Công ty cổ phần Dược phẩm An Khang Pharma, doanh nghiệp sở hữu vận hành chuỗi bán lẻ dược phẩm An Khang, lỗ hơn 1.000 tỉ đồng tính từ năm 2020 đến cuối tháng 3-2025.
Bên ngoài cửa hàng thuốc An Khang tại quận 6, TP.HCM – Ảnh: AN KHANG
Dược phẩm An Khang Pharma là công ty con của Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 1-2025, Thế Giới Di Động ghi nhận khoản lỗ hơn 31 tỉ đồng từ An Khang Pharma trong ba tháng đầu năm nay, nâng tổng lỗ lên hơn 1.000 tỉ đồng giai đoạn từ năm 2020 đến cuối quý 1-2025.
Từng có 500 cửa hàng thuốc An Khang
Cụ thể, khoản lỗ của doanh nghiệp này tăng dần đều qua các năm, từ 6,4 tỉ đồng năm 2020 lên hơn 306 tỉ đồng năm 2022. Trong ba năm gần nhất, doanh nghiệp này lỗ mỗi năm hơn 300 tỉ đồng.
Tiền thân của nhà thuốc An Khang là Phúc An Khang, thành lập từ năm 2006. Thế Giới Di Động mua hệ thống này từ cuối năm 2017, khi muốn mở rộng lĩnh vực kinh doanh bên cạnh mảng truyền thống là bán lẻ điện thoại, điện máy.
Sau đó An Khang trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong năm 2021-2022, khi số lượng cửa hàng tăng gấp ba lần, lên 500 địa điểm vào cuối năm 2022.
Tuy nhiên sang năm 2023, chuỗi bán lẻ dược phẩm này chững lại, chỉ mở thêm 27 cửa hàng. Đến cuối năm ngoái, số lượng nhà thuốc An Khang giảm mạnh, xuống còn 326 địa điểm khi phải đóng các điểm bán không hiệu quả.
Về doanh thu, chuỗi nhà thuốc này ghi nhận hơn 1.500 tỉ đồng trong năm 2022 và tăng lên gần 2.300 tỉ đồng vào cuối năm ngoái.
Ba tháng đầu năm nay, An Khang mang về 515 tỉ đồng doanh thu và đang hướng đến mục tiêu đạt điểm hòa vốn.
“Chúng tôi đã tìm ra công thức hòa vốn và có lãi trong năm nay. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi thời điểm phù hợp”, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên hội đồng quản trị Thế Giới Di Động, nói tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 vào cuối tháng 4.
Ông cho biết doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc An Khang đạt trên 500 triệu đồng, trong đó một số cửa hàng ghi nhận doanh thu từ 700 triệu đến hơn 1 tỉ đồng mỗi tháng.
Cũng tại đại hội, cổ đông bày tỏ thắc mắc vì sao An Khang chưa triển khai dịch vụ tiêm chủng giống các đối thủ trong ngành? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tài, chủ tịch hội đồng quản trị, nói An Khang sẽ không phát triển mảng tiêm chủng, mà ưu tiên tập trung vào bán thuốc.
Tiếp tục giải thể 4 công ty
Không riêng An Khang, một số khoản đầu tư vào các ngành khác của Thế Giới Di Động cũng đang được đánh giá lại hiệu quả, thông qua việc ngừng hoạt động.
Năm 2018, tập đoàn này hoàn tất 2 dự án M&A với chuỗi điện máy Trần Anh và chuỗi nhà thuốc An Khang. Tuy nhiên, đến nay Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh đã nằm trong danh sách bốn công ty mà Thế Giới Di Động đang làm thủ tục giải thể.
Ba cái tên còn lại gồm MWG Cambodia (bán hàng điện tử), Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín (kho vận) và Công ty cổ phần 4K Farm (trồng, chế biến nông sản).
Trong số này, Toàn Tín và 4K Farm từng được ban lãnh đạo kỳ vọng không chỉ trở thành mảng kinh doanh hiệu quả mà còn giải quyết được vấn đề đang tồn tại trong ngành.
Cụ thể, Toàn Tín hoạt động trong lĩnh vực logistics, cung cấp dịch vụ kho bãi và vận chuyển hàng hóa cho các chuỗi bán lẻ của tập đoàn. Khi thành lập công ty này, chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài từng nhận định hoạt động logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả, “chứ chưa có ai làm được ra hồn”.
Với 4K Farm, doanh nghiệp phát triển mô hình trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ theo tiêu chuẩn “4 không”: không thuốc trừ sâu, không chất tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gene. Mục tiêu của dự án là hợp tác cùng nông dân và bao tiêu đầu ra.
Ông Tài từng gọi đây là “ước mơ” của mình, với kỳ vọng rằng khi Bách Hóa Xanh (chuỗi bán lẻ thực phẩm – PV) đủ lớn, tập đoàn có thể quay lại tác động đến người nông dân, giúp họ tiếp cận các phương thức trồng trọt an toàn, đúng đắn và bền vững. Tuy nhiên, những ước mơ này đến nay vẫn còn dang dở.
Ngày 13-5, hội đồng quản trị Thế Giới Di Động thông qua chủ trương phát hành quyền chọn mua cổ phần có điều kiện tại công ty con là Công ty cổ phần Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh, dành cho đội ngũ quản lý chủ chốt.
Về nhân sự cấp cao, ông Nguyễn Đức Tài sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch nhiệm kỳ 2025-2028, trong khi đó ông Đào Thế Vinh, tổng giám đốc Golden Gate, đã từ nhiệm vị trí thành viên ủy ban kiểm toán.
HỒNG PHÚC
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/mwg-chuoi-nha-thuoc-an-khang-lo-hon-1000-ti-dong-trong-hon-5-nam-qua/32439847