Lão tướng FPT “cảm nghĩ” về Thành phố Hồ Chí Minh mới

Trong một bài đăng mới đây trên mạng xã hội, ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên Hội đồng quản trị, cũng là thành viên sáng lập Tập đoàn FPT đã chia sẻ góc nhìn đáng chú ý về tầm vóc và tiềm năng phát triển của TP.HCM sau khi được Quốc hội thông qua việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Theo ông, TP.HCM không chỉ đơn thuần là thành phố đông dân nhất cả nước, mà đang từng bước định hình là một siêu đô thị quốc tế với mô hình phát triển đa ngành hiếm thấy trong khu vực.

Đáng chú ý, thay vì chỉ nhìn vào diện tích, dân số hay chiều dài đô thị – vốn là những thước đo thường gặp – ông Bảo đề cập đến cấu trúc kinh tế của TP.HCM sau mở rộng. Thành phố này không chỉ giữ vai trò đầu tàu tài chính và thương mại, mà còn là nơi hội tụ của các ngành công nghiệp sản xuất, logistics, dầu khí, công nghệ cao và du lịch biển – đảo.

fpt15.jpg
Ông Đỗ Cao Bảo – Thành viên Hội đồng quản trị, cũng là thành viên sáng lập Tập đoàn FPT

Từ “vùng công nghiệp liên kết” đến trung tâm logistics quốc tế

Một điểm nhấn trong bài viết là phân tích của ông Bảo về sự cộng hưởng giữa TP.HCM và Bình Dương – khi 38 khu công nghiệp tại địa phương lân cận này được xem như một phần mở rộng tự nhiên của thành phố. Với hơn 57 khu công nghiệp hiện hữu, TP.HCM rõ ràng đang giữ vị thế trung tâm sản xuất lớn nhất cả nước.

Song hành với đó là hệ thống logistics được đánh giá đủ sức cạnh tranh trong khu vực. Từ cảng biển Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải, Tân Thuận đến các nhà ga Tân Sơn Nhất, Long Thành…, TP.HCM sở hữu đầy đủ các hạ tầng thiết yếu cho việc trở thành “hub” logistics quốc tế.

docaobao1.jpg
Bài đăng trên mạng xã hội của ông Đỗ Cao Bảo

Dầu khí và du lịch biển: Hai lĩnh vực được “mở khóa” nhờ không gian mới

Góc nhìn của ông Bảo cũng mở ra một chiều cạnh ít được đề cập: sự hiện diện đậm nét của ngành dầu khí tại TP.HCM nhờ sự kết nối với Vũng Tàu. Các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và dịch vụ dầu khí như Vietsovpetro, PVEP, PVD, PTSC… đều được nhắc tên, cho thấy TP.HCM có thể trở thành trung tâm kỹ thuật dầu khí quy mô lớn.

Cùng với đó, nhờ sự gắn kết với Vũng Tàu, Cần Giờ, Côn Đảo…, TP.HCM đang dần hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng trong hệ sinh thái du lịch: Biển – đảo. Việc VinGroup phát triển các khu nghỉ dưỡng tại Cần Giờ càng củng cố thêm luận điểm này.

Tài chính vẫn là cốt lõi, nhưng không còn là duy nhất

TP.HCM từ lâu đã là trung tâm tài chính lớn nhất Việt Nam. Tuy nhiên, theo quan sát từ bài viết của ông Bảo, nếu trước đây tài chính là trụ cột chính, thì nay thành phố cần tiếp cận theo mô hình đa ngành, nơi tài chính chỉ là một phần của cấu trúc tổng thể.

Với mạng lưới ngân hàng dày đặc, gồm cả trụ sở chính của các ngân hàng nội địa và hiện diện mạnh mẽ của ngân hàng quốc tế, TP.HCM đủ điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng muốn vươn xa, thành phố cần đi kèm với cải cách thể chế, chính sách cởi mở và một chiến lược nhân lực quy mô.

Câu kết của ông Bảo – “thời gian là vàng, là bạc” – có lẽ là lời nhắc đúng lúc nhất với TP.HCM lúc này. Không gian đã mở, dư địa tăng trưởng rất lớn, nhưng nếu không kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về pháp lý, đầu tư công, hạ tầng hay môi trường sống, TP.HCM rất có thể sẽ lỡ nhịp với những đô thị đang bứt phá trong khu vực như Bangkok hay Kuala Lumpur.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/lao-tuong-fpt-cam-nghi-ve-thanh-pho-ho-chi-minh-moi-1388358.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *