Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HOSE: HVN) được thành lập vào năm 1995 trên cơ sở hợp nhất nhiều đơn vị vận tải hàng không. Tổng Công ty nhanh chóng trở thành hãng hàng không quốc gia và biểu tượng về kết nối Việt Nam với thế giới.
Tính đến thời điểm hiện tại, cổ đông lớn nhất của HVN là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 55,2%, tương đương hơn 1,22 tỷ cổ phiếu. Theo sau là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 31,14%, phần còn lại thuộc về các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khác.
Trong 3 thập kỷ hình thành và phát triển, Vietnam Airlines liên tục mở rộng đội bay, khai thác nhiều tuyến bay quốc tế và nội địa. Công ty cũng là một trong những hãng hàng không đầu tiên tại châu Á tham gia Liên minh hàng không SkyTeam.
Kết năm 2024, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của HVN ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ so với năm 2023 với giá trị 105.941,97 tỷ đồng và 7.957,56 tỷ đồng. Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng từ mức 4,24% của năm 2023 lên mức 13,12% trong năm 2024.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, năm 2024 ghi nhận sự gia tăng đáng kể trong lượng hành khách, đặc biệt trên các đường bay quốc tế. Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch đã giúp tỷ lệ lấp đầy ghế bay trên các tuyến bay đạt khoảng 80%, cao hơn nhiều so với mức trung bình của năm 2022 – 2023.
Bên cạnh đó, cùng với nhu cầu bay gia tăng, giá vé máy bay được thiết lập theo mặt bằng mới, đặc biệt với các chặng bay quốc tế đã được nới lại. Doanh thu từ vận chuyển hàng hóa, bên cạnh hoạt động vận chuyển khách hàng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bù đắp chi phí khai thác của HVN.
Song, trong 5 năm gần nhất, năm 2024 là năm duy nhất mà Vietnam Airlines có lãi. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2024, số lỗ luỹ kế của doanh nghiệp đã lên tới 33.614,19 tỷ đồng.
Cuối Q1/2025, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của HVN lần lượt đạt 30.626,6 tỷ đồng và 3.486 tỷ đồng. Mặc dù doanh thu thuần tăng 8,34% so với cùng kỳ, tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 21,5% do chi phí bán hàng tăng 14,88% và chi phí quản lý tăng 2,41%.
Xét về cấu trúc tài chính, do tình hình làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu của HVN liên tục âm kể từ năm 2022. Cũng theo số liệu từ báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2024, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines đang âm gần 9.350 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ tình hình kinh doanh có sự khởi sắc trong Q1/2025, vốn chủ sở hữu của HVN hiện chỉ còn âm khoảng 5.850 tỷ đồng.
Đánh giá về lộ trình thoát lỗ lũy kế, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết hãng đã xây dựng phương án tái cơ cấu toàn diện, bao gồm các giải pháp tăng doanh thu, kiểm soát chi phí và xử lý các khoản lỗ trong quá khứ. Trong đó, trọng tâm là đàm phán với các chủ nợ để cơ cấu lại khoản vay, tìm kiếm đối tác chiến lược để tăng vốn điều lệ, đồng thời tái cấu trúc hoạt động kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đội bay và mạng đường bay.
Hãng kỳ vọng sẽ thoát lỗ lũy kế vào giai đoạn 2025 – 2026, với giả định thị trường hàng không tăng trưởng ổn định, giá nhiên liệu không biến động mạnh và không có biến cố bất thường. Ban lãnh đạo nhấn mạnh rằng kết quả lợi nhuận dương trong năm 2024 là bước ngoặt quan trọng, nhưng để hoàn tất quá trình tái cơ cấu tài chính và xóa hoàn toàn lỗ lũy kế, Vietnam Airlines vẫn cần thêm thời gian và sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như cổ đông lớn.
Tình hình kinh doanh được cải thiện nhưng cổ phiếu HVN hiện vẫn đang nằm trong diện kiểm soát của HOSE và chỉ được giao dịch vào phiên chiều.
Nhìn chung, Vietnam Airlines được đánh giá đang trong giai đoạn hồi phục tích cực với những tín hiệu lạc quan về nhu cầu bay, giá vé và sự linh hoạt trong điều hành tài chính. Tuy nhiên, để thực sự “thoát lỗ”, HVN vẫn cần nhiều thời gian hơn và đặc biệt là sự ốn định vĩ mô kinh tế và chiến lược tái cấu trúc bền vững.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/quy-1-khoi-sac-ong-lon-hang-khong-van-am-von-chu-5-850-ty-dong-1378409.html