Tâm điểm Rủi ro thuế quan
Nếu như những năm trước, vấn đề thuế quan chỉ được cổ đông tại doanh nghiệp ngành thủy sản, thép quan tâm, do các đợt áp thuế chống bán phá giá hay chống trợ cấp thì năm nay, trong các đại hội cổ đông từ Bắc chí Nam, cổ đông liên tục chất vấn ban lãnh đạo: “Doanh nghiệp bị ảnh hưởng như thế nào từ thuế quan của Mỹ và Công ty đã có biện pháp ứng phó chưa?”.
Ở CTCP Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD), Ban lãnh đạo lo lắng rằng thuế quan có thể làm sức mua trong nước giảm xuống và ảnh hưởng đến hoạt động xương sống của Công ty, là phân phối các sản phẩm điện tử, điện máy. Trong khi đó, CTCP Viễn thông FPT (FOX) thông tin với cổ đông rằng, mảng khách hàng doanh nghiệp của Công ty có thể chịu tác động đầu tiên khi các khách hàng thắt chặt chi tiêu.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhóm đối mặt trực tiếp với rủi ro biến động thuế quan, câu chuyện này càng “nóng” hơn.
Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP May Việt Tiến (mã VGG) không giấu được sự trăn trở: “Nếu ngành dệt may thực sự bị áp mức thuế 46%, chắc chắn doanh nghiệp nào cũng phải đóng cửa, không còn cơ hội bán hàng vào Mỹ”. Do đó, năm nay, Việt Tiến sẽ cân đối năng lực sản xuất để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết với khách hàng; sắp xếp, quy hoạch lại khách hàng cho từng đơn vị theo hướng chuyên môn hóa.
Trong khi đó, CTCP May Sông Hồng (mã MSH) nhìn nhận một cách lạc quan hơn về tác động của chính sách đối ứng của Mỹ. Theo đó, nhiều khách hàng nhập hàng từ Trung Quốc sẽ phải dịch chuyển sang Việt Nam, là cơ hội tốt cho Công ty nắm lấy.
Tại đại hội cổ đông của CTCP Vĩnh Hoàn (mã VHC) – doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cá tra vào Mỹ, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, chưa có cơ sở để lo ngại về việc Công ty phải rút lui khỏi thị trường Mỹ. Giá cá tra hiện vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được của người tiêu dùng Mỹ.
“Trong mọi kịch bản thuế, dù là 10% hay 46%, thuế quan vẫn là nghĩa vụ của nhà nhập khẩu, không phải bên xuất khẩu”, bà Khanh thẳng thắn và cho rằng, cần có thời gian để đánh giá khả năng chấp nhận giá mới của thị trường Mỹ, nhất là với các mức thuế cao.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle’).style.display = “none”;} });
Chia sẻ với cổ đông, lãnh đạo CTCP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) cho biết, Công ty đã chuẩn bị cho việc chuyển hướng thị trường xuất khẩu từ 5 năm nay nên sẽ không bị động trước biến động của chính sách thuế quan tại thị trường Mỹ. Thậm chí, việc mất thị trường Mỹ cũng không đáng ngại, doanh số năm đầu có thể giảm một chút nhưng sau đó sẽ từ từ tăng trở lại.
Trong năm nay, Thực phẩm Sao Ta tiếp tục đẩy mạnh các thị trường mới như Canada và Úc. Đây là những thị trường có tiêu chuẩn nhập khẩu khắt khe, nhưng Sao Ta có vùng nuôi tốt nên doanh nghiệp tự tin sẽ đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc cũng đang có tiềm năng tăng sản lượng sẽ được Công ty quan tâm.
Mua cổ phiếu quỹ – câu hỏi nóng
Không chỉ câu chuyện thuế quan, đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường chứng khoán khiến cổ đông tại nhiều doanh nghiệp lo lắng. Câu hỏi doanh nghiệp có mua cổ phiếu quỹ hay không được đặt ra tại một số đại hội.
Tại đại hội của CTCP Logistics Vicem (mã HTV), để cổ đông yên tâm, Ban lãnh đạo cho biết sẽ cân nhắc mua cổ phiếu quỹ sau 90 ngày đàm phán thuế quan nếu giá cổ phiếu tiếp tục lao dốc, để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Tại thời điểm họp đại hội đồng cổ đông năm 2025 vào cuối tháng 4, cổ phiếu VNS của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) được giao dịch ở mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo cổ đông Vinasun, đây là mức giá thấp trong nhiều năm qua và lãnh đạo Công ty có giải pháp nào để đảm bảo thị giá cổ phiếu
Ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun khẳng định, giá cổ phiếu hiện tại đang ở mức thấp hơn nhiều so với giá trị sổ sách, trong khi thanh khoản trên thị trường khá hạn chế. Theo ước tính, chỉ khoảng 2 – 3% cổ phiếu đang được lưu hành tự do, còn lại 95 – 97% được nắm giữ lâu dài bởi các cổ đông hiện hữu.
Trong việc cân nhắc mua cổ phiếu quỹ, đầu tư xe hay chia cổ tức, toàn bộ vấn đề này thuộc về dòng tiền mà Công ty có được. Tuy nhiên, Công ty cần đáp ứng được hai tiêu chí: Thứ nhất, duy trì mức cổ tức ổn định từ 10 – 20%/năm, tùy theo kết quả kinh doanh; thứ hai, đầu tư mạnh mẽ vào phương tiện mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và hình ảnh thương hiệu. Do đó, thay vì mua lại cổ phiếu quỹ, Vinasun đang tập trung vào việc nâng cấp và mở rộng đội xe của mình.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle1 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle1, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle1’).style.display = “none”;} });
Tương tự, thị giá cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim cũng đang giảm hơn 20% so với trước thời điểm Mỹ công bố áp thuế, nên cổ đông cũng thắc mắc với ban lãnh đạo về việc mua cổ phiếu quỹ.
Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch Hội đồng quản trị NKG khẳng định, Công ty đang có kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn, nếu mua cổ phiếu quỹ thì phải giảm vốn và mâu thuẫn với mục tiêu phát hành cổ phiếu. Việc Công ty xây dựng dự án Nhà máy Phú Mỹ và tập trung vào sản phẩm giá trị cao kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, do đó, không có lý do gì để Nam Kim phải mua lại cổ phiếu quỹ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) đã chủ động trình cổ đông mua lại tối đa 8 triệu cổ phần để giảm vốn điều lệ. Đây là biện pháp dự phòng nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông trước những diễn biến phức tạp của thị trường chứng khoán, đặc biệt do tác động từ chính sách thuế đối với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ.
Nhận định giá cổ phiếu của công ty mình “chưa tốt”, ông Song Jae Ho, Tổng giám đốc CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) khẳng định, TCM không thể can thiệp trực tiếp vào biến động giá cổ phiếu trên thị trường.
“TCM sẽ cải thiện thông qua các giải pháp nội tại, hướng tới trở thành một trong những doanh nghiệp dệt may có hiệu suất hoạt động hàng đầu thị trường, từ đó tăng giá trị cho cổ phiếu”, ông nói.
Kế hoạch kinh doanh: Tăng bị hỏi, giảm bị “soi”
Tại đại hội cổ đông của Vinasun, Ban lãnh đạo phải giải đáp với cổ đông về việc đặt mục tiêu lợi nhuận 2025 giảm 36% so với năm trước. Theo đó, khoản thu nhập khác, vốn đóng góp lớn vào lợi nhuận năm trước của Công ty dự kiến giảm mạnh trong năm nay. Ngoài ra, Vinasun sẽ bắt đầu nộp 20% thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2025, sau khi kết thúc giai đoạn bù lỗ hơn 400 tỷ đồng các năm 2020 – 2021, khiến lợi nhuận giảm.
Dù dự báo thị trường khoan tại Việt Nam sẽ sôi động trong 5 năm tới, với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án lớn và để chuẩn bị cho sự sôi động của thị trường nội địa, chiến lược của CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) là tiếp tục đầu tư vào giàn khoan, song năm nay, PVD đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 7.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 530 tỷ đồng, giảm 25% về doanh thu và giảm 24% về lợi nhuận so với thực hiện năm 2024.
Giải trình với cổ đông, ông Nguyễn Xuân Cường, Tổng giám đốc PVD cho biết, kế hoạch năm 2025 được xây dựng dựa trên những giả định từ cuối năm 2024. Tuy nhiên, cập nhật trong quý I và xu hướng 2025, đã có nhiều thông tin tích cực hơn so với dự báo trước đó. Một trong những yếu tố đáng chú ý là nhu cầu khoan tại Việt Nam đã tăng mạnh so với dự đoán ban đầu. Do đó, Công ty đang phấn đấu để đạt tối thiểu hoặc có thể tăng trưởng so với thực hiện của năm 2024.
window.addEventListener(‘load’, function(){ if(typeof Web_AdsArticleMiddle2 != ‘undefined’){window.CMS_BANNER.pushAds(Web_AdsArticleMiddle2, ‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’);}else{document.getElementById(‘adsWeb_AdsArticleMiddle2’).style.display = “none”;} });
Trong khi đó, tại CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1), cổ đông thẳng thắn đặt vấn đề: “Quý I, Công ty đang báo lỗ 9 tỷ đồng, tôi chưa nhìn thấy tính khả thi của mục tiêu lãi 184 tỷ đồng”.
Ban lãnh đạo HT1 giải thích, sản xuất xi măng mang tính thời vụ, quý I thường ghi nhận kết quả thấp hơn do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Một yếu tố hỗ trợ quan trọng là thị trường phía Nam đang thiếu clinker, do giá xuất khẩu tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nội địa. Ngoài ra, khối sản xuất của Công ty cũng đang cải thiện về chi phí giúp tăng tính khả thi cho mục tiêu lợi nhuận.
“Mặc dù mục tiêu đặt ra cho năm 2025 là đầy thách thức, nhưng doanh nghiệp hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hoàn thành kế hoạch đề ra”, ông Đinh Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HT1 khẳng định.
Nguồn: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-nong-mua-dai-hoi-post368583.html