Giáo dục đang trở thành một trong những “sân chơi” đầu tư hấp dẫn nhất với giới doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Từ các tập đoàn bất động sản đến các công ty công nghệ, dòng tiền đang dịch chuyển vào lĩnh vực vốn được xem là ít rủi ro và đầy tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Mới đây, Công ty TNHH Giáo dục FPT – thành viên của Tập đoàn FPT – đã đề xuất đầu tư tổ hợp giáo dục trị giá 383 tỷ đồng tại huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Dự án rộng 9,2ha này sẽ gồm các cơ sở đào tạo phổ thông và nghề, phục vụ hơn 6.600 học sinh, sinh viên mỗi năm. FPT cũng đề nghị tỉnh sớm hoàn tất danh mục khu đất đấu thầu và trình Hội đồng nhân dân thông qua chủ trương đầu tư.
Đây là dự án thứ hai của FPT tại Nghệ An chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Trước đó, vào năm 2024, tập đoàn này bắt tay với Tập đoàn Ecopark triển khai Trường Phổ thông Liên cấp FPT tại khu đô thị Eco Central Park, TP Vinh, với quy mô gần 3.000 học sinh. Rõ ràng, chiến lược phát triển giáo dục của FPT đang mở rộng về phía Bắc Trung Bộ, nơi có địa bàn rộng nhất cả nước và nhu cầu đào tạo ngày càng tăng.
Trước đó ít ngày, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) cũng vừa chi 110 tỷ đồng để sở hữu 51,79% cổ phần Trường Đại học Hùng Vương TPHCM. Thương vụ này biến ngôi trường từng trải qua nhiều biến động thành công ty con của KBC. Với số lượng nhân viên chỉ gần 230 người, việc đưa một cơ sở giáo dục đại học vào hệ sinh thái là động thái cho thấy tầm nhìn lâu dài của ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch KBC – về giáo dục như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị và công nghệ.
Câu chuyện các doanh nghiệp đầu tư vào giác dục thực tế không còn mới, các tập đoàn như Nguyễn Hoàng, Văn Lang hay Hutech đã âm thầm gây dựng đế chế giáo dục từ nhiều năm qua.
Tập đoàn Nguyễn Hoàng là cái tên nổi bật nhất với loạt thương vụ mua lại các trường đại học từ năm 2015 đến nay, bao gồm ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu, ĐH Gia Định, ĐH Hoa Sen và ĐH Công nghệ Miền Đông. Ước tính giá trị các thương vụ này lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn Giáo dục Văn Lang – một phần của hệ sinh thái do doanh nhân Nguyễn Cao Trí điều hành – cũng đang sở hữu ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương và nhiều cơ sở giáo dục khác. Còn Hutech, sau khi chi hơn 100 tỷ đồng mua lại ĐH Kinh tế – Tài chính TPHCM, đã mở rộng ảnh hưởng lên hàng chục nghìn sinh viên.
Giữa lúc thị trường tài chính – bất động sản còn nhiều rủi ro, giáo dục nổi lên như một “nơi trú ẩn an toàn” với dòng tiền dài hạn. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023 có ít nhất 9 trường đại học đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, trong đó ĐH FPT dẫn đầu với gần 2.920 tỷ đồng, tăng hơn 125% so với 2021. ĐH Văn Lang và ĐH Bách Khoa Hà Nội lần lượt xếp sau với doanh thu 2.286 và 2.137 tỷ đồng.
Một số trường còn có doanh thu đến từ học phí rất lớn. Ví dụ, ĐH Hoa Sen thu về 870 tỷ đồng mỗi năm, trong đó học phí chiếm 743 tỷ đồng. Với biên lợi nhuận cao, mô hình thu phí ổn định và nhu cầu tăng đều mỗi năm, giáo dục trở thành một trong số ít lĩnh vực tăng trưởng không phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế.
Từ những thương vụ đình đám của Nguyễn Hoàng, Văn Lang cho đến bước đi chiến lược của FPT tại Nghệ An, cuộc đua đầu tư vào giáo dục đang cho thấy tham vọng của các tập đoàn tư nhân trong việc chiếm lĩnh một ngành thiết yếu và cũng đầy tiềm năng. Trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ “dân số vàng” với nhu cầu học tập ngày càng lớn, sở hữu một trường học có thể không chỉ là mục tiêu lợi nhuận, mà còn là cách để các doanh nghiệp xây dựng uy tín, thương hiệu và ảnh hưởng lâu dài.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/vi-sao-nhieu-doanh-nghiep-chi-tien-khung-de-so-huu-truong-hoc-1380269.html