Vietravel đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi, phát hành hơn 40 triệu cp và rút gọn tên
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel (UPCoM: VTR) sẽ xem xét kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hơn 9,500 tỷ đồng và lãi trước thuế 50 tỷ đồng, bên cạnh tiếp tục các phương án phát hành tổng cộng hơn 40 triệu cp, hay rút gọn tên thành CTCP Du lịch Vietravel.
Đại hội dự kiến diễn ra sáng 17/05, tại khách sạn Fleur de Lys Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Mục tiêu doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận suy giảm
Đánh giá về xu hướng du lịch năm 2025, Ban lãnh đạo Vietravel cho biết sẽ tiếp tục đổi mới sâu sắc dưới tác động của công nghệ và nhu cầu trải nghiệm cá nhân.
Trên cơ sở kết quả 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn trong năm 2025. Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam phấn đấu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% và lần đầu vượt mốc năm 2019. Khách nội địa dự kiến đạt 115 triệu lượt, tăng 5%. Tổng thu từ khách du lịch kỳ vọng xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng (khoảng 40 tỷ USD), nhờ đóng góp lớn từ cả quốc tế lẫn nội địa. Đây sẽ là mức cao kỷ lục, khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực.
Ngành du lịch bước vào giai đoạn 2025-2030 với mục tiêu phát triển bền vững, nâng tầm chất lượng dịch vụ và đa dạng sản phẩm, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đúng nghĩa.
Với Vietravel, HĐQT dự trình đại hội thông qua nhiều chỉ tiêu quan trọng năm 2025. Cụ thể, lượt khách phục vụ đạt hơn 1.18 triệu lượt, tăng 31%; trong đó, khách du lịch nội địa và outbound khoảng 950 ngàn lượt, khách inbound (quốc tế vào Việt Nam qua Vietravel) khoảng 233 ngàn lượt, phản ánh trọng tâm mở rộng thị trường quốc tế.
Về chỉ tiêu tài chính, Công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 9,549 tỷ đồng, tăng 42% so với thực hiện năm 2024, chủ yếu đến từ việc khôi phục hoàn toàn công suất hoạt động lữ hành, tăng doanh thu vé máy bay và các mảng dịch vụ mới. Về cơ cấu, Công ty tăng tỷ trọng từ kênh online lên 12-15% doanh thu FIT (khách lẻ) và inbound, doanh thu từ thị trường quốc tế (khách inbound và hoạt động chi nhánh nước ngoài) đạt ít nhất 10% tổng doanh thu, tương ứng tăng 5% so với năm 2024.
Công ty kỳ vọng lãi gộp 813 tỷ đồng, cải thiện biên lợi nhuận nhờ tăng tỷ trọng sản phẩm có hiệu suất cao và tối ưu chi phí giá vốn. Tuy nhiên, Công ty cho biết phấn đấu lãi trước thuế 50 tỷ đồng, giảm 11%.
Để thực hiện các kế hoạch đặt ra, Công ty sẽ ưu tiên mở rộng quy mô kinh doanh và thị phần, củng cố tài chính, tăng cường kênh bán và mạng lưới phân phối, cơ cấu và nâng cao hiệu quả đơn vị kinh doanh, tái cấu trúc tổ chức theo hướng thị trường, đột phá kênh bán trực tuyến…
Nguồn: VietstockFinance
|
Triển khai phát hành hơn 40 triệu cp còn dang dở
Về kế hoạch cổ tức năm 2024, HĐQT dự trình ĐHĐCĐ thông qua phương án chi trả bằng tiền mặt theo tỷ lệ 10% (1,000 đồng/cp), thực hiện trong quý 2 hoặc 3/2025. Đối với năm 2025, Công ty dự kiến chia ở mức 5%.
Đáng chú ý, HĐQT cũng trình cổ đông việc tiếp tục triển khai các phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, gồm gần 28.7 triệu cp cho cổ đông hiện hữu (đợt 1), gần 8.6 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và gần 2.9 triệu cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động (đợt 2), tổng cộng hơn 40.1 triệu cp, nâng vốn điều lệ lên hơn 693.6 tỷ đồng.
Thực tế, các phương án kể trên đều đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua, tuy nhiên vì nhiều lý do nên chưa thể hoàn tất. Thời điểm đó, Công ty cho biết số tiền thu về được cân đối cho việc bổ sung vốn lưu động và thanh toán các khoản nợ vay.
Cụ thể, với phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu, Công ty đã nhận được công văn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ngày 14/04/2025 yêu cầu cập nhật lại số liệu BCTC quý 1/2025 nhằm hoàn thiện hồ sơ để cấp Giấy chứng nhận chào bán và đến ngày 22/04 đã nộp đầy đủ. Công ty dự kiến việc phát hành sẽ được thực hiện trong tháng 5-7/2025.
Việc chưa hoàn tất đợt 1 cũng kéo theo đợt 2 chưa thể thực hiện. Do đó, sau khi phương án đầu tiên hoàn tất, Công ty sẽ triển khai các phương án còn lại, dự kiến trong quý 3/2025.
Rút gọn tên thành Du lịch Vietravel, mở rộng đầu tư và tư vấn định cư
Tại đại hội, một nội dung đáng chú ý khác sẽ được trình cổ đông là thay đổi tên Công ty, từ CTCP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam – Vietravel thành CTCP Du lịch Vietravel. Công ty cho biết việc điều chỉnh tên theo hướng đơn giản, ý nghĩa và đảm bảo nhận diện thương hiệu trong quá trình phát triển.
Công ty cũng có kế hoạch bổ sung 3 ngành nghề kinh doanh nhằm mở rộng đầu tư và tư vấn định cư, gồm (1) tư vấn tài chính cá nhân phục vụ đầu tư, định cư và hội nhập quốc tế; tư vấn tổng quan về phương án chuyển vốn, tỷ giá, mở tài khoản đầu tư quốc tế theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật), (2) tư vấn đầu tư, tư vấn chiến lược cá nhân, tư vấn quản trị tài sản phục vụ mục đích đầu tư, định cư, theo quy định của pháp luật hiện hành (trừ tư vấn tài chính, kế toán, pháp luật), (3) tư vấn lập hồ sơ đầu tư cá nhân, tư vấn lập hồ sơ định cư nước ngoài và các dịch vụ hỗ trợ hành chính liên quan khác (trừ hoạt động của những nhà báo độc lập; thanh toán hối phiếu và thông tin tỷ lệ lượng; tư vấn chứng khoán).
– 14:58 05/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/vietravel-dat-ke-hoach-loi-nhuan-di-lui-phat-hanh-hon-40-trieu-cp-va-rut-gon-ten-737-1304593.htm