Nhìn nhận vai trò của kinh tế tư nhân ở thời điểm hiện tại, TS Bùi Thanh Minh – Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) khẳng định, đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng và Nghị quyết 68 được xây dựng với một cách tiếp cận khác biệt
Nghị quyết 68 được xây dựng với một cách tiếp cận khác biệt
Phát biểu tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, TS Bùi Thanh Minh – Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) trước Nghị quyết 68, chúng ta có Nghị quyết 57 về kinh tế tư nhân, một văn bản được đánh giá là thành công và tạo tiếng vang, nhưng đến khâu thực thi lại gặp thách thức. Làm thế nào để triển khai 142 đầu việc cụ thể là một bài toán nan giải.
TS Bùi Thanh Minh.
Ông Minh chia sẻ rằng, khi xây dựng Nghị quyết, ban đầu trong văn bản chưa có chữ “một” mà chỉ nêu: “động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng”.
Nhưng vì sao lại là “quan trọng nhất”? Ông Minh lý giải rằng khu vực kinh tế nhà nước đã gần chạm trần với tỷ trọng khoảng 20% và gần như không tăng thêm. Trong khi đó, khu vực FDI cũng đạt đỉnh từ năm 2019 với tỷ trọng 22% và gần như đứng yên từ đó đến nay, bởi lẽ phần lớn chỉ tham gia vào hoạt động gia công, thâm dụng lao động và thâm dụng vốn lớn. Nếu muốn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, thì phải chuyển mình sang những lĩnh vực như bán dẫn, AI. Nhưng đây là hành trình khó khăn khi chúng ta đi sau thế giới tới 50 năm.
“Vì thế, Nghị quyết 68 được xây dựng với một cách tiếp cận khác biệt: liên tục đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân để mang vào “tiếng nói từ thực tiễn”, ông Minh nhấn mạnh.
Nói về bối cảnh ra đời của Nghị quyết 68, ông Bùi Thanh Minh gọi đây là “Đổi mới 2.0”. Nếu Đổi mới năm 1986 đưa đất nước thoát khỏi nghèo đói và thiết lập nền tảng phát triển, thì nay, mục tiêu không chỉ dừng ở thu nhập trung bình mà là đạt ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, tăng trưởng GDP năm nay phải đạt 8% và từ năm 2026 phải đạt 10% – một mục tiêu đầy tham vọng. Bởi lẽ, quy mô nền kinh tế càng lớn thì tốc độ tăng trưởng càng khó duy trì ở mức cao. Nếu không đạt tối thiểu 6,6% mỗi năm, Việt Nam có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Ông Minh thẳng thắn nhìn nhận, nếu không có Nghị quyết 57, không có tư duy đổi mới sáng tạo thì Việt Nam không có cánh cửa nào để bước lên nấc thang phát triển tiếp theo.
“Tuy nhiên, đâu đó chúng ta đã quá hài lòng, sống thoải mái trong suốt 30 năm, kể từ năm 1995 đến nay”, ông Minh đặt vấn đề.
Theo vị chuyên gia, nền kinh tế phần nào đã “ngủ quên” trong thành công, sống tương đối thoải mái. Nhưng ở giai đoạn phát triển mới, ở giai đoạn phát triển mới, chỉ có nâng cao hiệu quả và thúc đẩy đổi mới sáng tạo mới là con đường khả thi. Và cũng vì vậy, Nghị quyết 68 ra đời, đặt nền móng cho sự chuyển mình của khu vực tư nhân.
Nghị quyết 68 không phải là ưu tiên khu vực tư nhân mà là về luật chơi
Về Nghị quyết 68, ông Minh nhấn mạnh, đây không phải là câu chuyện ưu tiên khu vực tư nhân, mà là vấn đề về luật chơi – khu vực này chỉ cần được tự do và bình đẳng để làm tốt công việc của mình. Ông ví von, một doanh nhân cũng giống như người lái xe: họ muốn đi xa, đi nhanh, đi an toàn, cái họ sợ không phải là ổ gà, lúc đó họ có thể giảm tốc.
Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”.
Một thực tế được chỉ ra: nhiều doanh nghiệp tư nhân trong nước, khi phát triển đến một mức độ nhất định, lại chọn chuyển thành doanh nghiệp FDI để được hưởng ưu đãi. Điều này bắt nguồn từ tâm lý “tiếp khách”, tiếp đón nhà đầu tư ngoại nồng nhiệt hơn doanh nghiệp nội.
“Đã đến lúc cần trả doanh nghiệp tư nhân về đúng vị trí mà họ xứng đáng được hưởng trong nền kinh tế”, ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.
Ông Minh cho biết sắp tới sẽ có các nghị quyết quan trọng khác liên quan đến nhân lực và chính sách công nghiệp. Dù hạ tầng, thể chế và nhân lực đều là điểm nghẽn, nhưng chính sách công nghiệp mới là mấu chốt. Nếu không đặt Nghị quyết trong tổng thể chiến lược này thì khó có thể tối ưu hoá nguồn lực. Khi sáp nhập các cơ quan, ông Minh cho rằng cần tạo không gian để từng địa phương xác định ngành mũi nhọn, cũng như phát huy năng lực cạnh tranh theo từng vùng.
Bên cạnh đó, ông chỉ ra thực trạng đáng lưu tâm: trong khi Nhật Bản vay vốn với lãi suất 1% – 2%, thì Việt Nam phải trả 6% – 7%, rất khó cạnh tranh. Nhưng ông Minh không cho rằng tình hình quá bi quan. Theo ông, đây là giai đoạn “không chậm nhưng cũng không nhanh” – và Việt Nam cần có thời gian để thích ứng. Quan trọng là giữ có thái độ phù hợp: không bi quan cho rằng ta đang bị tụt lại, nhưng cũng không lạc quan đến mức chủ quan rằng ta sẽ bứt phá dễ dàng.
Vị chuyên gia cho hay, khi thiết kế Nghị quyết 68,tổ soạn thảo theo đuổi hai tư duy cốt lõi: tư duy “cởi trói” và tư duy “phát triển”. Ở tư duy cởi trói, mục tiêu là giải quyết các “căn bệnh” cố hữu như đất đai, vốn, hay cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp tư nhân với các nhóm thân hữu. Còn ở tư duy phát triển, các doanh nghiệp được phân cấp theo ba nhóm: doanh nghiệp dẫn dắt gắn với bài toán quốc gia, doanh nghiệp tiên phong, và các doanh nghiệp nhỏ.
Một điểm đặc biệt nữa là Việt Nam thúc đẩy các hộ kinh doanh bước ra khỏi vùng an toàn để trở thành lực lượng doanh nghiệp thực thụ. Theo ông, có 5 chuyển động cần thiết trong thực thi, trong đó trao quyền cho các chủ thể liên quan là then chốt.
“Đây là thời điểm vô cùng quan trọng để đổi mới – một cuộc đổi mới toàn diện từ tư duy đến hành động. Nếu Việt Nam muốn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, thì nghị quyết không thể chỉ nằm trên giấy. Với một dân tộc từng là anh hùng trong chiến tranh, thông minh trong thời bình, không lý do gì Việt Nam không thể vươn lên top 15 nền kinh tế mạnh – miễn là chúng ta đủ khát vọng và hành động xứng đáng với hy sinh của cha ông”, ông Minh kết luận.
Kỳ Thư
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/da-den-luc-tra-dn-tu-nhan-ve-dung-vi-tri-ma-ho-xung-dang-duoc-huong/32385161