Lợi nhuận doanh nghiệp năm 2025 được kỳ vọng tăng mạnh, nhưng triển vọng không đồng đều giữa các ngành. Bất động sản, bán lẻ và ngân hàng là những điểm sáng, trong khi điện, hóa chất và dầu khí vẫn đối mặt nhiều thách thức.
Theo các chuyên gia của Chứng khoán Agribank (Agriseco), tính đến ngày 20/5/2025, phần lớn các doanh nghiệp niêm yết – chiếm khoảng 87% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường đã công bố kế hoạch kinh doanh năm nay (theo dữ liệu từ FiinPro-X). Trên cơ sở đó, lợi nhuận ròng toàn thị trường năm 2025 được dự báo sẽ tăng 16,47% so với năm ngoái, trong khi doanh thu (không tính nhóm ngân hàng) dự kiến tăng 13,75%. Đáng chú ý, khoảng 3/4 số doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng lợi nhuận, cho thấy kỳ vọng tích cực về đà phục hồi kinh tế và sự khởi sắc trở lại của hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước.
Tuy nhiên, bức tranh kế hoạch lợi nhuận năm nay thể hiện sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành. Trong đó, một số ngành như bất động sản, bán lẻ, dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, ngân hàng, viễn thông và công nghệ thông tin cho thấy lợi nhuận kế hoạch phục hồi mạnh hơn doanh thu. Ngược lại, các nhóm như du lịch và giải trí, hóa chất, dầu khí, điện – nước – xăng dầu khí đốt và bảo hiểm lại thận trọng hơn trong việc đặt mục tiêu kinh doanh.
Đáng chú ý, ngành bất động sản đang ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc khi các doanh nghiệp đầu ngành đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh, nhờ các dự án bước vào giai đoạn bàn giao và thị trường bắt đầu phục hồi về thanh khoản và nguồn cung, đặc biệt tại khu vực phía Nam.
“Các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm mặt bằng lãi suất thấp, động thái tháo gỡ pháp lý từ Chính phủ và nhu cầu nhà ở tăng trở lại. Dù vậy, nhóm khu công nghiệp vẫn đối mặt rủi ro trung hạn nếu xuất hiện rào cản thuế đối ứng từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, áp lực nợ vay và đáo hạn trái phiếu vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản” – các chuyên gia Agriseco cho biết.
Ngành bán lẻ tiếp tục là điểm sáng nhờ sức cầu nội địa cải thiện. Các chính sách hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và tăng lương cơ bản giúp kích cầu tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 4 tháng đầu năm tăng 9,9%, cao hơn cùng kỳ năm trước. Một số doanh nghiệp đặt mục tiêu lợi nhuận tăng mạnh, nhờ mô hình bán lẻ linh hoạt, đa kênh và chiến lược mở rộng chuỗi hiệu quả. Tuy nhiên, nhóm thiết bị công nghệ vẫn có thể phục hồi chậm do ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành ngân hàng được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng ổn định với lợi nhuận tăng trên 15%, dựa trên các yếu tố hỗ trợ như NIM cải thiện, chi phí vốn thấp và chất lượng tài sản được kiểm soát. Động lực tăng trưởng tín dụng đến từ các lĩnh vực ưu tiên như đầu tư công, bất động sản và sản xuất công nghiệp. Nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng khá cao so với năm trước.
Với ngành chứng khoán, kỳ vọng nâng hạng thị trường và Hệ thống KRX đi vào vận hành là động lực chính, bên cạnh mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục hỗ trợ dòng tiền dịch chuyển vào cổ phiếu. “Các công ty chứng khoán cũng đang chủ động tăng vốn điều lệ để mở rộng năng lực tài chính, tăng quy mô tự doanh và đầu tư hạ tầng công nghệ, tạo nền tảng tăng trưởng trong trung – dài hạn” – các chuyên gia Agriseco nhận định.
Ở nhóm tài nguyên cơ bản, triển vọng khả quan được ghi nhận ở một số doanh nghiệp ngành thép với kế hoạch lợi nhuận tăng hơn 20%, hưởng lợi từ nhu cầu trong nước và chính sách thuế chống bán phá giá thép nhập khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tôn mạ lại đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng do xuất khẩu gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp khoáng sản cũng đặt mục tiêu thấp hơn do điều kiện khai thác khó khăn.
Ngược lại, ngành điện – nước – xăng dầu khí đốt đối mặt nhiều thách thức. Một số doanh nghiệp điện đặt kế hoạch lợi nhuận giảm mạnh do chi phí khấu hao, lãi vay gia tăng từ các nhà máy mới. Trong khi đó, nhóm xăng dầu khí đốt cũng ghi nhận kế hoạch lợi nhuận giảm sâu bởi sự suy giảm sản lượng khí nội địa và giá dầu quốc tế dự báo giảm. Tình trạng này kéo theo ảnh hưởng tiêu cực tới biên lợi nhuận toàn ngành.
Tương tự, ngành hóa chất – phân bón được các chuyên gia đánh giá thận trọng trong năm 2025 với các doanh nghiệp đầu ngành đều đặt kế hoạch giảm lợi nhuận hoặc đi ngang, phản ánh triển vọng chưa mấy khởi sắc. Tuy vậy, từ nửa cuối năm, các doanh nghiệp phân bón có thể được hỗ trợ tích cực nhờ chính sách thuế VAT mới có hiệu lực từ tháng 7/2025, giúp tiết giảm chi phí đầu vào.
Cuối cùng, ngành dầu khí được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm nay. Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt kế hoạch lợi nhuận giảm, chủ yếu do giá dầu Brent có xu hướng giảm, nguy cơ dư cung toàn cầu và tác động từ xu hướng chuyển dịch năng lượng./.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/loi-nhuan-doanh-nghiep-2025-ky-vong-khoi-sac-nhung-buc-tranh-co-the-phan-hoa-sau/32611032