ABS Research: Triển vọng trung hạn chưa hoàn toàn rõ ràng
Trong báo cáo chiến lược tháng 5, Trung tâm Phân tích CTCK An Bình (ABS Research) nhận định đây là giai đoạn thị trường và bối cảnh thông tin kinh tế chưa nhiều tích cực, thị trường đang hồi phục tích cực ở ngắn hạn, trong khi trung hạn chưa hoàn toàn rõ ràng.
Về tình hình vĩ mô, ABS Research chỉ ra rằng lợi suất Trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao sau khi có tin thuế đối ứng khiến vấn đề điều hành tỷ giá VND/USD càng thêm khó khăn khi lãi suất tại Mỹ cao hơn lãi suất tương ứng tại Việt Nam, ảnh hưởng dòng chảy của dòng vốn quốc tế từ Việt Nam quay trở lại Mỹ. Ngoài ra việc Việt Nam phải tăng cường mua vào USD nhằm đáp ứng cho nhu cầu tương lai tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để cải thiện cân bằng thương mại với nước này cũng gây thêm sức ép lên tỷ giá. Giá vàng cũng tăng mạnh vì ngoài yếu tố giá vàng thế giới tăng, còn được cộng hưởng với tỷ giá VND/USD tăng. Những điều này bất lợi cho dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
Trong bối cảnh khó khăn này, Việt Nam có nhiều chính sách huy động và củng cố nội lực, thông qua các chính sách đầu tư công, nới lỏng tín dụng, cải cách thể chế, ưu tiên tập trung phát triển khoa học công nghệ (Nghị quyết 57), ưu tiên tập trung phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 68), các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, phí…), tiêu dùng (tiếp tục giảm thuế VAT), mở rộng an sinh xã hội…
Yếu tố được coi là tích cực là Fed mới đây đã thực hiện việc đấu thầu trực tiếp mua vào Trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm với hơn 14 tỷ USD, khiến thị trường kỳ vọng vào việc Fed sẽ sớm chấm dứt việc Thu hẹp tiền tệ (QT). Nếu hành động này diễn ra ổn định trong thời gian 3 – 6 tháng tiếp theo, có thể coi đây là điểm đảo chiều chính sách của Fed. Ngoài ra, thời điểm Fed được dự báo sẽ tiếp tục thực hiện cắt giảm lãi suất là trong kỳ hợp tháng 6 hoặc tháng 7 tới (và sau đó sẽ là 2 lần cắt giảm nữa trong tháng 10 và tháng 12 năm 2025), giúp giảm nhẹ áp lực về tỷ giá, tiền tệ cho kinh tế thế giới.
ABS Research đánh giá thời gian 2-3 tháng tới là thời điểm sẽ xuất hiện các diễn biến vĩ mô quan trọng, mang ý nghĩa bước ngoặt về kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là kết quả thỏa thuận thương mại Việt Nam – Mỹ. Theo đó, có thể xuất hiện các cơ hội lớn trên thị trường chứng khoán, nơi thường phản ứng trước các thông tin kinh tế đưa ra.
Về mặt định giá, với sự hồi phục trong tháng 4 và đầu tháng 5, P/E của VN-Index cho 4 quý gần nhất đã tăng từ mức 10.86x tại ngày 09/04/2025 lên 12.12 tại ngày 09/05/2025, thấp hơn mức trung bình 3 năm ở mức 13.13x.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 10.89x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (15.06x) và VNSML (13.41x). Các mức P/E này đều thấp hơn mức trung bình 3 năm qua, cho thấy mức định giá hiện tại vẫn còn khá hấp dẫn. Riêng chỉ số VN30 đang có P/E chỉ cao hơn một chút so với mức -2 lần độ lệch chuẩn trung bình 3 năm ở mức 10.51x.
Nhận định về thị trường chứng khoán tháng 5, ABS Research cho rằng đây là giai đoạn thị trường và bối cảnh thông tin kinh tế chưa nhiều tích cực, thị trường đang hồi phục tích cực ở ngắn hạn, trong khi trung hạn chưa hoàn toàn rõ ràng. ABS Research đề xuất 2 kịch bản như sau:
Kịch bản 1 với xác suất cao, giai đoạn này khi thuế đối ứng đang được tạm hoãn áp dụng, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ duy trì yếu tố tích cực tăng lên 1,250 – 1,266 – 1,280 điểm. Nếu VN-Index giữ được mốc hỗ trợ 1 tại 1,200 – 1,225 điểm, vị thế của giá nằm trên MA10 ngày, nhà đầu tư có tiếp tục giao dịch mua lên cho tới khi xuất hiện yếu tố đảo chiều ở phía trên của kháng cự. Ngược lại, khi dòng tiền chung của thị trường vẫn đang còn yếu, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng nếu thị trường không giữ được mốc hỗ trợ 1. Như vậy, kịch bản giao dịch của ngắn hạn là trong khung 1,220 – 1,280 điểm. Nhà đầu tư nắm giữ và hành động hạ tỷ trọng nếu cổ phiếu không giữ được trung bình trượt MA5/10 ngày
Trong kịch bản 2 với xác suất thấp, các yếu tố kinh tế – tài chính thế giới tiêu cực diễn ra mạnh hơn, không có nhiều cải thiện đáng kể về triển vọng các thỏa thuận thương mại có thể khiến thị trường mất đi điểm tựa tâm lý, gây ra áp lực giảm tiếp diễn về các vùng hỗ trợ sâu hơn. Áp lực với nhà đầu tư đang giữ hàng sẽ lớn hơn nhiều khi dòng tiền và hàng không còn cân đối. Đây là kịch bản không tốt với thị trường chung, nhưng được đánh giá là cơ hội mua đối với nhà đầu tư trung hạn và dài hạn tiếp tục phân bổ vốn mua khi thị trường điều chỉnh, như chúng tôi đã đề cập trong các báo cáo trước đây.
Với dự báo thị trường như trên, ABS Research khuyến nghị nhà đầu tư ưa mạo hiểm nên áp dụng chiến lược lướt sóng từng nhịp H1 của cổ phiếu, với phương pháp mua muộn – bán sớm theo biên độ ngắn hạn của kịch bản 1. Nhà đầu tư có thể mua đối với cổ phiếu đầu ngành, đầu ngách ngành, có lợi thế doanh nghiệp rõ ràng, đang giữ được xu hướng tốt và động lượng tăng giá tốt hơn thị trường chung. Trong tháng 5 này, ABS Research đề xuất giải ngân đầu tư trong các nhóm ngành xuất khẩu, cảng biển, ngân hàng, phân bón, bán lẻ, bất động sản dân cư, dầu khí, công nghệ, khoáng sản…
– 09:37 16/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/abs-research-trien-vong-trung-han-chua-hoan-toan-ro-rang-145-1309183.htm