Hai doanh nghiệp tinh bột sắn niêm yết đồng loạt lao dốc lợi nhuận, cổ phiếu giảm sâu
CAP và APFCO – 2 doanh nghiệp hiếm hoi ngành tinh bột sắn trên sàn – đồng loạt báo lãi ròng giảm mạnh trong quý đầu năm, bất chấp tăng trưởng doanh thu. Cổ phiếu của cả 2 cũng rơi hơn 20-30% sau giai đoạn tăng dài từ năm 2022.
CAP ghi nhận lãi ròng quý 1 thấp nhất hơn 12 năm
CTCP Lâm Nông sản Thực phẩm Yên Bái (HNX: CAP) sử dụng niên độ tài chính từ 01/10 đến 30/09 năm sau. Trong quý 2 niên độ 2024-2025 (tương đương quý 1/2025 thực tế), doanh thu đạt 164.5 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh 87%, khiến biên lãi gộp co mạnh từ 20.9% xuống còn 8.3%.
Hệ quả, lãi ròng quý này chỉ đạt hơn 62 triệu đồng, chưa tới 1% cùng kỳ niên độ trước, tức giảm tới 99%. Đây là mức thấp nhất kể từ quý 4/2012, tức sau hơn 12 năm.
Kết quả kinh doanh các quý gần đây của CAP tính từ năm 2020 | ||
Lũy kế 6 tháng đầu niên độ, CAP ghi nhận doanh thu hơn 309 tỷ đồng, tăng 7%. Trong đó, doanh thu xuất khẩu tinh bột sắn đạt hơn 146 tỷ đồng, tăng nhẹ 7%, chiếm 47% tổng doanh thu. Đáng chú ý, doanh thu xuất khẩu giấy vàng mã đạt 24.7 tỷ đồng, tăng 21%, tương đương trung bình mỗi ngày xuất khẩu khoảng 136 triệu đồng.
Tuy nhiên, do chi phí giá vốn và quản lý tăng cao, lãi ròng 6 tháng chưa tới 5.5 tỷ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Theo kế hoạch, CAP đặt mục tiêu doanh thu 618 tỷ đồng và lãi ròng tối thiểu 40 tỷ đồng cho cả niên độ. Sau 6 tháng, Công ty mới thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và gần 14% mục tiêu lợi nhuận.
Lãi ròng quý 1 của APF bốc hơi 39%
CTCP Nông sản Thực phẩm Quảng Ngãi (APFCO, UPCoM: APF) sử dụng niên độ tài chính thông thường (01/01-31/12), đã công bố BCTC quý 1/2025 với lãi ròng đạt 60 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ. Nguyên nhân do doanh thu thuần giảm tới 40% còn 1,560 tỷ đồng, dù biên lãi gộp cải thiện lên 15.6% (so với mức 9.2%). Doanh thu tài chính giảm 82% còn 13 tỷ đồng, do không còn khoản lãi chênh lệch tỷ giá như cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 16%, chi phí quản lý cũng tăng nhẹ.
Sản lượng tinh bột sắn trong kỳ đạt 158,000 tấn, giảm 29,000 tấn so với cùng kỳ. APF cho biết thị trường tiêu thụ chậm, giá bán tiếp tục giảm, hàng hóa luân chuyển chậm dẫn đến chi phí tài chính tăng. Tuy vậy, các công ty con tại Lào vẫn có hiệu quả do giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn.
Với kế hoạch năm 2025 đạt 6,000 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lãi ròng, sau quý đầu năm, APF thực hiện 26% chỉ tiêu doanh thu và 60% kế hoạch lợi nhuận.
Kết quả kinh doanh theo quý của APF giai đoạn 2020-2025 | ||
Xuất khẩu sắn tăng lượng nhưng giảm giá
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Tổng cục Hải quan, quý 1/2025, Việt Nam xuất khẩu 1.21 triệu tấn sắn và sản phẩm từ sắn, trị giá 372.88 triệu USD, tăng 28% về lượng nhưng giảm 13% về trị giá so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính đến từ giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong khi Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng nhập khẩu đáng chú ý.
Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4/2025, lãnh đạo APF thừa nhận thị trường tinh bột sắn đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài thị trường chính là Trung Quốc, Doanh nghiệp đang nỗ lực mở rộng thị trường sang nội địa, Nhật Bản, Đài Loan, châu Âu và Indonesia để giảm sự phụ thuộc.
Giá cổ phiếu rơi mạnh kể từ đầu năm
Cả cổ phiếu APF và CAP đều trải qua đợt điều chỉnh mạnh theo xu hướng thị trường kể từ đầu tháng 4, sau thông tin liên quan đến thuế quan mới từ Mỹ. Giá cổ phiếu CAP giảm 27% về mức đáy 2 năm quanh 33,000 đồng/cp, trước khi hồi phục lên khoảng 35,000 đồng/cp. APF giảm 13% xuống sát vùng 44,000 đồng/cp, rồi hồi lên mức 49,500 đồng/cp.
Sau quãng dài tích lũy giá trị từ năm 2020, thị giá APF hiện đã mất 20% so với đỉnh 62,000 đồng/cp thiết lập vào đầu tháng 7/2024. Trong khi đó, CAP mất 33% kể từ đỉnh 64,000 đồng/cp giữa tháng 3/2024.
– 16:28 05/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/hai-doanh-nghiep-tinh-bot-san-niem-yet-dong-loat-lao-doc-loi-nhuan-co-phieu-giam-sau-737-1304601.htm