Quãng trầm của một doanh nghiệp từng được săn đón vì ngành nghề hiếm

Từng được mệnh danh là “gà đẻ trứng vàng” nhờ khả năng tạo ra dòng cổ tức đều đặn cùng lợi nhuận lớn, Công ty CP Chiếu xạ An Phú (UPCoM: APC) giờ đây lại đang loay hoay tìm hướng thoát khỏi chuỗi thua lỗ kéo dài sang năm thứ năm liên tiếp.

3.jpg
Giai đoạn 2016 – 2020 là thời kỳ huy hoàng của APC

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, doanh thu thuần của Chiếu xạ An Phú đạt 25,9 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng bán, lãi gộp chỉ còn 3 tỷ đồng – tức giảm tới 62%. Trong khi đó, các loại chi phí vận hành vẫn duy trì ở mức cao, gồm: chi phí tài chính gần 3,9 tỷ đồng, bán hàng gần 1 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên đến 6,1 tỷ đồng.

Kết quả, công ty lỗ sau thuế 7,9 tỷ đồng trong quý I/2025, tiếp tục nới rộng mức lỗ so với khoản lỗ 5,1 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quý thua lỗ thứ năm liên tiếp kể từ năm 2021, đánh dấu một chuỗi dài suy giảm chưa có dấu hiệu dừng lại. Dù vậy, theo báo cáo, công ty vẫn đang có khoản lãi lũy kế trị giá 232 tỷ đồng, như một phần ký ức còn sót lại của thời hoàng kim.

3.png
Kết quả kinh doanh của APC các năm gần đây

Hậu quả của chuỗi kết quả kinh doanh tiêu cực là việc APC bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 29/4/2024. Kể từ ngày 15/5/2024, cổ phiếu này được chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM – nơi tập trung nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc có yếu tố rủi ro tài chính.

Sự chuyển sàn này đánh dấu bước lùi đáng kể cho một doanh nghiệp từng giữ vị thế hàng đầu trong ngành chiếu xạ – lĩnh vực xử lý hàng hóa xuất khẩu như thủy sản, trái cây bằng bức xạ ion hóa để đảm bảo vệ sinh và kéo dài thời gian bảo quản.

Vì sao “con gà vàng” một thời sa sút?

Giai đoạn 2016 – 2020 là thời kỳ huy hoàng của APC. Lợi nhuận sau thuế mỗi năm đều trên 40 tỷ đồng, có năm đạt tới 74 tỷ đồng. Thậm chí năm 2018, doanh thu công ty lên tới 166 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử. Thời điểm đó, biên lãi gộp của công ty ở mức rất cao, khoảng 73%. Nhưng kể từ năm 2021, đường cong kinh doanh bắt đầu đi xuống. Đến năm 2023, doanh thu chỉ còn 118 tỷ đồng – mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Nguyên nhân chính, theo bà Võ Thùy Dương – CEO đời 9x đã gắn bó với APC hơn 10 năm qua lý giải là do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu thủy sản hậu Covid-19. Cùng với đó là sự suy giảm tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu lớn và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành. Các đối thủ không chỉ mở rộng dây chuyền mà còn dùng chiến lược khuyến mãi, giảm phí dịch vụ chiếu xạ để giành giật thị phần.

Trong khi đó, dự án Nhà máy chiếu xạ tại Bắc Ninh – từng được kỳ vọng là đòn bẩy tăng trưởng mới của APC – vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ ràng sau nhiều năm đi vào vận hành.

Chiếu xạ An Phú từng là một trong những công ty đầu tiên trong ngành đưa cổ phiếu lên sàn và cũng là doanh nghiệp hiếm hoi hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực chiếu xạ. Chính điều này từng mang lại lợi thế lớn về thị phần và khả năng định giá dịch vụ. Nhưng bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác.

Thị trường giờ đây có nhiều người chơi mới, năng lực đáp ứng dịch vụ tăng mạnh, và khách hàng có nhiều lựa chọn hơn. Do đó, chỉ mở rộng công suất hay giữ giá không còn là chiến lược hiệu quả.

Để thoát khỏi giai đoạn “chìm”, có lẽ Ban lãnh đạo APC cần xây dựng lại định vị chiến lược toàn diện – không chỉ ở khía cạnh kỹ thuật mà còn ở quản trị, chuyển đổi số và đặc biệt là mô hình tiếp cận thị trường mới, với các ngành hàng tiềm năng như y tế, nông nghiệp sạch, logistics chuỗi lạnh…

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/quang-tram-cua-mot-doanh-nghiep-tung-duoc-san-don-vi-nganh-nghe-hiem-1378735.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *