Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Công ty Tài chính CP Tín Việt (Vietcredit, UPCoM: TIN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 75,8 tỷ đồng, gấp gần 11 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ hàng loạt giải pháp tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình kinh doanh sang số hóa, mang lại tác động tích cực lên kết quả kinh doanh.
Từ quý II/2024, Vietcredit thực hiện tái cấu trúc, chuyển dịch từ mô hình bán hàng truyền thống sang mô hình số hóa hoàn toàn. Do đó, các sản phẩm cho vay truyền thống dừng triển khai, công ty tập trung nguồn lực cho các sản phẩm cho vay số (Digital-lending). Tính đến hết quý I/2025, tổng dư nợ các sản phẩm cho vay số đạt gần 2.800 tỷ đồng, giúp thu nhập lãi thuần tăng vọt lên 411,6 tỷ đồng, gần gấp đôi so với mức 205,7 tỷ đồng cùng kỳ.
Được biết, hồi đầu năm 2024, VietCredit vẫn duy trì lực lượng nhân sự lên tới 1.327 người, dù con số này đã giảm 409 người so với đầu năm trước đó. Tuy nhiên, quá trình tái cấu trúc diễn ra quyết liệt trong năm, khiến quy mô nhân sự đến cuối năm 2024 chỉ còn lại vỏn vẹn 181 người – mức thấp kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty. Sau giai đoạn này, bước sang năm 2025, VietCredit bắt đầu phục hồi nhẹ lực lượng, nâng số nhân sự lên 267 người vào cuối quý 1/2025.
Mặc dù lãi thuần từ hoạt động cho vay cải thiện mạnh, Vietcredit lại ghi nhận lỗ 75,4 tỷ đồng từ hoạt động dịch vụ, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 64,3 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng sụt giảm mạnh từ 86,1 tỷ đồng xuống chỉ còn 374 triệu đồng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dừng triển khai các sản phẩm cho vay truyền thống, kéo theo doanh thu từ phí dịch vụ giảm, trong khi chi phí dịch vụ cho các sản phẩm cho vay số tăng nhanh.
Nhờ tối ưu bộ máy hoạt động sau tái cấu trúc, chi phí hoạt động trong kỳ giảm mạnh 56%, còn 88,6 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng được tiết giảm 13% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức hơn 172 tỷ đồng. Việc này có được nhờ tỷ lệ nợ xấu trên các sản phẩm vay cũ được cải thiện và nợ xấu từ các sản phẩm vay mới ở ngưỡng thấp, phù hợp với khung khẩu vị rủi ro đã đề ra.
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động cho vay của VietCredit là tổng dư nợ cho vay tại ngày 31/3/2025 đã giảm mạnh còn 4.716 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2024 con số này vẫn ở mức hơn 6.299 tỷ đồng. Cơ cấu chất lượng dư nợ cũng có sự dịch chuyển đáng kể. Dư nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) giảm mạnh từ gần 5.691 tỷ đồng xuống còn 4.060 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, dư nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) lại tăng lên 361,8 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cuối năm 2024. Dư nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có diễn biến trái chiều, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng lên 119,2 tỷ đồng, trong khi nợ nghi ngờ giảm mạnh từ 194 tỷ đồng còn 126,6 tỷ đồng. Đáng ghi nhận, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) được kiểm soát tốt, giảm hơn 55%, chỉ còn 49,1 tỷ đồng so với mức 104,6 tỷ đồng cuối năm trước.
Như vậy, tại ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của VietCredit (gồm các nhóm 3, 4, 5) là khoảng 295 tỷ đồng, chiếm 6,25% trên tổng dư nợ. Trong khi đó, cuối năm 2024, tổng nợ xấu ở mức 398,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 6,33%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp đã được kéo giảm nhẹ từ 6,33% xuống còn 6,25%.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/cat-giam-hang-nghin-nhan-su-mot-doanh-nghiep-van-bao-lai-gap-11-lan-1378136.html