Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
Chiều 14/5, trong khuôn khổ phiên họp thứ 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm đã trình bày tóm tắt tờ trình, nhấn mạnh việc thể chế hóa kịp thời và đầy đủ các chủ trương, quan điểm, cơ chế, chính sách theo tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đây là những định hướng có tính chất đột phá nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời có khả năng triển khai, áp dụng và phát huy hiệu quả ngay trong thực tiễn.
Dự thảo quy định các cơ chế, chính sách đặc biệt để huy động và đa dạng hóa nguồn lực, giải phóng nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, từ đó đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tới.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: Gia Hân
Một nội dung quan trọng trong dự thảo là nhóm nguyên tắc liên quan đến hoạt động thanh tra, kiểm tra, cấp phép, chứng nhận đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.
Các quy định này nhằm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, đồng thời chuyển mạnh từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cụ thể, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh sẽ không bị thanh tra, kiểm tra quá một lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Những hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm. Dự thảo cũng ưu tiên hình thức thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên dữ liệu điện tử, hạn chế kiểm tra trực tiếp.
recommended by
Doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật sẽ được miễn kiểm tra thực tế. Hoạt động quản lý điều kiện kinh doanh cũng sẽ chuyển dần từ cấp phép, chứng nhận sang hình thức công bố và hậu kiểm, ngoại trừ một số lĩnh vực đặc thù vẫn buộc phải cấp phép theo luật và thông lệ quốc tế.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra nguyên tắc phân định rõ ràng giữa trách nhiệm của pháp nhân và cá nhân; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính và dân sự; đồng thời phân biệt giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.
Đối với các vụ việc vi phạm mang tính chất dân sự, kinh tế, hành chính sẽ ưu tiên áp dụng biện pháp xử lý dân sự, kinh tế trước. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân vi phạm sẽ được tạo điều kiện để chủ động khắc phục hậu quả. Trường hợp thực tiễn cho thấy có thể không cần xử lý hình sự thì không áp dụng biện pháp hình sự.
Đối với những hành vi vi phạm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, việc khắc phục hậu quả về kinh tế một cách chủ động, kịp thời và toàn diện sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và quyết định hình thức xử lý phù hợp.
Dự thảo cũng nhấn mạnh: không được áp dụng hồi tố pháp luật theo hướng bất lợi đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoặc cá nhân kinh doanh.
Trường hợp các vụ việc chưa đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ rõ ràng thì cần kết luận sớm theo quy định pháp luật về tố tụng và công bố công khai kết luận này.
Việc điều tra, truy tố, xét xử phải tuân thủ đầy đủ nguyên tắc suy đoán vô tội, đúng thẩm quyền và đúng trình tự, thủ tục pháp luật.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/de-xuat-thanh-kiem-tra-doanh-nghiep-ho-kinh-doanh-khong-qua-1-lannam/32415019