Sáng 12/5, TAND TP.HCM mở phiên sơ thẩm xét xử 6 bị cáo nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) trong vụ chuyển nhượng trái phép khu “đất vàng” 132 Bến Vân Đồn (Quận 4), gây thất thoát hơn 113 tỷ đồng cho Nhà nước.
Các bị cáo gồm Trương Thanh Phong (cựu Tổng Giám đốc, cựu Ủy viên HĐQT), Trần Văn Vẹn (cựu Chủ tịch HĐQT), Trần Bảy (cựu Trưởng phòng Kế hoạch chiến lược), Vũ Bá Vinh (cựu Ủy viên HĐQT kiêm Trưởng Ban Kiểm soát), Trương Văn Húa và Trương Văn Ảnh (đều là cựu Ủy viên HĐQT) bị đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Các bị cáo tại phiên tòa.
Phiên tòa diễn ra trong hai ngày 12 và 13/5, do Thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm Chủ tọa. Đại diện Viện KSND TP.HCM được phân công từ Viện KSND Tối cao, gồm các kiểm sát viên: Lê Hữu Ngọc, Hà Đức Nghiệp, Phạm Văn Hiền và Hồ Thị Ngọc Ánh.
Theo cáo trạng, Vinafood II là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, được giao quản lý, sử dụng khu đất 132 Bến Vân Đồn. Năm 2010, thực hiện chủ trương sắp xếp lại nhà, đất công trên địa bàn TP.HCM, Vinafood II được UBND TP.HCM và Bộ Tài chính đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất này để xây dựng dự án tổ hợp chung cư cao tầng, trung tâm thương mại – dịch vụ và cao ốc văn phòng.
Tuy nhiên, khi chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các bị cáo trong HĐQT Vinafood II đã thống nhất góp vốn bằng quyền sử dụng đất với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vĩnh Hội để thực hiện dự án.
Cụ thể, Vinafood II làm thủ tục để được giao đất theo hình thức chỉ định có thu tiền sử dụng đất, sau đó lại chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội bằng chính số tiền mà doanh nghiệp này phải nộp. Đổi lại, Vinafood II chỉ nắm giữ 10% vốn điều lệ tại Công ty Vĩnh Hội, tương đương 1,5 triệu cổ phần.
Mặc dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 2010, Vinafood II không hạch toán tăng tài sản, không lập hồ sơ tài sản cố định. Sau đó, HĐQT tiếp tục hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Công ty Vĩnh Hội với giá tự thỏa thuận, không qua thẩm định giá, vi phạm các quy định về quản lý tài chính công và đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp khác.
Thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành, Vinafood II sau đó bán toàn bộ 1,5 triệu cổ phần tại Công ty Vĩnh Hội, thu về 45 tỷ đồng.
Theo kết luận giám định, hành vi góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 113 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản thu từ việc thoái vốn, số tiền thất thoát thực tế còn hơn 67,8 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định bị cáo Trương Thanh Phong giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án; các bị cáo còn lại là đồng phạm, giúp sức. Dù vậy, không bị cáo nào được hưởng lợi cá nhân từ hành vi phạm tội.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên 5 bất động sản đứng tên Trần Văn Vẹn, 2 bất động sản của Trương Thanh Phong, 4 bất động sản của Trần Bảy, đồng thời phong tỏa 7,1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của Trương Thanh Phong.
Từ năm 2009 đến 2015, Công ty Nguyễn Kim đã mua lại 99,32% vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Hội, sau đó chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Đầu tư Phú Mỹ Hưng. Hiện nay, dự án Millennium tại 132 Bến Vân Đồn đã hoàn thành, các sản phẩm đều được bán hết cho khách hàng. Tuy nhiên, do vướng pháp lý từ vụ án, người mua vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Để phục vụ công tác điều tra, Bộ Công an đã đề nghị UBND TP.HCM tạm dừng giải quyết các thủ tục liên quan đến chuyển nhượng, thế chấp, thay đổi đăng ký kinh doanh của Công ty Phú Mỹ Hưng.
Tuy vậy, kết quả điều tra xác định Công ty Phú Mỹ Hưng là bên thứ 3 ngay tình, đã triển khai dự án đúng quy hoạch và đã bán toàn bộ sản phẩm cho người dân. Cơ quan điều tra đã chuyển toàn bộ tài liệu liên quan và kiến nghị TAND TP.HCM xem xét đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân khi xét xử vụ án.
Nguồn: https://cafef.vn/xet-xu-dan-cuu-lanh-dao-vinafood-ii-gay-thiet-hai-hon-113-ty-dong-188250512102840505.chn