Công ty TNHH Điện tử Tin học EI tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác công nghệ đáng tin cậy khi mới đây đã trúng gói thầu bảo trì 1.239 máy rút tiền tự động (ATM) của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank; HOSE: CTG) với giá trị hợp đồng gần 177 tỷ đồng. Đây là một trong những gói thầu lớn trong năm 2025 của VietinBank, sử dụng nguồn vốn từ chi phí hoạt động thường xuyên và có thời gian triển khai kéo dài 730 ngày.
Theo biên bản mở thầu ngày 15/4/2025, có hai nhà thầu tham gia gồm Công ty TNHH Điện tử Tin học EI và Công ty CP Ứng dụng Khoa học và Công nghệ MITEC. Với mức giá đề xuất cạnh tranh hơn – đạt 176,96 tỷ đồng so với giá gói thầu là 177,61 tỷ đồng – EI đã vượt qua đối thủ và trở thành đơn vị trúng thầu. Việc tiếp tục được lựa chọn là nhà cung cấp dịch vụ bảo trì ATM cho VietinBank không chỉ mang ý nghĩa tài chính, mà còn khẳng định năng lực kỹ thuật và chất lượng dịch vụ của EI trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng – nơi yêu cầu cao về độ tin cậy và an toàn hệ thống.
EI – Đối tác quen của nhiều ngân hàng lớn
Công ty TNHH Điện tử Tin học EI được thành lập từ năm 1992, có trụ sở tại tòa nhà Kinh Đô, 93 Lò Đúc, Hà Nội. Khởi đầu với lĩnh vực phân phối thiết bị tin học, EI đã định vị thành công vai trò là nhà cung cấp chuyên nghiệp các giải pháp công nghệ thông tin cho khối ngân hàng – tài chính. Thế mạnh của công ty nằm ở mảng máy rút tiền tự động (ATM), các thiết bị ngoại vi đi kèm và hệ thống nguồn điện sạch (UPS) cho các tòa nhà công nghệ cao.
Tính đến nay, EI đã tham gia tổng cộng 267 gói thầu, trong đó trúng 197 gói – một tỷ lệ cao, phản ánh sự tín nhiệm từ phía khách hàng lớn. Riêng năm 2025, công ty đã tham gia 8 gói thầu và trúng 2 gói, trong đó gói của VietinBank là nổi bật nhất.
Trước đó, trong tháng 10/2024, EI cũng đã ký hai hợp đồng bảo trì lớn: gói 913 máy ATM cho VietinBank với giá trị hơn 131 tỷ đồng trong vòng 24 tháng và một gói khác tại BIDV khu vực phía Bắc trị giá gần 48 tỷ đồng. Ngoài ra, trong quý 1/2024, EI tiếp tục mở rộng dấu ấn khi trúng ba gói dịch vụ bảo trì ATM của Vietcombank ở các khu vực miền núi phía Bắc, Trung Trung Bộ và Tây Nguyên, với tổng giá trị xấp xỉ 145 tỷ đồng.
Với việc hàng loạt nhà băng lớn như VietinBank, BIDV và Vietcombank nhiều lần lựa chọn EI cho dịch vụ bảo trì máy ATM cho thấy năng lực đáp ứng của công ty không chỉ nằm ở giá cạnh tranh, mà còn nhờ vào mạng lưới kỹ thuật phủ rộng, khả năng phản ứng nhanh, bảo trì 24/7 và hiểu biết sâu sắc về đặc thù vận hành của hệ thống ATM trong nước.
Kết quả kinh doanh ổn định
Quý 1/2025, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 6.823 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 15.475 tỷ đồng, trong khi hoạt động chứng khoán kinh doanh và các khoản thu khác đóng góp thêm lần lượt 238 tỷ đồng và 2.002 tỷ đồng – gấp nhiều lần cùng kỳ.
Tuy nhiên, chi phí hoạt động của ngân hàng cũng tăng 15%, chủ yếu do chi phí nhân sự, trong khi dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục được trích lập hơn 8.111 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tính đến cuối quý 1 tăng 31% so với đầu năm, đạt gần 28.000 tỷ đồng, nâng tỷ lệ nợ xấu từ 1,24% lên 1,55%. Dù vậy, tổng tài sản của VietinBank vẫn tăng trưởng 4%, đạt gần 2,47 triệu tỷ đồng, với dư nợ cho vay tăng 5% và tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 1%.
Trên thị trường, tính đến ngày 21/5/2025, CTG giao dịch ở mức 39.550 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 6% trong vòng một tháng và tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu tính theo quý, cổ phiếu này đang giảm gần 5%. Về kỹ thuật, các chỉ báo như RSI (58,34), MACD và ADX đều cho tín hiệu tích cực, cho thấy xu hướng tăng vẫn đang được duy trì. Chỉ số P/E ở mức 8,18 – thấp hơn mặt bằng ngành – phản ánh định giá còn hấp dẫn, trong khi EPS đạt hơn 4.800 đồng.
Theo đánh giá của nhiều công ty chứng khoán, CTG hiện được khuyến nghị “mua” với giá mục tiêu từ 45.000–52.000 đồng/cổ phiếu. Diễn biến này phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào nền tảng tài chính ổn định và khả năng sinh lời bền vững của VietinBank, bất chấp áp lực tăng chi phí và tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ. Trong bối cảnh thị trường đang hồi phục, CTG tiếp tục là cổ phiếu đáng chú ý trong ngành ngân hàng.
Mới đây, Vietinbank cũng đã cảnh báo khách hàng về nguy cơ các đối tượng tội phạm công nghệ cao sử dụng thiết bị giả dạng như bàn phím ảo, camera siêu nhỏ hoặc đầu đọc thẻ để đánh cắp thông tin khách hàng và mã PIN.
Để phòng tránh, VietinBank khuyến cáo người dùng cần quan sát kỹ khu vực ATM, kiểm tra các dấu hiệu bất thường trước khi giao dịch. Trong quá trình nhập mã PIN, nên dùng tay che bàn phím, đồng thời thường xuyên thay đổi mã qua ứng dụng iPay. Ngoài ra, bật tính năng thông báo biến động số dư sẽ giúp khách hàng giám sát tài khoản và phản ứng kịp thời trước dấu hiệu lạ.
Nếu nghi ngờ tài khoản bị xâm phạm, người dùng có thể lập tức khóa thẻ tạm thời qua iPay hoặc liên hệ tổng đài 1900 558 868. Trong một số trường hợp, VietinBank sẽ chủ động chuyển trạng thái thẻ sang “VIP” nhằm tăng cường bảo mật; người dùng cần đổi mã PIN mới để tiếp tục sử dụng.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ei-trung-thau-bao-tri-1-239-may-atm-cho-vietinbank-gia-tri-gan-177-ty-dong-1380003.html