Lỗ lỗ lũy kế khoảng 296,4 tỷ đồng tại Lào
Sau hơn một thập kỷ hiện diện tại thị trường Lào và Campuchia, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) đang trong quá trình rút lui tại các thị trường này.
Ngày 20/5 vừa qua, Petrolimex chính thức ban hành nghị quyết giải thể Văn phòng đại diện tại Campuchia kể từ ngày 1/6/2025, qua đó chấm dứt hoạt động của một đơn vị từng được kỳ vọng làm cầu nối mở rộng hợp tác thương mại xăng dầu tại quốc gia láng giềng.
Động thái này diễn ra không lâu sau quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào (PLL). Theo công bố thông tin ngày 13/3, Petrolimex sẽ bán đấu giá toàn bộ 100% vốn góp tại PLL (trị giá khoảng 1,89 triệu USD). Phương thức đấu giá công khai theo lô, hình thức đấu giá trực tuyến, với giá khởi điểm hơn 68 tỷ đồng. Thời gian nộp tiền mua phần vốn góp là từ ngày 10/4 đến ngày 16/4/2025.
Việc thoái vốn và giải thể văn phòng đại diện được lý giải là nhằm thực hiện đề án cơ cấu lại tập đoàn giai đoạn 2021–2025, tầm nhìn đến 2035, đã được Đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua từ tháng 12/2022. Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả kinh doanh của các đơn vị ở nước ngoài – đặc biệt là tại Lào – đang cho thấy nhiều dấu hiệu không khả quan.
Thành lập năm 2011 trên cơ sở mua lại toàn bộ hoạt động của Chevron Lào, Petrolimex Lào từng được kỳ vọng trở thành điểm tựa để Petrolimex khai thác thị trường nội địa đang tăng trưởng nhanh tại quốc gia này. Tuy nhiên, đến cuối năm 2024, bức tranh tài chính của doanh nghiệp này không như kỳ vọng.
Cụ thể, trong năm 2024, doanh thu thuần của Petrolimex Lào đạt 698 tỷ LAK, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, các khoản chi phí và thuế, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1,23 tỷ LAK, trong khi năm 2023 doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế lên tới gần 39 tỷ LAK.
Dù vậy, khoản lợi nhuận mỏng trong năm 2024 chưa thể bù đắp nhưng năm kinh doanh đáng buồn trước đó. Petrolimex Lào ghi nhận lỗ lũy kế gần 245,8 tỷ LAK. Quy đổi theo tỷ giá tại Ngân hàng Liên doanh Việt Lào ở thời điểm hiện tại (1 LAK bán ra tương đương gần 1,2 VNĐ), Petrolimex Lào đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế tương đương khoảng gần 295 tỷ đồng Việt Nam sau gần 15 năm hoạt động.
Tính đến cuối năm 2024, vốn góp của chủ sở hữu của công ty ở mức 14 tỷ LAK (~16,8 tỷ đồng). Tổng giá trị tài sản của công ty giảm 3,5% so với đầu năm, xuống còn 102,5 tỷ LAK. Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/tổng tài sản lên tới 3,19 lần, tương ứng tổng nợ phải trả ở mức gần 327 tỷ LAK. Vốn chủ sở hữu của công ty đã âm tới hơn 224 tỷ LAK.
Nhà đầu tư trúng đấu giá phải cam kết trả nợ cho Petrolimex
Về yêu cầu đối với nhà đầu tư tham gia đấu giá phần vốn góp, Petrolimex yêu cầu nhà đầu tư phải nộp Thư bảo lãnh thanh toán nghĩa vụ nợ do một tổ chức tín dụng (bên thứ ba) phát hành, thuộc danh sách do Petrolimex công bố tại phụ lục kèm theo. Thư bảo lãnh này cần được nộp tại thời điểm đặt cọc tham gia đấu giá, và thời điểm hiệu lực của thư bảo lãnh không muộn hơn thời điểm hai bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn.
Theo nội dung thư bảo lãnh, ngân hàng bảo lãnh cam kết thay mặt PLL (đơn vị có thể được đổi tên sau khi hoàn tất giao dịch chuyển nhượng vốn) thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ đối với Petrolimex trong trường hợp PLL không thực hiện đúng cam kết thanh toán theo Lộ trình trả nợ do Tập đoàn công bố.
- Giá trị khoản nợ cần được bảo lãnh: 14,83 triệu USD.
- Giá trị khoản nợ thực tế phải trả sẽ được xác định tại thời điểm ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn.
Hiệu quả tại Singapore?
Bên cạnh Lào và Campuchia, Petrolimex cũng có sự hiện diện tại Singapore với Công ty TNHH MTV Petrolimex Singapore (thành lập năm 2009). Không giống PLL, hoạt động của Petrolimex Singapore ít được công bố rộng rãi, nhưng báo cáo thường niên năm 2024 của Petrolimex cho thấy những tín hiệu tích cực rõ rệt.
Cụ thể, tổng doanh thu bán ra bên ngoài của hai đơn vị quốc tế (Lào và Singapore) trong năm 2024 đạt hơn 71.255 tỷ đồng, tăng mạnh so với 45.721 tỷ đồng của năm trước. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của khối đầu tư nước ngoài đạt 10.165 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Những con số này cho thấy Petrolimex Singapore vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc trung chuyển, xuất khẩu xăng dầu từ Việt Nam ra khu vực châu Á.
Dù báo cáo không tách riêng phần lợi nhuận, nhưng kết quả tăng trưởng tài sản và doanh thu của khối quốc tế phần nào phản ánh đóng góp đáng kể của đơn vị này. Đây có thể là lý do khiến Petrolimex vẫn tiếp tục duy trì hiện diện tại Singapore trong khi đang rút khỏi các thị trường khác như Lào và Campuchia.
Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/buc-tranh-kinh-doanh-trai-chieu-tai-nuoc-ngoai-cua-petrolimex-1381004.html