Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) đang bước vào một giai đoạn tài chính đầy thử thách khi nhiều khoản phải thu từ các công ty thuộc hệ sinh thái Novaland đã chuyển thành nợ xấu với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính mới nhất của SMC cho thấy, hàng loạt khoản công nợ kéo dài từ một đến dưới ba năm đang gây áp lực lớn lên dòng tiền và hiệu quả kinh doanh của công ty. Đáng chú ý, phần lớn những khoản nợ khó đòi này có liên quan đến các pháp nhân thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn Novaland (mã: NVL).
Trong danh sách các đối tượng nợ quá hạn, Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận dẫn đầu với số nợ 440,7 tỷ đồng. Các khoản lớn khác bao gồm: BĐS Đà Lạt Valley 169,2 tỷ đồng, The Forest City 131,5 tỷ, Thành phố AQUA 113,6 tỷ và nhiều công ty khác như Ngân Hiệp, Tường Minh, Thái Bình, Long Hưng Phát, Hoàn Vũ… với số nợ dao động từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng. Tổng cộng, SMC đang “gánh” hơn 1.000 tỷ đồng nợ khó đòi từ nhóm Novaland.
Đối mặt với những khó khăn về thanh khoản, SMC mới đây đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho tối đa 20 nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Nếu thành công, công ty sẽ huy động được tối đa 730 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ từ 737 tỷ đồng lên gần 1.467 tỷ đồng – tương đương mức tăng hơn 99%.
Khoản tiền này sẽ được dùng để trả nợ vay ngân hàng, thanh toán nợ nhà cung cấp và bổ sung vốn lưu động, góp phần ổn định dòng tiền trong bối cảnh hàng nghìn tỷ đồng đang bị “đóng băng” dưới dạng công nợ khó thu hồi. Các cổ phiếu phát hành mới sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.
Tuy nhiên, bức tranh tài chính hiện tại của SMC vẫn còn nhiều điểm tối. Tính đến cuối năm 2024, công ty đang ghi nhận khoản lỗ lũy kế 140 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 508 tỷ đồng, trong khi nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 623 tỷ đồng.
Bước sang năm 2025, SMC đặt mục tiêu doanh thu 9.500 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 30 tỷ đồng – mức tăng trưởng ấn tượng 148% so với con số khiêm tốn của năm 2024.
Sản lượng tiêu thụ thép ước tính đạt 620.000 tấn, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Để đạt được các chỉ tiêu trên, doanh nghiệp khẳng định sẽ áp dụng các giải pháp điều hành linh hoạt hơn, tăng cường quản lý công nợ, kiểm soát tồn kho và điều chỉnh kế hoạch nhập hàng phù hợp với diễn biến thị trường.
Ban lãnh đạo cũng đề xuất một số nội dung quan trọng trong kỳ đại hội cổ đông tới như bầu bổ sung hai thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2021–2025 (một thành viên độc lập và một thành viên không điều hành). Danh sách ứng viên hiện vẫn chưa được công bố, công ty sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng tuyển đến trước ngày 20/5/2025.
Một nội dung khác cũng được đưa ra lấy ý kiến là việc chuyển trụ sở chính của công ty từ địa chỉ cũ tại số 681 Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TP.HCM) sang trụ sở mới tại số 124–126 Ung Văn Khiêm, cùng phường, sau khi địa điểm cũ đã được bán.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/chu-no-cua-novaland-roi-vao-the-kho-tim-loi-giai-bang-cach-nay-1378748.html