VCBS: Sản lượng qua cảng biển có thể giảm trong nửa cuối 2025
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá triển vọng ngành cảng biển Việt Nam trong nửa cuối năm kém khả quan, nếu đàm phán thương mại với Mỹ không ghi nhận bước tiến rõ ràng. Khi đó, sản lượng thông qua cảng có thể sụt giảm, cạnh tranh trong nước gia tăng, trong khi công suất liên tục mở rộng.
Theo VCBS, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng mạnh trong quý 2 nhờ tác động từ việc Mỹ tạm hoãn áp thuế 90 ngày, tạo ra hiệu ứng “front load”. Trong tháng 4-5, khối lượng container qua các cảng tăng khoảng 13% so với cùng kỳ. Cảng Lạch Huyện dẫn đầu với mức tăng 32%, tiếp đến là Cái Mép – Thị Vải tăng 22%, TPHCM tăng 8%.
Riêng Lạch Huyện – nơi có tới 2/3 hàng hóa xuất đi Mỹ – ghi nhận tăng trưởng vượt trội do nhu cầu nhập trước thời điểm thuế có hiệu lực. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng đi Mỹ chiếm hơn 55% tổng lượng hàng hóa. Tỷ trọng cao khiến các khu vực này đặc biệt nhạy cảm với kết quả đàm phán thuế quan.
VCBS cho rằng mùa cao điểm năm nay đến sớm hơn thường lệ, rơi vào tháng 6,7 thay vì tháng 8,9 như các năm trước. Lý do là nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh trước thời hạn hoãn thuế kết thúc. Nhờ đó, sản lượng qua cảng trong quý 2 được duy trì tích cực, nhưng đà này khó kéo dài sang nửa cuối năm.
Từ ngày 09/04, Mỹ áp thuế tạm thời 10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nếu sau 90 ngày không đạt đồng thuận, mức thuế có thể bị điều chỉnh lên cao hơn. VCBS cảnh báo, nếu chênh lệch thuế so với các nước khác vượt ngưỡng 15-20%, Việt Nam sẽ mất lợi thế xuất khẩu, nhất là ở các ngành chủ lực như dệt may, da giày, gỗ, linh kiện điện tử. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng tại các cảng nước sâu – vốn được đầu tư lớn để phục vụ hàng đi Mỹ.
Tính đến nay, hai bên đã trải qua ba vòng đàm phán và một phiên bổ sung nhưng chưa công bố kết quả cụ thể. Thời hạn hoãn thuế kết thúc vào ngày 09/07. Nếu không đạt được mức thuế tương đương với các quốc gia châu Á khác, ngành cảng biển Việt Nam có thể chịu tác động dây chuyền: đơn hàng chuyển dịch, tần suất tàu cập cảng giảm, các dự án mở rộng đối mặt nguy cơ dư thừa công suất.
Từ cuối 2024, nhiều dự án cảng lớn đã hoàn tất mở rộng. Lạch Huyện đưa vào vận hành các bến số 3-4 và 5-6, nâng công suất lên hơn 3 triệu TEU. Gemalink, Phước An, Nam Đình Vũ cũng đẩy mạnh đầu tư. Riêng Nam Đình Vũ đang hoàn tất giai đoạn 3, dự kiến tăng thêm 800,000 TEU trong năm nay. Hầu hết các cảng này hướng đến tiếp nhận tàu trọng tải lớn, chuyển đổi vai trò từ trung chuyển nội địa sang trung tâm trung chuyển khu vực. Tuy nhiên, nếu lượng hàng sụt giảm vì rào cản thuế quan, hiệu quả đầu tư sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhóm phân tích nhận định, nếu Việt Nam đạt thỏa thuận thương mại thuận lợi, ngành cảng biển vẫn giữ triển vọng dài hạn. Ngược lại, nếu bị áp mức thuế cao hơn khu vực, ngành sẽ gặp nhiều thách thức: mất vị thế logistics, giảm số chuyến tàu quốc tế cập bến và các dự án mở rộng có thể dư thừa công suất do thiếu hàng.
VCBS lo ngại hàng hóa thông qua cảng nửa cuối năm sẽ không còn được như 6 tháng đầu năm
|
Ngoài yếu tố trong nước, bối cảnh quốc tế cũng không thuận lợi. Ngành vận tải container toàn cầu đang tiến gần trạng thái dư cung, khi đội tàu không ngừng mở rộng, dự kiến đạt 37.5 triệu TEU vào cuối 2027. Phần lớn đơn hàng mới là tàu cỡ lớn (trên 15,000 TEU), buộc các hãng phải tìm đến cảng nước sâu. Việt Nam có lợi thế nhờ vị trí và năng lực tiếp nhận tàu lớn, nhưng tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào chính sách hơn là hạ tầng.
Một rủi ro khác được VCBS chỉ ra là đề xuất của Mỹ về việc thu thêm phí với tàu do Trung Quốc đóng khi cập cảng Mỹ, dự kiến áp dụng từ tháng 10/2025. Khoảng 1/3 đội tàu toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm cả những tàu đặt đóng tại Trung Quốc nhưng thuộc sở hữu nước ngoài. Các liên minh như Ocean Alliance có thể buộc phải điều chỉnh lộ trình. Khi đó, Việt Nam có thể bị loại khỏi các tuyến chính, kéo theo sản lượng giảm.
Nếu kịch bản trên xảy ra, Việt Nam có thể đánh mất vị trí trung tâm logistics khu vực vào tay các đối thủ như Indonesia hoặc Ấn Độ – những quốc gia đang hưởng lợi từ chính sách thuế thấp hơn. Đồng thời, biên lợi nhuận của doanh nghiệp khai thác cảng bị thu hẹp do thiếu hàng hóa, cạnh tranh gay gắt và dòng vốn FDI vào lĩnh vực cảng biển cũng sẽ chững lại.
– 11:10 02/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/vcbs-san-luong-qua-cang-bien-co-the-giam-trong-nua-cuoi-2025-145-1322817.htm