Hóa chất Đức Giang và bài kiểm tra sức bền kép

Giá điện tăng: bài toán chi phí trực tiếp

Được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu khu vực châu Á trong sản xuất và xuất khẩu phốt pho vàng (P4), Công ty CP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) giờ đây đang phải đứng trước loạt thách thức mang tính hệ thống. Việc giá điện chính thức tăng từ ngày 10/5/2025, cùng với đề xuất nâng thuế xuất khẩu P4 từ 5% lên 15% đang khiến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp bị đặt dưới áp lực tái định hình.

p4.jpg
Hóa chất Đức Giang đặc biệt nhạy cảm với biến động giá điện

Với sản lượng tiêu thụ điện lên tới 992 triệu kWh trong năm 2024 – cao nhất trong nhóm doanh nghiệp niêm yết – Hóa chất Đức Giang đặc biệt nhạy cảm với biến động giá điện. Việc EVN điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,8%, đưa mức giá lên hơn 2.200 đồng/kWh, được dự báo khiến chi phí sản xuất của DGC đội lên khoảng 50 USD mỗi tấn sản phẩm phốt pho công nghiệp.

Trong cơ cấu chi phí sản xuất của DGC, điện chiếm tới 30%, đặc biệt trong mảng phốt pho công nghiệp – vốn là mảng đóng góp hơn một nửa doanh thu hằng năm. Việc gia tăng chi phí điện không chỉ gây sức ép lên biên lợi nhuận mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì lợi thế giá trong xuất khẩu.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, công ty vẫn có thể chuyển một phần chi phí gia tăng sang khách hàng, nhờ vị thế là nhà cung cấp hiếm hoi đạt độ tinh khiết cao về P4. Các thị trường xuất khẩu chủ lực của DGC như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc) đều có mức độ phụ thuộc lớn vào chất lượng và ổn định nguồn cung – đây là điểm tựa tạm thời giúp doanh nghiệp giữ giá bán ở mức đủ bù đắp chi phí.

Thuế xuất khẩu tăng: áp lực lâu dài

Trong bản dự thảo sửa đổi Nghị định 26, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế xuất khẩu P4 từ 5% lên 15%, với mục tiêu bảo vệ tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy công nghiệp chế biến sâu trong nước. Đây là thay đổi có tính chất chiến lược với ngành hóa chất và sẽ gây ra tác động đáng kể đối với DGC – doanh nghiệp xuất khẩu gần 1/3 tổng sản lượng P4 toàn cầu.

Theo ước tính của Chứng khoán Vietcap, nếu mức thuế 15% được áp dụng, lợi nhuận sau thuế của DGC trong giai đoạn 2025–2028 có thể giảm khoảng 9%. Mức sụt giảm này không tạo ra cú sốc ngay lập tức, nhưng đủ lớn để đặt ra yêu cầu tái cơ cấu danh mục sản phẩm và thị trường của doanh nghiệp.

Dù doanh nghiệp đang tích cực kiến nghị giữ nguyên mức thuế 5% và vẫn còn khả năng Bộ Tài chính sẽ cân nhắc điều chỉnh thấp hơn, nhưng viễn cảnh bị siết thuế không thể xem nhẹ. Điểm thuận lợi là DGC đang chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến sâu từ P4 như axit photphoric nhiệt (TPA) – loại hàng hóa có giá trị cao hơn và ít chịu tác động từ thuế nguyên liệu thô.

Dù vậy, tiến trình chuyển đổi này đòi hỏi đầu tư lớn, công nghệ cao và thời gian dài để mở rộng công suất, chuẩn hóa chuỗi cung ứng và chinh phục thị trường tiêu thụ mới. Việc cân bằng giữa áp lực tài chính ngắn hạn và mục tiêu tái cấu trúc lâu dài là bài toán không đơn giản.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/hoa-chat-duc-giang-va-bai-kiem-tra-suc-ben-kep-1378985.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *