15 năm dang dở, Vinaconex (VCG) muốn nhường cuộc chơi Cát Bà Amatina

Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG) vừa thông tin về nghị quyết của Hội đồng quản trị liên quan đến kế hoạch thoái vốn tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, UPCoM: VCR).

Cát Bà Amatina
Một góc dự án Cát Bà Amatina

Theo đó, Vinaconex dự kiến chuyển nhượng toàn bộ 107,1 triệu cổ phiếu VCR đang nắm giữ, tương ứng 51% vốn điều lệ công ty này. Phương thức thực hiện là bán trực tiếp cho các nhà đầu tư có nhu cầu.

Giá khởi điểm được đưa ra không dưới 48.000 đồng mỗi cổ phiếu, tương đương giá trị thoái vốn tối thiểu khoảng 5.140 tỷ đồng. Trước thông tin thoái vốn, cổ phiếu VCR bất ngờ bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 1/7, lên mức 45.300 đồng/cổ phiếu (tại thời điểm 10h45 ngày 1/7), tăng 6,34% so với thời điểm mở cửa, dù vậu thị giá vẫn đang thấp hơn khoảng gần 5% so với giá chào bán tối thiểu.

Theo tim hiểu, Vinaconex ITC chính là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch Cái Giá, Cát Bà – dự án được phát triển với tên thương mại Cát Bà Amatina. Quy hoạch của dự án này đặt mục tiêu trở thành khu đô thị nghỉ dưỡng quy mô lớn, tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 1 tỷ USD, với khoảng 1.300 sản phẩm biệt thự, căn hộ cao cấp, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị, bến du thuyền, khu thương mại và nhà hàng.

Kể từ khi Vinaconex ITC lên sàn năm 2010, Cát Bà Amatina luôn được coi là dự án chiến lược. Tuy nhiên, trải qua 15 năm triển khai, dự án vẫn chưa thể hoàn thành theo kế hoạch ban đầu.

Cuối năm 2023, Vinaconex đã rút khoảng 2.200 tỷ đồng vốn đầu tư khỏi dự án này nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí lãi vay trái phiếu. Việc chuyển nhượng một phần dự án Cát Bà Amatina cũng từng được ban lãnh đạo doanh nghiệp đề cập trong các cuộc họp cổ đông.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ông Nguyễn Xuân Đông – Tổng giám đốc Vinaconex cho biết, hiện dự án chưa ký kết hợp tác chính thức với đối tác nào, song vẫn đang trong quá trình đàm phán. Ông nhấn mạnh biên độ lợi nhuận sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố, từ giá bán cụ thể đến diễn biến thị trường bất động sản cũng như năng lực tài chính của khách hàng.

“Chúng tôi sẽ cố gắng trong năm 2025 bán được một phần quy mô tương đối lớn để đảm bảo dòng tiền và lợi nhuận cho công ty. Nguyên tắc là phải đảm bảo có lãi, nhưng chưa thể công bố cụ thể vì vẫn đang thương thảo”, ông Đông chia sẻ với cổ đông vào tháng 4 vừa qua.

Được biết, trong năm 2024, Vinaconex ITC ghi nhận giá trị sản xuất kinh doanh đạt 487,88 tỷ đồng, tương đương 47,65% so với kế hoạch đề ra. Tổng doanh thu cả năm chỉ đạt 3,14 tỷ đồng, rất xa so với mục tiêu 526,52 tỷ đồng mà công ty đặt ra từ đầu năm.

Kết quả này dẫn đến khoản lỗ trước thuế lên tới 21,83 tỷ đồng, cách biệt lớn so với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế kỳ vọng gần 120,74 tỷ đồng. Dù vậ, con số này đã được cải thiện đáng kể so với khoản lỗ gần 287 tỷ đồng ở năm 2023.

Theo báo cáo giải trình của Ban Điều hành, nguyên nhân chính khiến giá trị sản xuất kinh doanh không đạt kế hoạch xuất phát từ điều kiện thị trường không thuận lợi, buộc công ty phải chủ động điều chỉnh giảm sản lượng đầu tư dự án.

Về doanh thu, tình trạng trầm lắng kéo dài trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cùng thanh khoản yếu đã khiến Vinaconex ITC chưa thể triển khai mở bán thêm các sản phẩm mới.

Việc không có nguồn thu mới phát sinh cũng là yếu tố trực tiếp dẫn đến khoản lỗ trước thuế trong năm, khi công ty chưa ghi nhận doanh thu và lợi nhuận đáng kể từ dự án.

Hiện Vinaconex sở hữu 20 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Tính đến cuối tháng 6, giá trị vốn hóa của tập đoàn đạt trên 14.200 tỷ đồng, căn cứ trên giá đóng cửa cổ phiếu VCG ở mức 22.050 đồng/cổ phiếu.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/15-nam-dang-do-vinaconex-vcg-muon-nhuong-cuoc-choi-cat-ba-amatina-1388209.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *