Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức liên quan, đồng thời đề nghị truy tố 30 bị can.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Duy Hưng, cựu Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, bị cáo buộc phạm tội
Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
.
Ông Phạm Thái Hà, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cựu Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, bị cáo buộc phạm vào tội
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Theo tài liệu, một trong những dự án 2 người có liên quan là cầu Vĩnh Tuy 2 (Hà Nội). Thuận An cùng Công ty Cầu 7 Thăng Long liên danh và trúng thầu dự án này với giá trị hơn 289 tỷ đồng.
Sự việc bắt đầu năm 2020, khi bị can Nguyễn Duy Hưng nhờ Phạm Thái Hà (lúc đó giữ chức Trợ lý Bí thư Thành ủy Hà Nội) giới thiệu tới Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội nhằm để Tập đoàn Thuận An được thi công một phần dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Qua vài buổi trao đổi, bị can Tuấn chỉ trả lời Hưng:
“Sẽ nghiên cứu”.
Bị can Phạm Thái Hà và Nguyễn Duy Hưng.
Thời gian sau, tại một buổi ăn sáng ở nhà Bí thư Thành ủy Hà Nội (thời điểm năm 2020), bị can Tuấn báo cáo tình hình triển khai các gói thầu giao thông, gồm dự án cầu Vĩnh Tuy 2. Tuấn lại gặp Hưng trong buổi ăn sáng này nên hiểu Hưng là người “có mối quan hệ thân thiết với Bí thư Thành ủy và Phạm Thái Hà”.
Vài hôm sau, Nguyễn Duy Hưng đến phòng làm việc của Tuấn, đề nghị giúp Tập đoàn Thuận An được “vào” thi công cầu Vĩnh Tuy 2. Lần này, Tuấn đồng ý nên chỉ đạo cấp dưới tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Cùng thời gian, Trần Việt Khoa, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Cầu 7 Thăng Long, biết có gói thầu cầu Vĩnh Tuy nên cũng đặt vấn đề muốn tham gia thi công. Qua giới thiệu của nhân viên Ban quản lý dự án Hà Nội, các doanh nghiệp Cầu 7 Thăng Long và Thuận An lập liên danh để đấu thầu dù cả 2 bên đều không đủ điều kiện thi công.
Đến cuối tháng 11/2020, trước ngày nộp hồ sơ dự thầu, các bị can tại Ban quản lý dự án Hà Nội kiểm tra hồ sơ của Liên danh Tập đoàn Thuận An – Công ty Cầu 7 Thăng Long để thông báo lại cho doanh nghiệp chỉnh sửa trước khi nộp, đảm bảo việc trúng thầu.
Do được giúp đỡ, liên danh của Thuận An trúng thầu và thi công; cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào sử dụng từ năm 2023.
Quá trình đấu thầu cùng thi công, Tập đoàn Thuận An và Công ty Câu 7 Thăng chỉ cho 13 cá nhân tại Ban quản lý dự án Hà Nội Hà Nội, đơn vị tư vấn thầu, Tổ tư vấn giám sát với tổng số tiền là hơn 12 tỷ đồng.
Trong đó, Phạm Hoàng Tuấn, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội nhận 2 tỷ đồng; Nguyễn Chí Cường, Phó giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội 2 tỷ đồng; Phạm Văn Duẫn, Giám đốc Ban quản lý dự án Hà Nội nhận tổng cộng 2,32 tỷ đồng… Đến nay, các cá nhân này đã nộp khắc phục toàn bộ số tiền đã nhận vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra.
Nguồn: https://cafef.vn/ong-chu-thuan-an-trung-du-an-cau-vinh-tuy-sau-bua-an-o-nha-cuu-bi-thu-ha-noi-188250512202552548.chn