BIG: Chăm ‘lướt sóng’ cổ phiếu nhà như Chủ tịch Big Group Holdings

Chủ tịch HĐQT Big Group Holdings đang gom lại lượng cổ phiếu đã bán trước đó để nâng sở hữu lên 23,3% vốn.

Big Group Holdings tập trung vào kinh doanh sầu riêng và khách sạn. Ảnh minh họa:

Ông Võ Phi Nhật Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Big Group Holdings (mã: BIG) thông báo đăng ký mua 900.000 cổ phiếu BIG từ ngày 22/5 đến 20/6. Giao dịch sẽ được thực hiện theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh. Mục tiêu giao dịch là để tăng tỷ lệ sở hữu lên 23,3% vốn.

Trước đó, từ ngày 16/4 đến 15/5, ông Huy cũng đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu BIG nhưng chỉ thực hiện 10%, tức mua 100.000 cổ phiếu. Nguyên nhân không thực hiện hết số cổ phiếu đăng ký là do điều kiện thị trường chưa thuận lợi.

Theo xu hướng chung của thị trường, vào đầu tháng 4, cổ phiếu BIG cũng có đợt sụt giảm mạnh từ vùng 5.764 đồng/cp xuống 4.000 đồng/cp trước công bố chính sách thuế đối ứng khủng của Tổng thống Mỹ – Donald Trump. Sau đó, cổ phiếu đã phục hồi tốt lên lại vùng 4.900 đồng/cp hiện nay.

Nhìn lại dữ liệu lịch sử, kể từ khi Big Group Holdings đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM vào đầu 2022, ông Võ Phi Nhật Huy thực hiện nhiều giao dịch cổ phiếu BIG. Lần gần nhất là vào tháng 10/2024, vị lãnh đạo này đã mua 2,5 triệu cổ phiếu tăng sở hữu 800.000 đơn vị lên 3,3 triệu đơn vị (tỷ lệ 23,02% vốn) trong đợt phát hành riêng lẻ của doanh nghiệp, mức giá mua là 10.000 đồng/cp. Lượng cổ phiếu mua trong đợt này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.

Đến tháng 12/2024, sau khi công ty chốt quyền trả cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 2867:150 thì vị lãnh đạo này thực hiện bán ra 800.000 đơn vị được phép giao dịch. Đây cũng là khoảng thời gian mà cổ phiếu BIG tăng giá mạnh từ vùng 5.500 đồng/cp lên 6.800 đồng/cp nhờ thông tin kết quả kinh doanh khả quan.

Đến tháng 3/2025, ông Huy bán tiếp 172.600 cổ phiếu tăng thêm nhờ trả cổ tức. Như vậy, trước đợt mua thêm 1 triệu cổ phiếu đăng ký vào tháng 4, số lượng cổ phiếu Chủ tịch Big Group Holdings nắm giữ đa phần bị hạn chế giao dịch cho đến tháng 10/2025.

Đổi tên, đầu tư đa ngành

Big Group Holdings lên sàn chứng khoán vào đầu 2022 với khối lượng 5 triệu đơn vị, thông qua một đợt phát hành riêng lẻ và cổ tức cổ phiếu cuối năm 2024 đã tăng lên 15 triệu đơn vị. Công ty cũng mở rộng phạm vi hoạt động ra ngoài lĩnh vực tư vấn và môi giới bất động sản như nông sản, kinh doanh khách sạn.

Kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vừa diễn ra cuối tháng 4 vừa qua đã đánh dấu thay đổi mới tại doanh nghiệp. Đơn vị chuyển đổi từ mô hình công ty mẹ – con sang mô hình holdings, đổi tên từ Công ty cổ phần Big Invest Group sang Công ty cổ phần Big Group Holdings. Doanh nghiệp định hướng đầu tư đa ngành, tập trung nguồn lực vào bốn mảng chính gồm bất động sản, thương mại, tài chính và sắp tới là công nghệ.

Công ty sẽ nắm giữ cổ phần tại các công ty con chuyên trách từng mảng hoạt động như thương mại (vật liệu xây dựng, nông sản), chuỗi khách sạn, công nghệ và M&A (mua bán – sáp nhập). Ban lãnh đạo kỳ vọng sự chuyên môn hóa này sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính linh hoạt và giảm thiểu rủi ro trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động.

Ngoài ra, công ty dự kiến hoàn thiện các điều kiện cần thiết để chuyển niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc TP.HCM (HoSE) khi đáp ứng đủ tiêu chí.

Kinh doanh sầu riêng là mũi nhọn

Về kết quả kinh doanh, năm 2024 là năm ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất từ khi lên sàn với 464 tỷ doanh thu, hơn gấp đôi và lợi nhuận sau thuế 9,8 tỷ đồng, gấp 4,3 lần năm 2023.

Động lực đến từ việc tham gia sâu vào mảng kinh doanh thương mại – xuất nhập khẩu nông sản (sầu riêng). Trong năm ngoái, nông sản đem về doanh thu 455 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 16,6 tỷ đồng trong khi mảng khách sạn chỉ 9 tỷ doanh thu và lỗ 840 triệu đồng.

Trong quý I, Big Group Holdings đạt doanh thu 72 tỷ đồng, nông sản đóng góp 69 tỷ và bất động sản gần 3 tỷ. Lợi nhuận trước thuế đạt 2,4 tỷ, bao gồm nông sản 1,4 tỷ và bất động sản 962 triệu đồng. Lãi sau thuế 928 triệu đồng, cải thiện so với mức lỗ 3,3 tỷ cùng kỳ năm trước.

Năm nay, doanh nghiệp đưa ra kế hoạch doanh thu 480 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 10 tỷ đồng, lần lượt tăng 4% và đi ngang so với thực hiện 2024.

Theo ông Kiều Văn Khoa, Thành viên HĐQT, năm nay, doanh nghiệp tiếp tục chọn nông sản để phát triển kế hoạch kinh doanh. Lãnh đạo Big Group Holdings đánh giá mảng thị trường rất lớn và ít cần đầu tư vào công nghệ cao. Công ty đang hợp tác với đơn vị xuất khẩu lớn sang Trung Quốc, tập trung vào khâu thu mua sầu riêng, cân tại kho đối tác và được thanh toán nhanh chóng.

Tuy nhiên, sau năm 2024 thăng hoa thì mảng sầu riêng đang gặp khó. Sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng nhu cầu giảm mạnh. Sản lượng xuất khẩu sầu riêng giảm rõ rệt trong 4 tháng đầu năm, chỉ đạt 130 triệu USD so với mức 500 triệu USD cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân được cho là do yêu cầu kiểm tra chất lượng từ Trung Quốc, đặc biệt với kim loại nặng và chất vòng O.

Đối với mảng bất động sản, công ty tiếp tục đầu tư, xây dựng, phát triển hệ thống khách sạn, căn hộ dịch vụ và homestay. Doanh nghiệp sở hữu và vận hành 6 toàn nhà tại TP. HCM, Hà Nội, Huế, Lào Cai, Tây Ninh và Cần Thơ.

Tại cuối quý I, công ty có tổng tài sản 378 tỷ đồng, tập trung vào khoản phải thu 244,5 tỷ đồng và tài sản cố định 78 tỷ đồng. Doanh nghiệp ghi nhận nợ vay phải trả 106 tỷ đồng, tăng gần 60% so với đầu năm.

Tường Như-Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/big-cham-luot-song-co-phieu-nha-nhu-chu-tich-big-group-holdings/32619460

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *