Doanh nghiệp chăn nuôi bứt tốc ngay trong quý đầu năm, bầu Đức có lối đi riêng

Ngay trong quý I/2025, nhiều doanh nghiệp ngành chăn nuôi ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội, thậm chí phá kỷ lục lợi nhuận.

Giá heo hơi lên đỉnh, doanh nghiệp “ăn nên làm ra”

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, giá lợn hơi quý I/2025 đã lập đỉnh trong tháng 3, trung bình lên tới 76.500 đồng/kg, thậm chí có thời điểm vượt 80.000 đồng/kg. Nguyên nhân là nhu cầu thịt heo tăng cao dịp Tết Nguyên đán cùng với ảnh hưởng từ cơn bão số 3 hồi tháng 9/2024 khiến đàn heo nái bị thiệt hại nặng, thiếu hụt con giống nghiêm trọng.

Không chỉ hưởng lợi nhất thời từ giá heo hơi, ngành chăn nuôi đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ.

Mặc dù giá chỉ duy trì ở mức cao trong ngắn hạn rồi hạ dần về khoảng 69.000 đồng/kg cuối quý, nhưng chừng đó cũng đủ tạo đòn bẩy cho các doanh nghiệp chăn nuôi “bứt tốc” trong mùa cao điểm.

Không chỉ hưởng lợi nhất thời từ giá heo hơi, ngành chăn nuôi đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ. Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, Việt Nam đang chuyển dịch từ mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, an toàn sinh học và giảm phát thải. Tuy nhiên, đi kèm với đó là áp lực chi phí gia tăng, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, hệ thống kiểm soát môi trường, con giống và nhân sự.

Nắm bắt tốt cơ hội thị trường, Công ty Cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất lịch sử. Theo đó, doanh thu thuần của công ty trong quý đạt 1.123 tỷ đồng, giảm 10% so với số đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do không còn ghi nhận doanh thu từ bán nông sản và các khoản doanh thu khác mà chỉ ghi nhận doanh thu từ hoạt động chăn nuôi.

Cụ thể, trong quý đầu năm, sản lượng heo bán ra của BAF đạt hơn 160.000 con, trong đó phần lớn là heo thịt, tăng 60%. Doanh thu từ mảng này nhờ đó cũng tăng vọt 2,3 lần lên 1.123 tỷ đồng.

Tuy nhiên, giá vốn hàng bán trong kỳ lại ghi nhận giảm mạnh 26% xuống còn hơn 833 tỷ đồng, kéo lãi gộp lên 290 tỷ đồng gấp 2,2 lần quý I/2024. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của BAF ghi nhận tăng 56% lên 67,7 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp gấp 2,2 lần lên 53 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, BAF báo lãi 133 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty.

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, BAF cho biết, lợi nhuận tăng trưởng là do quý I/2025, thị trường giá heo duy trì ở mức cao trên 70.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào thức ăn chăn nuôi cũng duy trì tại mức ổn định từ năm 2024.

Tương tự, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) gây ấn tượng mạnh khi doanh thu đạt 3.609 tỷ đồng, tăng 11%; còn lợi nhuận sau thuế vọt lên 508 tỷ đồng, gấp hơn 7 lần quý I/2024 – cũng là mức cao nhất trong lịch sử công ty. Biên lợi nhuận cải thiện nhờ tiết giảm giá vốn, giá lợn hơi cao, và dịch bệnh được kiểm soát, giúp Dabaco tái đàn thuận lợi.

Năm 2025, Dabaco đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất (bao gồm tiêu thụ nội bộ) đạt 28.759 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế mục tiêu 1.007 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 3 tháng, tập đoàn đã hoàn thành một nửa mục tiêu đã đề ra trong năm 2025.

Đáng chú ý, Chủ tịch Nguyễn Như So chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên rằng nếu giá heo duy trì trên 60.000 đồng/kg, lợi nhuận sau thuế có thể đạt ít nhất 1.500 tỷ đồng trong năm nay vượt xa kế hoạch công bố là 1.007 tỷ đồng.

Về phía Tập đoàn Hòa Phát, Trong ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT công ty khẳng định mảng nông nghiệp của tập đoàn đang làm rất tốt, làm rất cẩn thận và tự tin tuyên bố rằng, mức tỉ suất lợi nhuận mảng nông nghiệp của Hòa Phát luôn “đáng mơ ước” ở thị trường Việt Nam.

Thực tế, năm 2024, tỉ suất lợi nhuận gộp mảng chăn nuôi của Hòa Phát đạt 23%. Năm 2024, mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt 7.081 tỷ doanh thu, tăng 12% so với 2023 và 1.038 tỷ lợi nhuận sau thuế, gấp hơn 5 lần so với cùng kỳ.

Còn trong quý I/2025, mảng nông nghiệp đóng góp tỷ trọng với 5% và 12% vào doanh thu, lợi nhuận của Hòa Phát. Doanh thu thuần mảng này đạt 1.987 tỷ đồng, tăng trưởng 31% còn lợi nhuận thuần đạt 407 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.

Con đường riêng của bầu Đức

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) lại đi theo hướng khác, giảm dần tỉ trọng của mảng chăn nuôi heo. Quý I/2025, doanh thu từ chăn nuôi chỉ còn 76 tỷ đồng, trong khi mảng trái cây tiếp tục là “át chủ bài”, đóng góp khoảng 1.000 tỷ đồng, tăng 13%. Ngoài ra, doanh thu từ hàng hóa tăng đột biến 591% lên 311 tỷ đồng.

Giá vốn hàng bán tăng mạnh nhưng thấp hơn tốc độ tăng doanh thu, giúp lợi nhuận gộp của HAGL đạt 564 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính giảm 37% còn 109 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm nhẹ.

Kết quả, HAGL báo lãi sau thuế 340,7 tỷ đồng, tăng 59% so với quý I/2024. Đây cũng là quý có lãi thứ 16 liên tiếp của doanh nghiệp sau giai đoạn dài chìm trong thua lỗ. Cũng nhờ đó mà lỗ lũy kế tính đến cuối tháng 3/2024 của công ty đã được thu hẹp từ 423 tỷ đồng xuống còn 83 tỷ đồng, tiến sát mục tiêu xóa lỗ lũy kế vào giữa năm nay.

HAGL cho biết lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhờ vào biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mảng kinh doanh chuối, đồng thời chi phí tài chính giảm do công ty đã trả phần lớn nợ trái phiếu và hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/doanh-nghiep-chan-nuoi-but-toc-ngay-trong-quy-dau-nam-bau-duc-co-loi-di-rieng/32368906

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *