Tháng 3 năm nay, Tập đoàn SCG của Thái Lan gửi kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành về dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn với vốn đầu tư hơn 5 tỷ USD. SCG đề nghị tăng thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với các mặt hàng nhựa polypropylene (PP) và polyethylene (PE) lên 10% .
Các sản phẩm này là nguyên liệu cơ bản cho nhiều ngành công nghiệp khác như đóng gói bao bì, sản xuất nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng ô tô và nhiều lĩnh vực khác.
Theo SCG, việc này nhằm bảo vệ ngành hóa dầu còn non trẻ của Việt Nam và đảm bảo tính bền vững lâu dài bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài.
Trong văn bản xin ý kiến thẩm định dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 26/2023/ND-CP về thuế xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết mức thuế với hạt nhựa PP và PE là 0-3% và mức thuế trần cam kết WTO là 6-6,5%.
Các mặt hàng nhựa PP có kim ngạch nhập khẩu năm 2024 là 1,5 tỷ USD. Phần chịu thuế MFN là 451 triệu USD, chiếm 30% tổng nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả-rập Xê-út.
Các mặt hàng nhựa PE có kim ngạch nhập khẩu năm 2024 là 2 tỷ USD. Phần chịu thuế MFN là 1,7 tỷ USD chiếm 86% tổng nhập khẩu. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Ả-rập Xê-út.
Về đề xuất của SCG, Bộ Tài chính trình Chính phủ tăng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đối với hạt nhựa PP và PE từ 0% lên 2% . Số thu ngân sách nhà nước có thể tăng 924,6 tỷ đồng theo phương án này.
Tuy nhiên, bộ cũng cho biết phương án này đã từng được xin ý kiến vào năm 2023 và không nhận được sự đồng thuận từ Bộ Công Thương (cơ quan quản lý chuyên ngành), Hiệp hội Nhựa, và các cơ quan khác do năng lực sản xuất hạt nhựa PP và PE trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
SCG làm ăn thế nào tại thị trường Việt Nam?
Trong báo cáo tổng kết quý I năm nay, SCG cho biết doanh thu đạt 124,4 tỷ baht, tăng 0,1% so với cùng kỳ nhưng giảm 5% so với quý 4/2025.
Doanh thu toàn cầu của SCG (đơn vị: triệu baht).
SCG cho biết sân nhà Thái Lan là nguồn thu lớn nhất của mình với 70,1 tỷ baht, chiếm 56% tổng. Đứng thứ hai là Việt Nam với 8%, tương ứng khoảng 9,95 tỷ baht (hơn 6.800 tỷ đồng). Một số thị trường lớn khác là Indonesia với 7%, Trung Quốc 4%, Campuchia 2%.
SCG đạt lợi nhuận sau thuế là 1,1 tỷ baht ở quy mô toàn cầu, nhưng cũng cho biết nếu không tính kết quả từ tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP), con số này sẽ tăng lên 4 tỷ baht. Tức là LSP “làm mất” lãi khoảng 2.000 tỷ đồng .
Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn có tổng công suất thiết kế 1,4 triệu tấn hạt nhựa mỗi năm, cùng nhiều sản phẩm nhựa khác. Ở công suất tối đa, tổ hợp này dự kiến mang lại doanh thu 1,5 tỷ USD/năm và đóng góp khoảng 150 triệu USD vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên, Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn vừa đi vào vận hành ngày 30/9/2024 đã phải tạm dừng hoạt động chỉ sau 15 ngày do khó khăn chung của thị trường. LSP cho biết sẽ đưa dự án lọc dầu này hoạt động trở lại nếu biên lợi nhuận cải thiện.
Đối mặt với khó khăn và đặt quyết tâm “lôi ngược dòng” tại nhà máy LSP, hồi tháng 2/2025, SCG đã công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD để cải tạo nhà máy, sử dụng ethane làm nguyên liệu mới, đồng thời hoặc thay thế naphtha và propane.
Dự kiến dự án sẽ được xây dựng trong 2,5 năm, hoàn thành cuối 2027.
Nguồn: https://cafef.vn/dai-gia-thai-lan-de-xuat-tang-thue-nhap-khau-hat-nhua-de-bao-ve-nganh-hoa-dau-viet-nam-bo-tai-chinh-da-co-y-kien-188250516085241365.chn