Những ứng viên trên đường đua thị phần môi giới
Đường đua thị phần môi giới chứng khoán chưa bao giờ hết nóng, khắc họa rõ nét qua cuộc đua zero-fee đầy khốc liệt những năm qua. Năm 2025, công ty chứng khoán nào đang đặt mục tiêu bứt phá trên bảng xếp hạng thị phần?
Muôn màu kế hoạch thúc đẩy mảng môi giới, lộ diện nhiều gương mặt tham vọng
Hạt giống nặng ký trong top 10 thị phần môi giới thuộc về Chứng khoán VPS. Những năm gần đây, không khó nhận ra vị trí số 1 luôn thuộc về VPS. Tuy nhiên, sau nhiều năm liên tục nới rộng khoảng cách với các đối thủ, thị phần của VPS đang có chiều hướng giảm.
VPS từng đạt đến đỉnh cao vào năm 2023 với thị phần 19.06% trên HOSE, 25.44% trên HNX và 26.95% trên UPCoM. Nhưng kể từ đó, thị phần của công ty này liên tục sụt giảm trên cả 3 sàn và tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2025 vừa qua đã lùi về 16.94% trên HOSE, 19.09% trên HNX và 21.22% trên UPCoM.
Nguồn: VietstockFinance
|
Nguồn: VietstockFinance
|
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở nhóm xếp sau, nhiều công ty cho thấy rõ tham vọng gia tăng thị phần, hay chí ít là giữ vững vị trí.
Chứng khoán MB (MBS) đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh thị phần môi giới, tối thiểu 6% (phấn đấu 6.5%); trong đó, thị phần kinh doanh số tối thiểu 2% (phấn đấu 2.5%).
Mục tiêu được cho là khá tham vọng, bởi năm gần nhất mà Công ty vượt mức thị phần 6% trên HOSE đã diễn ra vào 2017. Tuy nhiên, Công ty cho thấy các nỗ lực khi thị phần cuối quý 1/2025 trên HNX và UPCoM đồng loạt vượt ngưỡng 6%, lần lượt đạt 6.29% và 6.43%.
Với Chứng khoán Vietcap, dựa trên nền tảng mở rộng vốn đã đạt được trong năm 2024, Công ty định hướng tập trung nguồn lực để tiếp tục đầu tư vào hệ thống công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phát triển mở rộng thị phần môi giới (bao gồm cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức), mục tiêu tiếp tục duy trì vững chắc vị thế top 5 công ty chứng khoán có thị phần môi giới lớn nhất sàn HOSE nói chung và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu thị phần môi giới khách hàng tổ chức nói riêng.
Kết thúc quý 1/2025, Vietcap tạm thời vươn lên vị trí thứ 4 trên bảng xếp hạng HOSE.
Chứng khoán Rồng Việt (VDS) chốt mục tiêu giữ vững thị phần bằng cách nâng cao chất lượng tư vấn, đơn giản hóa quy trình, tăng cường chăm sóc khách hàng và đo lường, đánh giá chất lượng thường xuyên. Hay với Chứng khoán KIS Việt Nam, một chỉ tiêu đáng chú ý cho năm 2025 là giữ vị thế top 9 thị phần môi giới, nỗ lực để đạt vị trí cao hơn.
Ngoài ra, dù không kỳ vọng bước chân vào top 10 thị phần, nhiều công ty cũng đang cho thấy mục tiêu rõ ràng về thị phần.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), mục tiêu thị phần 1.23% đã được thông qua. Con số này được tính toán dựa trên chỉ số về giao dịch 3 sàn – HOSE, HNX, UPCoM và số liệu của PHS.
Đích thân Tổng Giám đốc Chen Chia Ken chia sẻ rằng, trong ngắn hạn, môi giới vẫn là mảng chính của PHS và tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ. Việc ra mắt Mobile App Trading trong năm 2024 là minh chứng, với mã nguồn do chính Công ty làm. Trong tương lai, Công ty sẽ tiếp tục phát triển phần mềm, tính năng của các hệ thống giao dịch mà mã nguồn hoàn toàn thuộc về Công ty, giúp chủ động phát triển sản phẩm chưa có trên thị trường.
Vị CEO cũng cho biết, PHS sẽ phát triển AI để phục vụ không chỉ bộ phận môi giới mà cho cả bộ phận phân tích, tư vấn…
Với Chứng khoán Bảo Minh (BMSC), mục tiêu gia tăng thị phần môi giới cũng được đưa vào các trọng tâm chiến lược của năm 2025.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Tổng Giám đốc Phan Tấn Thư cho biết, hoạt động môi giới hiện nay của BMSC vẫn rất nhỏ bé, thô sơ và thiếu rất nhiều công cụ để có thể mở rộng khách hàng. Nhưng ngược lại, Công ty còn nhiều dư địa tăng trưởng.
Công ty có kế hoạch giảm lãi suất cho vay, xây dựng rổ margin, tập trung vào cổ phiếu VN30…; tìm kiếm, phát triển khách hàng mới, khách hàng tiềm năng, chăm sóc nhóm khách hàng có giao dịch lớn; dự kiến triển khai app giao dịch trong quý 2 để đa dạng hóa kênh giao dịch cho nhà đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Hay như Chứng khoán OCBS đặt mục tiêu lọt vào top 15 thị phần sau khi vừa trải qua quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ.
Vẫn được xác định là trọng tâm, nhưng đứng trước nhiều thử thách vị thế
Môi giới từ lâu đã được biết đến là hoạt động cốt lõi của một công ty chứng khoán; nhưng trong những năm gần đây, bối cảnh đã có nhiều đổi thay.
Hiện nay, cơ cấu doanh thu của một công ty chứng khoán có sự phân bổ từ nhiều mảng, thông dụng nhất là “kiềng 3 chân” với môi giới – margin – tự doanh. Trong những năm gần đây, dường như mảng môi giới đang dần mất đi tính quan trọng, từ việc có đến 41 công ty có mảng môi giới chiếm hơn 25% doanh thu vào năm 2021, con số này liên tục giảm trong những năm sau đó – lần lượt còn 30 công ty trong năm 2022, 21 công ty trong năm 2023, 16 công ty trong năm 2024 và kết thúc quý 1/2025 chỉ còn lại 8 công ty.
Không khó để nhận thấy, làn sóng giảm/miễn phí giao dịch đang đẩy các công ty chứng khoán bước vào đường đua khốc liệt để cạnh tranh thị phần.
Làn sóng zero-fee đang đẩy các công ty chứng khoán bước vào đường đua khốc liệt để cạnh tranh thị phần – Ảnh minh họa
|
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Chứng khoán FPT (FPTS), Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng từng tiết lộ rằng việc mảng môi giới dự báo gặp khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp này đặt kế hoạch thận trọng, mà tác nhân chủ yếu là chính sách zero-fee của các công ty chứng khoán khiến khoản thu từ mảng này giảm đi. Ngoài ra, lãi suất margin giảm cũng ảnh hưởng đến kết quả trong năm 2025.
Vị CEO FPTS nhấn mạnh thêm rằng, tăng trưởng của công ty chứng khoán phải dựa trên phí giao dịch, phí margin, tự doanh và FPTS không nhìn thấy sự tăng trưởng nên vẫn đặt kế hoạch tương tự năm 2024.
Đánh giá về kết quả kinh doanh quý 1/2025 của ngành chứng khoán, ông Nguyễn Việt Đức – Giám đốc Kinh doanh Số VPBankS cho biết, tình hình rất phân hóa. Trong đó, những công ty có thị phần lớn nhất như SSI, TCBS… cơ bản vẫn tăng trưởng đều đặn 8 – 9%, các mảng hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt hơn, lợi nhuận của những công ty liên quan đến ngân hàng tăng mạnh, chẳng hạn như VPBankS, MBS, HDS… Cơ bản, những công ty cho vay được margin, có huy động được hệ thống ngân hàng để bán trái phiếu thì kết quả kinh doanh khá tốt.
Có hai nhóm đạt kết quả khá tiêu cực. Thứ nhất là nhiều công ty quy mô nhỏ thua lỗ, do dựa nhiều vào phí môi giới và cho vay nhà đầu tư cá nhân. Nhưng trong quý 1 vừa qua, mặt bằng chung phí môi giới đã giảm do cạnh tranh khốc liệt, trong khi cho vay nhà đầu tư cá nhân không phục hồi quá nhiều. Do đó, những công ty nhỏ, không có ngân hàng đứng sau rất có thể sẽ tiếp tục gặp khó khăn.
Thứ hai, những công ty phụ thuộc nhiều vào tự doanh cũng bị ảnh hưởng, do nhiều cổ phiếu được “chọn mặt gửi vàng” trước đây mang lại nhiều lợi nhuận thì quý 1 vừa qua lại không khả quan.
Như vậy, dễ thấy mảng môi giới giữ vai trò không nhỏ trong sự phân hóa kết quả kinh doanh giữa các công ty chứng khoán.
– 10:00 23/05/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/nhung-ung-vien-tren-duong-dua-thi-phan-moi-gioi-737-1309739.htm