VN-Index hồi phục tích cực, chuyên gia VPBankS điểm tên một nhóm cổ phiếu kỳ vọng “dẫn sóng” thời gian tới

Đóng cửa phiên 12/5, VN-Index tăng 15,96 điểm (+1,26%), qua đó leo lên mức 1.283,26 điểm. Thanh khoản được cải thiện so với cuối tuần trước với giá trị khớp lệnh đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Tại chương trình “Việt Nam và các chỉ số: Tài chính Thịnh vượng”, ông

Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS)

nhận định rằng thị trường giai đoạn vừa qua chia làm 2 nhóm. Một nhóm đã lấy lại “những gì đã mất” trong tháng 4, vượt đường MA quan trọng như hoá chất, logistisc,… Đặc biệt, một số cổ phiếu ngân hàng đã quay trở lại, nằm trong trạng thái uptrend.

Vì vậy, trong giai đoạn này, vị chuyên gia khuyến nghị những NĐT tìm điểm mua mới nên

hướng đến những cổ phiếu đã tạo đáy

và vẫn cách khá xa so với vùng điều chỉnh trước tháng 4 như BĐS khu công nghiệp. Phương pháp này là “mua chiết khấu, đón sóng hồi”.

Thêm vào đó, NĐT có thể để ý những cổ phiếu giảm sâu, tạo đáy và bật lại ở nhóm công nghệ, Viettel, chẳng hạn như FPT, CTR. Giai đoạn này có lẽ là thời điểm cổ phiếu trên phục hồi, lấy lại động lực tăng giá khi Mỹ và các đối tác thương mại lớn trở lại bàn đàm phán.



Trong ngắn hạn, ngân hàng có thể là nhóm cổ phiếu dẫn sóng. Bởi dịp nghỉ lễ vừa qua, cổ phiếu ngân hàng đã chững lại, nhưng gần đây đã lấy lại đà tăng. Đây có thể là nhóm kéo chỉ số VN-Index vượt qua vùng 1.280 điểm và lấp lại khoảng trống trong sóng giảm ngày 2 – 3/4

“, ông Sơn nêu rõ.

Thậm chí khi nhìn về trung và dài hạn, chuyên gia VPBankS cho rằng

ngân hàng vẫn đang được định giá hấp dẫn

. Trong năm nay, nếu NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ cho thị trường, tăng trưởng tín dụng sẽ duy trì ở mức cao. Cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt nhóm dẫn đầu sẽ có nhiều động lực để tăng trưởng tín dụng, từ đó mở rộng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận.

Trong giai đoạn vừa qua, NIM của một số ngân hàng đã bắt đầu thu hẹp, đặc biệt trong kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025. Xu hướng này là hợp lý vì các ngân hàng phải chia sẻ lợi nhuận, trách nhiệm đối với nền kinh tế, thị trường thông qua việc cung ứng các gói vay lãi suất hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng. Khi kinh tế phục hồi, thường cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưu tiên, ghi nhận mức tăng trưởng tốt.



Tôi vẫn duy trì kỳ vọng rằng trong năm nay, nếu đàm phán thương mại suôn sẻ, nền kinh tế Việt Nam vượt qua sóng gió, cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến của dòng tiền

“, chuyên gia chia sẻ thêm.


Việc ông Trump “xuống thang” với Trung Quốc là khá tích cực

Liên quan tới việc đàm phán thuế quan giữ Mỹ và Trung Quốc, ông Sơn cho rằng ở giai đoạn này, Tổng thống Trump đang có xu hướng xuống thang. Nhìn lại đầu tháng 4, ông đã leo thang chiến tranh lên mức rất khốc liệt. Thuế quan đưa ra với nhiều quốc gia là không tưởng tượng được, chẳng hạn Việt Nam 46%, Trung Quốc là hơn 200%.

Theo thống kê, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm sút rất nhanh chóng, hàng qua cảng container giảm rất sâu, lượng khách du lịch từ Canada, châu Âu, Nam Mỹ, châu Á đến Mỹ cũng tụt nhanh. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ chịu ảnh hưởng nhất định do leo thang thương mại.

Trung Quốc đã chuyển đổi từ nhập khẩu dầu thô từ Mỹ sang Canada. Đến hết tháng 3, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ đã giảm xuống rất thấp, khiến các nhà xuất khẩu của Mỹ chịu thiệt hại. Đồng thời, các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ (đậu tương, thịt bò) chịu ảnh hưởng khi Trung Quốc chuyển sang nhập từ Mexico, Brazil. Liên quan đến sản xuất công nghiệp, Trung Quốc cũng ngừng nhập máy bay của Boeing.

Sau chuỗi hành động như vậy, ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ rất rõ ràng. Yếu tố này có thể có độ trễ, chưa nhìn nhận ngay được thông qua các chỉ số kinh tế nhưng có thể được phản ánh vào tháng 5 – 6 sắp tới.

Vì vậy, việc xuống thang sẽ tác động tích cực đến hoạt động thương mại của Mỹ với các quốc gia khác. Tính đến hết tháng 3, Mỹ đã giảm nhập khẩu từ Trung Quốc xuống rất thấp nhưng lại tăng nhập từ các quốc gia khác. Gần đây, để tránh đà tăng giá cả, Mỹ cũng giảm thuế đối ứng cho một số mặt hàng như thiết bị điện tử về gần bằng 0 bởi đây là hàng hóa được doanh nghiệp Mỹ sản xuất tại Trung Quốc và buộc phải nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn giữ thuế suất khoảng 10% với những mặt hàng trên.

Theo quan điểm của ông Trần Hoàng Sơn, việc Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại với Anh cũng là bước xuống thang rõ ràng. Trong thỏa thuận này, với ô tô, thuế nhập khẩu từ Anh vào Mỹ đã giảm từ 27% xuống còn 10%, thép và nhôm cũng như động cơ, linh kiện hàng không được miễn hoàn toàn. Trong khi đó, Anh cam kết mua 10 tỷ USD máy bay Boeing và chịu thuế 10% với những mặt hàng khác.

Còn với Trung Quốc, lượng hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ đã giảm rất sâu, khoảng 18% đến cuối tháng 3. Những mặt hàng như máy móc thiết bị, dệt may, kim loại cơ bản, nhựa và cao su … đã giảm khoảng 14 – 33%. Trong tháng 4, số liệu này có thể sẽ còn thấp hơn nữa. Tính đến tháng 3, chỉ khoảng 8,6% hàng hóa nhập khẩu của Mỹ đến từ Trung Quốc – mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái năm 2008 và 2020 và tương đương giai đoạn 2001 – 2002.

Ảnh hưởng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức rất lớn, vì vậy, chuyên gia VPBankS kỳ vọng Mỹ sẽ có những thỏa thuận nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất phục hồi về bình thường. Từ đó, có thể kỳ vọng thuế quan sẽ xuống thấp hơn mức hiện tại.

Nguồn: https://cafef.vn/vn-index-hoi-phuc-tich-cuc-chuyen-gia-vpbanks-diem-ten-mot-nhom-co-phieu-ky-vong-dan-song-thoi-gian-toi-188250513082243055.chn

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *