Quý 1/2025: Hàng hóa cập cảng nhộn nhịp trước thềm thuế quan

Quý 1/2025: Hàng hóa cập cảng nhộn nhịp trước thềm thuế quan

Quý đầu năm 2025, trước khi Mỹ công bố chính sách áp thuế đối ứng, các doanh nghiệp khai thác cảng khởi đầu sôi động nhờ sản lượng hàng hóa đi qua tiếp tục có sự tăng trưởng.

Theo thống kê từ VietstockFinance, tổng doanh thu quý 1/2025 của 29 doanh nghiệp kho cảng (trên HOSE, HNX và UPCoM) lên gần 9.6 ngàn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng toàn ngành giảm nhẹ 6.1%, chủ yếu do ảnh hưởng từ các yếu tố bất thường lớn của một số doanh nghiệp.

Nhiều cảng lập đỉnh mới

Ở miền Bắc, Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) nổi bật khi doanh thu gấp hơn 3 lần so với quý 1 năm ngoái, đạt 86 tỷ đồng. Ngoài khoản thu đột biến 50 tỷ đồng từ bán hàng hóa (nhiều khả năng là nhựa đường), doanh thu dịch vụ cảng tăng 74% là động lực chính giúp kết quả kinh doanh tăng 168%, lên cao trong nhiều năm.

Tương tự, Đầu tư Cảng Cái Lân (UPCoM : CPI), thành viên của VIMC, cũng có quý khởi sắc với doanh thu tăng hơn 83% lên hơn 18.3 tỷ đồng, trong đó riêng mảng dịch vụ cảng tăng 27%. Lợi nhuận của CPI đạt đỉnh cao nhất kể từ quý 4/2022.

Ở miền Trung, Cảng Cam Ranh (HNX: CCR)Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) hưởng lợi khi sản lượng thông qua cảng tiếp tục tăng. CCR báo lãi 5 tỷ đồng, tăng 32% và là mốc cao nhất trong vòng 3 năm, trong khi CDN thiết lập đỉnh mới.

Tại khu vực phía Nam, Cảng Đồng Nai (HOSE: PDN) ghi dấu ấn khi doanh thu tăng 13%, đạt hơn 354 tỷ đồng, với sản lượng container và hàng tổng hợp lần lượt tăng gần 14% và hơn 7%. Biên lãi gộp của PDN duy trì  40%, giúp Công ty lập kỷ lục mới về hiệu quả kinh doanh theo quý.

Cảng Xanh Vip (UPCoM : VGR) – thành viên thuộc Container Việt Nam – ghi nhận lợi nhuận lên cao nhất từ trước tới nay nhờ áp dụng biểu giá mới, đồng thời nhận khoản bảo hiểm thiệt hại sau bão Yagi.

Lãi ròng CDN, PDNVGR lên đỉnh mới trong quý 1/2025 (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Sản lượng qua cảng lớn tăng, biên lợi nhuận gộp cải thiện

Các cảng thuộc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn như ILB, TCLIST đều có quý tăng trưởng ổn định. ICD Tân Cảng – Long Bình (HOSE: ILB) đẩy mạnh khai thác kho bãi, với tỷ lệ lấp đầy tăng hơn 18%, kéo biên lãi gộp lên đến 45%, đóng góp tích cực vào kết quả chung.

“Ông lớn” Gemadept (HOSE: GMD) dù không còn lợi thế từ các khoản thu tài chính như năm ngoái, song mảng cốt lõi vẫn cho thấy sự khả quan. Doanh thu khai thác cảng tăng 27%, lên 1.27 ngàn tỷ đồng, cùng với lợi nhuận từ công ty liên kết – chủ yếu đến từ Cảng Gemalink – tiếp tục gia tăng. Mức lãi 403 tỷ đồng của GMD cũng ở mặt bằng cao nhất từ trước đến nay nếu không tính đến các khoản thu nhập bất thường.

Cảng Sài Gòn (UPCoM : SGP) bứt phá khi khoản lãi từ các công ty liên doanh như Cảng Quốc tế SP – PSA và SSIT đóng góp gần 50 tỷ đồng, giúp lãi hơn gấp đôi, lên 110 tỷ đồng.

Sản lượng khai thác cảng tăng giúp doanh thu và lợi nhuận Tổng Công ty cổ phần Đường sông Miền Nam (Sowatco, UPCoM : SWC) lần lượt cải thiện 14% và 18%. Theo đó, công ty mẹ Kho vận Miền Nam (Sotrans, HOSE: STG) cũng đón nhận kết quả thuận lợi.

Container Việt Nam (Viconship, HOSE: VSC) không nằm ngoài xu hướng chung khi doanh thu và lãi ròng tăng lần lượt 16% và 80% nhờ các công ty con như Cảng Xanh VIP (VGR), Cảng Xanh Greenport và Cảng Nam Hải Đình Vũ tiếp tục cải thiện về sản lượng.

Biên lãi gộp Cảng Hải Phòng (UPCoM: PHP) nâng từ 38% lên 43%, dù doanh thu và lợi nhuận hầu như đi ngang.

Phần lớn doanh nghiệp kho cảng báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Ngoại lệ trong bức tranh chung

Dù phần lớn doanh nghiệp cảng biển có quý kinh doanh sôi động, bức tranh chung vẫn xuất hiện những mảng tối khi một số doanh nghiệp chịu áp lực kép từ sản lượng giảm và chi phí tăng cao.

Cảng Quy Nhơn (HOSE: QNP)Cảng Nghệ Tĩnh (HNX: NAP) là những ví dụ điển hình khi sản lượng qua cảng giảm sút khiến cả doanh thu lẫn lợi nhuận giảm theo. Cảng An Giang (HNX: CAG), công ty con của SCIC, tiếp tục lỗ trong quý thứ 3 liên tiếp do doanh thu duy trì thấp.

Riêng Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) lỗ nặng 123 tỷ đồng khi chưa thể bù đắp chi phí vận hành, dù đã ghi nhận doanh thu từ việc đưa phân kỳ 1 của cảng Phước An vào hoạt động, nâng lỗ lũy kế đến cuối tháng 3 lên gần 154 tỷ đồng.

Chỉ số ít đơn vị báo lãi giảm hoặc tiếp tục lỗ (Đvt: tỷ đồng)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Rủi ro vẫn chực chờ sau nhịp tăng đầu năm?

Mặc dù quý 1/2025 ghi nhận sự khởi đầu tích cực với sản lượng hàng hóa qua cảng tăng và nhiều doanh nghiệp báo lãi kỷ lục, ngành kho cảng vẫn đang đối diện với những rủi ro tiềm ẩn từ căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan của Mỹ.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày được xem là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu tranh thủ đẩy mạnh giao hàng. Điều này dự kiến tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng trong quý 2. Tuy nhiên, nếu kịch bản áp thuế 46% chính thức xảy ra sau thời gian trì hoãn, tác động tiêu cực đến sản lượng hàng hóa và kết quả kinh doanh là điều khó tránh khỏi.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, CEO Sowatco Đặng Vũ Thành cảnh báo trong kịch bản xấu nhất, doanh thu và lợi nhuận kế hoạch của Công ty có thể giảm tới 30%, do phụ thuộc lớn vào lượng hàng xuất khẩu đi Mỹ (chiếm 75-80% tại cảng Long Bình và gần 50% tại Sotrans ICD). Nếu điều này xảy ra, ảnh hưởng sẽ lan sang cả công ty mẹ Sotrans.

Phía Gemadept cũng thừa nhận thuế quan sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, dù mức độ vẫn cần theo dõi thêm. Dẫu vậy, theo CEO Nguyễn Thanh Bình, Công ty đang tận dụng “khoảng thời gian vàng” trong nửa đầu năm để đẩy mạnh xuất khẩu, với ước tính sẽ thực hiện 55-60% kế hoạch cả năm ngay trong 6 tháng đầu 2025.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp như Viconship tỏ ra ít lo ngại hơn, khi tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm dưới 4% tổng sản lượng thông qua cảng.

Tử Kính

FILI

– 08:19 24/05/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/05/quy-12025-hang-hoa-cap-cang-nhon-nhip-truoc-them-thue-quan-737-1311362.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *