VNS: Không ‘đốt tiền’, không siêu app, bí quyết nào giúp Vinasun tồn tại?

Trong khi các ứng dụng gọi xe chi hàng nghìn tỷ đồng, Vinasun không “đốt tiền”, không siêu app, bí quyết nào giúp hãng xe này tồn tại trong thị trường đầy cạnh tranh.

“Trận đấu” không cân sức

Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đang tỏ ra “đuối sức” trong cuộc đua với các hãng xe công nghệ khi năm 2024 chỉ hoàn thành 90% mục tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 44%.

Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 đại diện HĐQT Vinasun cho biết hãng xe đang trong giai đoạn chuyển đổi phương tiện và không có nguồn lực để “đốt tiền” nhằm thu hút người dùng như các hãng xe công nghệ.

“Mặc dù không có siêu app, không đốt tiền, nhưng Vinasun có tinh thần tự cường và sự đồng lòng để giữ lại giá trị doanh nghiệp”, vị đại diện HĐQT Vinasun nói thêm.

Thực tế, thị trường gọi xe Việt những năm gần đây chứng kiến cuộc đổ bộ rầm rộ của các “ông lớn” công nghệ, tạo nên một cuộc đua khốc liệt về giá, dịch vụ và trải nghiệm người dùng. 

Nếu như Grab tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu thị trường bằng hệ sinh thái đa dịch vụ và tiềm lực tài chính dồi dào thì Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh (Xanh SM), nhanh chóng mở rộng quy mô với ưu thế xe điện VinFast.

Cả Grab và Xanh SM đều có điểm chung là sở hữu năng lực công nghệ hiện đại, chiếm lĩnh thị trường thông qua chiến lược “đốt tiền” để thu hút người dùng và tài xế, đồng thời tạo ra trải nghiệm liền mạch trên ứng dụng di động. 

Trong khi đó, “ông lớn” taxi truyền thống là Vinasun tỏ ra hụt hơi trong “trận đấu không cân sức” vềtiềm lực tài chính này. 

Nếu như Grab và Xanh SM được ví như những “vận động viên điền kinh” trẻ, chuyên nghiệp thì Vinasun lại tỏ ra “quá tuổi” khi chỉ còn biết lấy kinh nghiệm, khả năng thích nghi và tinh thần không bỏ cuộc để đấu lại.

“Thay áo mới”, đi vào thị trường ngách

Bước sang năm 2025, ban lãnh đạo Vinasun đánh giá môi trường kinh doanh vẫn tiếp tục bất ổn, với các rủi ro như: lạm phát toàn cầu, biến động giá nguyên liệu, thắt chặt tiền tệ và người tiêu dùng giảm chi tiêu. Đây đều là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng dịch vụ taxi nói riêng và taxi truyền thống nói chung.

Hơn nữa, thị trường đang có sự cạnh tranh khốc liệt bởi các ứng dụng gọi xe công nghệ, các hãng xe mới khiến những tên tuổi từng thống trị một thời như Vinasun, Mai Linh,… dần bị đẩy vào thế khó.

Trong bối cảnh đó, Vinasun đã đưa ra chiến lược “thay áo mới” và đi vào thị trường ngách để tồn tại.

Với chiến lược “thay áo mới”, hãng taxi này đã đầu tư thêm 400 xe hybrid Toyota với tổng vốn 780 tỷ đồng, bất chấp chi phí ban đầu cao hơn 1,4 -1,5 lần so với xe xăng.

Việc mạnh tay chi tiền đầu tư của Vinasun trong khi các chỉ tiêu kinh doanh lại “đi lùi” khiến cổ đông đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp có đang tham vọng hay mạo hiểm?

Tuy nhiên, ông Trần Lê Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun cho biết, đây là lựa chọn “sống còn” nhằm tái định vị Vinasun là thương hiệu vận tải thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và gia tăng trải nghiệm dịch vụ. 

“Thế hệ xe Vinasun 2025 sẽ là dòng xe hoàn toàn mới, không đối thủ nào có, kể cả xe điện hay Grab,” ông Minh nói và cho biết thêm đây không chỉ là sự thay đổi phương tiện mà là một bước ngoặt về chiến lược, đặt nền móng cho tương lai bền vững trong một ngành đang bị cuốn vào cuộc đua ngắn hạn. 

Không chỉ chuyển đổi dòng xe, Vinasun còn thực hiện chiến lược đi vào thị trường ngách. Một trong những quân bài chiến lược mà Vinasun kỳ vọng sẽ tạo đột phá với phân khúc này là mô hình “đi taxi trả sau”, nhắm vào các đối tượng khách hàng đặc thù nhưng mang tính dài hạn như doanh nghiệp, cá nhân có thu nhập ổn định, khách du lịch và chuyên gia nước ngoài. 

Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu di chuyển thường xuyên, đề cao tính tiện lợi, minh bạch và dịch vụ chuẩn mực, những giá trị mà taxi truyền thống có thể đáp ứng tốt hơn xe công nghệ.

Để triển khai hiệu quả mô hình “đi taxi trả sau”, Vinasun nhận định sẽ không chạy theo khuyến mãi ồ ạt như các hàng xe ứng dụng công nghệ khác nhưng có thể đưa ra những gói cước di chuyển tiết kiệm cho khách đi thường xuyên như theo tháng, theo giờ cao điểm, khứ hồi,…

Và những khách hàng tiềm năng này sẽ được Vinasun cam kết giá niêm yết rõ ràng, không tăng bất thường vào giờ cao điểm hay mưa bão như các hãng công nghệ khác, điều mà người dùng hiện nay đang dần mất niềm tin.

Không chỉ tái cấu trúc sản phẩm và dịch vụ, Vinasun cũng có sự tham gia của nhóm cổ đông mới là ông Lê Hải Đoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn HIPT được bầu làm thành viên HĐQT. Ông Đoàn được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới cho Vinasun trong tư duy công nghệ, quản trị hiện đại và hỗ trợ công ty trong hành trình chuyển đổi.

Trong năm 2025, Vinasun đặt mục tiêu doanh thu đạt 999 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 53 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 36% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/vns-khong-dot-tien-khong-sieu-app-bi-quyet-nao-giup-vinasun-ton-tai/32383162

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *