Cổ phiếu trả cổ tức bằng tiền mặt luôn thu hút giới đầu tư chứng khoán, đặc biệt là các nhà đầu tư mới gia nhập thị trường.
Các cổ phiếu nền tảng tốt, tỷ lệ chi trả cổ tức cao có thể thu hút dòng tiền của giới đầu tư. Ảnh VnFinance.
Theo các chuyên gia, cổ tức là khoản thu nhập cho nhà đầu tư, nhất là trong các giai đoạn thị trường chứng khoán có nhiều biến động. Bên cạnh đó, cổ tức cũng có thể coi là công cụ phòng ngừa lạm phát. Trung bình, cổ phiếu trả cổ tức có xu hướng ít biến động hơn cổ phiếu không trả cổ tức. Đặc biệt, việc sử dụng cổ tức và tiếp tục tái đầu tư có thể giúp nhà đầu tư tận dụng sức mạnh của lãi kép.
Thậm chí, các cổ phiếu nền tảng tốt, tỷ lệ chi trả cổ tức cao còn có thể thu hút dòng tiền của giới đầu tư. Thống kê của Nhadautu.vn cho thấy nhiều cổ phiếu đã tăng điểm tốt sau khi công ty công bố thông tin chi trả cổ tức.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, các cổ đông CTCP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online – mã FOC) đã thống nhất phương án chia cổ tức tiền mặt cho năm 2024 với tỷ lệ 100%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu nhận 10.000 đồng. Với hơn 18,4 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến công ty sẽ cần chi 184 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Ngày 12/5, HĐQT FOC đã công bố ngày chốt danh sách trả cổ tức là 26/5/2025, thời gian thanh toán cổ tức là 27/6/2025.
Thông tin trả cổ tức tiền mặt đã trở thành chất xúc tác tốt, cổ phiếu FOC xét từ phiên 24/4 (tính theo giá tham chiếu) đến phiên 15/5 đã tăng 22,71%.
Tương tự, cổ phiếu FOX của CTCP Viễn thông FPT vào ngày 10/4 đã công bố Nghị quyết HĐQT thông qua việc trả cổ tức năm 2024 đợt 2 bằng tiền mặt với mức 3.000 đồng/CP (tỷ lệ 30%), thời gian chi trả là 6/6/2025; và phát hành hơn 246,2 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%. Giống FOC, cổ phiếu FOX cũng diễn biến tích cực khi tăng 12,59% từ phiên 10/4 đến 13/5.
Một mã khác là VEF của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam chỉ trong 5 phiên giao dịch (từ 8/5 – 13/5) đã tăng 14,29%.
Trong ngày 8/5, HĐQT VEF đã trình ĐHĐCĐ phê duyệt phương án trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/12/2024 với tỷ lệ 135% (mỗi cổ phần phổ thông nhận 13.500 đồng); bên cạnh đó tạm ứng cổ tức từ lợi nhuận sau thuế của quý I/2025 với tỷ lệ 300% (mỗi cổ phần nhận 30.000 đồng). Cả 2 phương án đều là chia cổ tức bằng tiền mặt. Thời gian thực hiện dự kiến trong vòng 6 tháng kể từ ngày kết thúc ĐHĐCĐ thường niên.
Với hơn 166,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính VEF cần chi tổng cộng hơn 7,2 ngàn tỷ đồng cho 2 phương án chia cổ tức trên.
Thống kê cũng cho thấy nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng tốt sau khi công bố thông tin chia cổ tức bằng tiền mặt như D2D (7,79%), LPB (+9,45%), VNM (+1,74%)…
Ngoài ra, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều cổ phiếu giá “trà đá” song trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ rất cao.
Đó là trường hợp CTCP Phục vụ Mai táng Hải Phòng (mã CPH) cho biết 16/5 là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức năm 2024 bằng tiền.Tỷ lệ chi trả cổ tức của CPH là 19,6%, có nghĩa cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.960 đồng. Mức chia cổ tức này gấp nhiều lần so với giá cổ phiếu CPH trên sàn chứng khoán (300 đồng/CP).
Hay như CTCP Vận tải và Chế biến than Đông Bắc (mã VDB) thông báo ngày 12/5 chốt danh sách để chia cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 35,66%. Tương đương cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 3.566 đồng. Con số này cũng cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu trên sàn của VDB là 900 đồng/CP.
Một số doanh nghiệp khác có thị giá thấp song trả tỷ lệ cổ tức cao như CTCP Cơ khí Phổ Yên (mã FBC), CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết (mã PTG)…
Đáng chú ý, các cổ phiếu này đều nằm trong tình trạng mất thanh khoản, không có giao dịch trong thời gian qua do cổ đông cô đặc.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/song-co-phieu-cua-doanh-nghiep-chia-co-tuc-cao/32397342