa giải được công nhận, tuy nhiên chưa thu được tiền. PVH cho biết theo quyết định của Tòa án, Hùng Sơn đã đồng ý thanh toán cho Công ty số tiền 3.2 tỷ đồng. Để không bỏ sót công nợ thu hồi, PVH đã ghi nhận công nợ phải thu từ Hùng Sơn đối với khoản lãi chậm thanh toán 1.1 tỷ đồng nói trên, đồng thời ghi nhận thu nhập khác một khoản tương ứng.
Cuối cùng, AASC nhận định tại đầu và cuối năm 2024, Công ty đang theo dõi khoản chi phí sửa chữa lớn Tòa nhà Dầu khí trên chỉ tiêu Chi phí trả trước dài hạn. Tuy nhiên, Công ty chưa cung cấp được nghiệm thu hoàn thành việc sửa chữa.
Theo PVH, tại ngày 25/12/2023, việc sửa chữa Tòa nhà Dầu khí số 38A đã hoàn tất. Tuy nhiên, còn 1 đơn vị thi công chưa hoàn thiện hồ sơ quyết toán nên Doanh nghiệp chưa thể cung cấp được nghiệm thu hoàn thành việc sửa chữa.
– 11:16 21/04/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/04/pvh-lo-luy-ke-hon-164-ty-giai-trinh-ve-loat-y-kien-kiem-toan-khien-co-phieu-bi-han-che-giao-dich-737-1298347.htm