Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam, đâu là cái tên tiềm năng?

Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam, đâu là cái tên tiềm năng?

Trong bối cảnh toàn cầu biến động, CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) nổi lên như “bến đỗ” phòng thủ nhờ mô hình tiêu dùng – bán lẻ thiết yếu, vững vàng trước mọi biến động kinh tế. Với hệ sinh thái tích hợp trải dài từ FMCG, thực phẩm, bán lẻ, thịt có thương hiệu đến F&B, doanh nghiệp kỳ vọng thu hút mạnh mẽ sự quan tâm từ các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam

Từ đầu năm 2025, thế giới tiếp tục đối mặt với những cơn sóng lớn như thuế đối ứng từ Mỹ, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, lạm phát dai dẳng và tăng trưởng chậm lại tại nhiều nền kinh tế lớn. Những biến động này khiến dòng vốn toàn cầu chuyển dịch rõ rệt, ưu tiên các tài sản phòng thủ có khả năng tạo dòng tiền ổn định, ít chịu tác động bởi chu kỳ xuất khẩu hay tỷ giá. Trong bối cảnh này, Việt Nam nổi lên như một điểm sáng, thu hút dòng vốn ngoại.

Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính), tính đến ngày 30/04/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 13.8 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là thỏi nam châm hút vốn đăng ký mới với gần 3.4 tỷ USD (chiếm 61%), theo sau là hoạt động kinh doanh bất động sản với hơn 1.5 tỷ USD (chiếm 27%).

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chứng kiến sự vào ròng mạnh mẽ của dòng tiền khối ngoại. Sau gần 2 năm bán ròng rã không tiếc tay với giá trị ròng 125 ngàn tỷ đồng, khối ngoại đã chính thức quay trở lại xu hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh dấu bằng phiên mua kỷ lục 2,400 tỷ đồng trong ngày 14/05 vừa qua.

Tại Việt Nam, các lĩnh vực gắn với nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, phục vụ đại đa số người dân như hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm – đồ uống, bán lẻ thực phẩm, thịt có thương hiệu… được kỳ vọng trở thành “bến đỗ” chiến lược cho dòng tiền thông minh. Trong đó, Masan – với chiến lược tập trung vào nội địa, mô hình tích hợp và năng lực điều hành linh hoạt, đang nổi lên như một lựa chọn tiêu biểu.

Hệ sinh thái tiêu dùng thiết yếu vững vàng trong mọi chu kỳ

Bất chấp những bất ổn toàn cầu, Masan đã khẳng định được năng lực chống chịu mạnh mẽ qua từng giai đoạn khủng hoảng. Trong quý 1/2025, doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 18,900 tỷ đồng, tăng 11% (LFL), trong khi EBITDA đạt 4,003 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng này đến từ tất cả các trụ cột kinh doanh chính của Tập đoàn. Masan Consumer – đơn vị sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu – đạt doanh thu 7,489 tỷ đồng, tăng 14% nhờ tăng trưởng ổn định ở các ngành hàng chủ lực. WinCommerce – chuỗi bán lẻ hiện đại với hơn 4,000 cửa hàng – ghi nhận doanh thu 8,785 tỷ đồng, tăng 10%, đồng thời duy trì quý thứ ba liên tiếp có lãi, phản ánh hiệu quả vận hành được cải thiện rõ nét. Trong khi đó, Masan MEATLife – mảng thịt có thương hiệu – đạt doanh thu 2,070 tỷ đồng, tăng 20%, nhờ giá heo hơi tăng và sự bứt phá của dòng sản phẩm thịt chế biến.

Điểm đặc biệt của Masan là mô hình tích hợp xuyên suốt từ sản xuất đến phân phối – giúp kiểm soát hiệu quả chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận và phản ứng nhanh với biến động thị trường. Tập đoàn sở hữu các “trụ cột” vận hành ổn định, phục vụ trực tiếp người tiêu dùng mỗi ngày.

Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng, MSN còn sở hữu nhiều yếu tố hấp dẫn dòng vốn ngoại, với FOL (tỷ lệ sở hữu nước ngoài) còn dư địa lớn, tạo không gian cho dòng vốn mới; thanh khoản cao, với vốn hóa thị trường lớn và giao dịch sôi động; tỷ lệ nợ ròng/EBITDA duy trì ở mức lành mạnh 2.9x, phản ánh bảng cân đối kế toán vững vàng; dòng tiền tự do (FCF) tăng 81% so với cùng kỳ, đạt 743 tỷ đồng – cho thấy khả năng tạo dòng tiền thực tốt trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp cắt giảm đầu tư.

Thêm vào đó, việc tập trung vào thị trường nội địa giúp Masan ít chịu ảnh hưởng bởi thuế quan mới từ Mỹ, khi doanh thu từ thị trường này chỉ chiếm chưa tới 1% tại MCH. Đây là lợi thế đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu và FDI có thể gặp áp lực bởi làn sóng thuế quan bảo hộ gia tăng.

Với mô hình tiêu dùng – bán lẻ tích hợp, chiến lược tập trung vào nhu cầu thiết yếu, hiệu quả vận hành vượt trội và dư địa tăng trưởng nội địa lớn, Masan đang khẳng định vị thế là điểm đến an toàn cho dòng vốn dài hạn. Trong khi thế giới còn nhiều biến động, MSN nổi lên như một “bến đỗ” chiến lược trong mắt các nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định và tăng trưởng bền vững.

Minh Tài

FILI

– 10:52 19/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/dong-von-ngoai-do-vao-viet-nam-dau-la-cai-ten-tiem-nang-737-1309765.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *