Doanh nghiệp hóa chất – phân bón lãi đậm, điều gì chờ đợi phía trước?

Doanh nghiệp hóa chất – phân bón lãi đậm, điều gì chờ đợi phía trước?

Quý 1/2025 chứng kiến sự bứt phá của các doanh nghiệp ngành phân bón – hóa chất, với hầu hết các đơn vị trong ngành đều tăng trưởng mạnh.

Trong quý 1, giá các mặt hàng phân bón (ure) và hóa chất (phốt pho vàng, xút…) đều có xu hướng phục hồi hoặc tăng mạnh so với cùng kỳ. Nhờ đó, các doanh nghiệp trong nhóm này đã có một kỳ kinh doanh đầy phấn khởi.

Thống kê từ VietstockFinance, trong số 26 doanh nghiệp nhóm ngành hóa chất – phân bón công bố BCTC quý 1, có 19 đơn vị tăng trưởng lợi nhuận. Chỉ 3 cái tên giảm lãi, và 4 công ty thua lỗ.

Sắc xanh bao phủ kết quả quý 1 của các doanh nghiệp phân bón – hóa chất

Toàn ngành phủ xanh

Trong 4 doanh nghiệp lớn nhất nhóm ngành, có đến 3 cái tên báo lãi tăng. Trong đó, Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) lãi đậm nhất ngành với khoản lợi nhuận 809 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu các sản phẩm chính gồm phân bón các loại, DAP, bột giặt, chất tẩy rửa, phốt pho vàng và acid phosphoric đều tăng tốt. Do giá bán thế giới phục hồi, không ngạc nhiên khi lợi nhuận của ông lớn hóa chất tăng cao.

Ông lớn hóa chất Đức Giang duy trì kết quả kinh doanh tươi sáng suốt nhiều năm

Đạm Cà Mau (hay Phân bón Cà Mau, HOSE: DCM) tăng lãi 19%, lên 411 tỷ đồng, nhờ doanh thu tăng trưởng tích cực (+25%). Phân bón Bình Điền (HOSE: BFC) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng tăng mạnh doanh thu tới 32%, lên hơn 2.55 ngàn tỷ đồng, và báo lãi 93 tỷ đồng, tăng 43%.

Chỉ riêng Đạm Phú Mỹ (HOSE: DPM) giảm lãi ròng về 205 tỷ đồng (-20%). Nhưng thực tế, DPM trong quý 1 đã tăng doanh thu khá mạnh (25%, lên hơn 4.1 ngàn tỷ đồng) và lãi gộp cũng tăng tốt (+8%, lên gần 655 tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân lãi ròng giảm là do những thay đổi trong chính sách bán hàng, dẫn đến ghi nhận tăng chi phí. Bên cạnh đó, giá khí đầu vào cũng tăng so với cùng kỳ, làm tăng tổng chi phí.

Các doanh nghiệp còn lại cũng cho thấy mức tăng ấn tượng, nổi bật là các đơn vị thuộc nhóm Vinachem.

DDV (DAP – Vinachem) có kỳ kinh doanh lãi đậm nhất trong 11 quý, đạt 122 tỷ đồng lợi nhuận ròng, gấp 4.6 lần cùng kỳ; doanh thu cũng tăng tới 49%, lên gần 1.16 ngàn tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tăng sản lượng DAP và giá bán so với cùng kỳ.

Kết quả kinh doanh của DDV

Tương tự, sản lượng tiêu thụ tăng giúp LAS kéo lợi nhuận lên 37%, đạt 72 tỷ đồng, là mức cao nhất trong gần 10 năm qua. CSV cũng tăng doanh thu nhờ tiêu thụ tốt ở các sản phẩm chính (xút, chất tẩy rửa, phốt pho vàng…) và giá bán bình quân cao hơn cùng kỳ, qua đó đạt lợi nhuận 52 tỷ đồng, tăng trưởng 12%; Hóa chất Việt Trì (HNX: HVT) hưởng lợi từ sản lượng và giá bán, đạt lợi nhuận 55 tỷ đồng, tăng 55%; Phân lân Văn Điển (HOSE: VAF) và Phân lân Ninh Bình (HNX: NFC) thậm chí lãi tăng bằng lần, đạt tương ứng 34 và 39 tỷ đồng, lần lượt gấp 3.7 lần và 2.2 lần cùng kỳ.

Riêng Đạm Hà Bắc (UPCoM: DHB) đi lùi 59%, lợi nhuận còn 16 tỷ đồng, dù thực tế lãi gộp gấp gần 6 lần cùng kỳ (145 tỷ đồng). Lý do khiến thành viên Vinachem giảm lãi ròng là vì không còn khoản thu nhập khác tới 142 tỷ đồng do được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) xóa nợ lãi vay như cùng kỳ. Khoản nợ được tái cơ cấu từ dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc – 1 trong 12 dự án bị Chính phủ đánh giá là chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương. Khoản vay trên được hạch toán lãi vay vào bảng cân đối kế toán của DHB từ năm 2015, cũng là thời điểm Doanh nghiệp chứng kiến chuỗi thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, nhờ được chấp thuận tái cơ cấu khoản vay – cụ thể là xóa nợ lãi vay chậm trả, DHB đã có kết quả tốt hơn.

Nhờ được xóa nợ lãi vay, DHB dần có lợi nhuận

Quý 1, nhóm phân bón – hóa chất có 4 đơn vị thua lỗ, nổi bật là ABSVPS chuyển từ lãi sang lỗ. Trong đó, ABS lỗ ròng 1.7 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 3.5 tỷ đồng), với lý do là suy thoái kinh tế, gặp khó trong kinh doanh và phải chia sẻ lợi nhuận cho các đại lý, khách hàng để giữ thị phần.

Đối với VPS, thị trường tiêu thụ giảm sâu do thời tiết làm chậm gieo trồng, dẫn đến hàng tồn (thuốc bảo vệ thực vật) của các đại lý còn nhiều và kéo doanh thu đi xuống. Do vậy, Doanh nghiệp lỗ ròng 6.4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.3 tỷ đồng).

Phân bón còn lực tăng, giá hóa chất có thể giảm

Nhận định về tình hình các quý tiếp theo CTCK Vietcombank (VCBS) cho ý kiến trái chiều về giá bán các loại phân bón và hóa chất.

Về ure, VCBS cho rằng, giá ure trong quý 2 được dự báo tiếp tục xu hướng tăng theo biến động của giá thế giới, cũng như nhu cầu tăng để chuẩn bị vụ hè thu. Bên cạnh đó, việc áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh giá bán phân bón sản xuất trong nước, giúp tăng thêm tính cạnh tranh với mặt hàng phân bón nhập khẩu.

Trong khi đó, các mặt hàng hóa chất cơ bản được dự báo dao động trong vùng giá thấp. Với xút, trong quý 1 đã có diễn biến tăng trong nửa đầu quý (vì tồn kho thấp, nhiều nhà máy dừng hoạt động để bảo trì), sau đó điều chỉnh giảm vào nửa cuối (do nhu cầu tiêu thụ giảm còn tồn kho gia tăng vì đợt tăng giá trước đó).

VCBS dự báo, giá xút sẽ dao động ở mức thấp trong bối cảnh mức giá đang liên tục giảm vào đầu tháng 4 do tồn kho lớn và nhu cầu tiêu thụ Xút từ các ngành hạ nguồn như nhôm và hoá chất ở mức trung bình. Trong ngắn hạn, nếu nhu cầu từ các ngành hạ nguồn không cải thiện đáng kể, giá xút có thể duy trì xu hướng giảm hoặc dao động trong vùng giá thấp. Ngoài ra, theo Goldman Sachs, nhu cầu tiêu thụ nhôm có thể sẽ giảm sau động thái tăng mạnh thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đối với phốt pho vàng, VCBS dự báo đi ngang khi nhu cầu từ thị trường bán dẫn thế giới đang có dấu hiệu chững lại, với doanh thu của các thị trường lớn đang cho thấy xu hướng giảm. Theo Sunsirs, nhu cầu phốt pho vàng từ các ngành công nghiệp hạ nguồn không lớn, do đó giá có thể tiếp tục suy yếu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp hóa chất có lý do để lo ngại khi mới đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế xuất khẩu đối với phốt pho vàng từ 5% lên 15% do lo ngại về môi trường. Nếu thông qua, các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh mặt hàng này sẽ gặp tác động tiêu cực về khả năng cạnh tranh.

Châu An

FILI

– 12:00 23/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/doanh-nghiep-hoa-chat-phan-bon-lai-dam-dieu-gi-cho-doi-phia-truoc-737-1310646.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *