SAB: Thị phần sụt giảm trong quý I, sẽ tăng ngân sách quảng bá đón mùa cao điểm

 Thị phần của Sabeco đã thu hẹp trong quý I, sau khi đi ngang trong năm 2024. Doanh nghiệp dự kiến tăng nhẹ ngân sách quảng cáo để đón đầu mùa cao điểm tiêu thụ vào mùa hè.

Thị phần đi xuống do biến động mùa vụ

Theo phân tích từ Công ty Chứng khoán Vietcap, doanh thu thuần của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) trong quý I/2024 giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ bia thấp hơn và không còn ghi nhận khoản thuế tiêu thụ đặc biệt từ sản lượng mua của Sabibeco.

Nếu loại trừ các khoản chiết khấu bán hàng, doanh thu gộp của Sabeco được ước tính giảm khoảng 10% so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng bán bia thấp hơn (theo sản lượng bán cho các nhà phân phối).

Ban lãnh đạo Sabeco cho biết thị phần của hãng bị thu hẹp trong quý đầu năm, tuy nhiên đây là hiệu ứng thường xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán khi người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các thương hiệu bia cao cấp để tiêu dùng và biếu tặng.

Thị phần Sabeco thu hẹp trong quý I đầu năm

Một nghiên cứu từ đơn vị khảo sát thị trường độc lập cho thấy thị phần Sabeco (tính theo sản lượng tiêu dùng) thường có xu hướng giảm từ cuối quý IV đến quý I năm sau, phụ thuộc vào thời điểm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, sau khoảng 5–6 tháng, thị phần sẽ dần phục hồi và bắt kịp đối thủ chính. Đáng chú ý, trong năm 2024, khoảng cách này đã được Sabeco rút ngắn chỉ sau 2–3 tháng, và xu hướng tương tự đang được ghi nhận trong quý I/2025.

Tính từ đầu quý đến nay, sản lượng tiêu thụ trực tiếp của Sabeco tăng trưởng ở mức một chữ số cao, dao động khoảng 7–9% so với cùng kỳ.

Vietcap kỳ vọng Sabeco sẽ sớm giành lại thị phần trong thời gian tới nhờ ưu thế về dòng bia phổ thông và kênh tiêu dùng tại nhà, đồng thời cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ hợp nhất Sabibeco và giá nguyên liệu đại mạch quay về mức bình thường từ quý II trở đi.

Trong năm 2024, theo ước tính của Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), thị phần bia của Sabeco duy trì xu hướng đi ngang so với năm 2023, chủ yếu nhờ yếu tố khách quan từ xu hướng chuyển dịch tiêu thụ sang các sản phẩm có giá cả phải chăng của người tiêu dùng giúp làm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ việc cắt giảm hoạt động quảng cáo và bán hàng của doanh nghiệp.

“Trong năm 2024, người tiêu dùng vẫn thận trọng trong chi tiêu, giảm tần suất mua sắm và ưu tiên các sản phẩm có giá cả phù hợp kèm ưu đãi hấp dẫn. Theo thống kê từ AC Nielsen, tại thị trường bia Việt Nam, người tiêu dùng đang dần chuyển dịch sang các sản phẩm ở phân khúc giá mềm. Tỷ trọng bia phổ thông (tính theo giá trị) đã tăng lên mức 59,2% trong 12 tháng liên tiếp tính đến quý II/2024”, chuyên gia từ FPTS cho biết.

Dù kết quả quý I chưa thực sự khả quan, ban lãnh đạo Sabeco vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 ở mức 8% so với thực hiện năm 2024. Doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị các phương án nhằm gia tăng thị phần từ giữa năm, khi điều kiện thị trường được dự báo sẽ thuận lợi hơn.

Tăng đầu tư quảng cáo để giữ thị phần

Theo đánh giá của Vietcap, áp lực cạnh tranh gia tăng khi đối thủ chính của Sabeco đang mở rộng hoạt động tại các thị trường truyền thống vốn là thế mạnh của hãng. Trong quý I/2025, Sabeco dự kiến sẽ tái tung thương hiệu “Lạc Việt” với bao bì mới. Phản hồi ban đầu từ thị trường khá tích cực và hãng đã điều chỉnh nhẹ giá bán sản phẩm này.

FPTS cũng nhận định cạnh tranh trong ngành bia đang ngày càng gay gắt khi các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh hoạt động quảng cáo và khuyến mãi nhằm giành thị phần. Heineken, chẳng hạn, đã gia tăng tổ chức các sự kiện quảng bá thường niên với quy mô lớn hơn và mở rộng sang nhiều địa phương mới.

Tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu thuần của Habeco trong năm 2024 tăng 1,3 điểm phần trăm so với năm trước, lên mức 16,7%. Trong đó, riêng chi phí cho quảng cáo, khuyến mãi và hỗ trợ bán hàng tăng 1,1 điểm phần trăm. Carlsberg cũng đẩy mạnh khuyến mãi với số lượng chương trình trong năm 2024 gấp ba lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Sabeco đã thực hiện chính sách cắt giảm chi tiêu cho các hoạt động quảng cáo và bán hàng khi tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh của hãng giảm 2 điểm phần trăm xuống còn 12,7%, trong đó chi phí quảng cáo và khuyến mãi giảm 1,4 điểm phần trăm.

“Trong bối cảnh các đối thủ tăng cường đầu tư vào quảng cáo và bán hàng, việc cắt giảm chi phí của Sabeco có thể dẫn đến rủi ro làm suy giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó tác động tiêu cực đến thị phần của Sabeco. Tuy nhiên, nhờ vào xu hướng tiêu dùng dịch chuyển sang phân khúc phổ thông – chiếm khoảng 98% danh mục sản phẩm của SAB – phần nào giúp làm giảm tác động tiêu cực từ việc giảm chi tiêu quảng bá. Nhờ đó, thị phần của doanh nghiệp đã thoát đà giảm và duy trì ở mức ổn định so với năm 2023,” đại diện FPTS nhận định.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư gần đây, ban lãnh đạo Sabeco cam kết chi tiêu A&P (quảng cáo và khuyến mãi) một cách hiệu quả nhưng vẫn duy trì sự linh hoạt để giữ tính cạnh tranh. Trong bối cảnh tiêu thụ bia thấp điểm hiện nay, các hoạt động A&P trên toàn thị trường nhìn chung khá hạn chế. Sabeco dự kiến sẽ tăng nhẹ chi tiêu A&P từ giữa năm để đón đầu mùa cao điểm tiêu thụ mùa hè.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/sab-thi-phan-sut-giam-trong-quy-i-se-tang-ngan-sach-quang-ba-don-mua-cao-diem/32409778

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *