Lãnh đạo Bộ Tài chính chủ trì họp báo thường kỳ Quý 2/2025 – Ảnh: VGP/HT
Trao đổi tại buổi họp báo thường kỳ Quý 2/2025 của Bộ Tài chính chiều ngày 2/7, tại Hà Nội, ông Mai Sơn – Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có những chia sẻ cụ thể về các đề xuất quan trọng này.
Phân loại bảo đảm công bằng sát thực tế
Cục Thuế đã đăng tải dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân.
Một trong những nội dung trọng tâm được đề xuất trong dự thảo là định hướng đổi mới phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/CP của Chính phủ.
Lãnh đạo ngành thuế phân tích, trên thực tế, có sự khác biệt lớn giữa các hộ kinh doanh. Ví dụ, có những hộ chỉ mang tính mưu sinh, tự sản tự tiêu tại các thị trấn, khu chợ, hay các tiệm tạp hóa nhỏ với doanh thu thường dưới hoặc trên ngưỡng nộp thuế một chút.
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều hộ kinh doanh quy mô lớn, hoạt động theo chuỗi, trải dài trên nhiều địa bàn, tỉnh thành và có năng lực tổ chức kế toán như một doanh nghiệp siêu nhỏ. Đặc biệt là các chuỗi nhà hàng, kinh doanh vật liệu xây dựng, thực phẩm chức năng, dịch vụ làm đẹp…, Đây là những cái đơn vị mà có rất nhiều các cái điều kiện để lên DN.
Do đó, công tác quản lý cần có sự thay đổi để phù hợp hơn, việc áp dụng phương thức điện tử giúp hộ kinh doanh giảm chi phí và thời gian tuân thủ.
Các ngưỡng doanh thu để áp dụng các chính sách quản lý
Phó Cục trưởng Cục Thuế Mai Sơn cho hay, Dự thảo đưa ra các ngưỡng doanh thu để áp dụng các chính sách quản lý khác nhau.
Ngưỡng đầu tiên là dưới 200 triệu đồng/năm. Ngưỡng thứ hai là từ 200 triệu đến dưới 1 tỉ đồng/năm. Đối với các ngưỡng cao hơn, có sự phân biệt theo ngành nghề: Mức từ 1 tỉ đến 3 tỉ đồng áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng; trong khi mức từ 1 tỉ đến 10 tỉ đồng áp dụng cho thương mại, dịch vụ.
Ngưỡng cao nhất là trên 10 tỉ đồng/năm.
Trong khi đó, đối với việc sử dụng hóa đơn, các hộ kinh doanh thuộc ngưỡng một và hai sẽ được khuyến khích sử dụng. Mặt khác, các hộ kinh doanh thuộc các ngưỡng cao hơn (từ 1 tỉ đồng trở lên) sẽ bắt buộc phải thực hiện công tác hóa đơn.
Ông Mai Sơn nhấn mạnh, cơ quan thuế đang trong quá trình tiếp nhận tất cả ý kiến đóng góp của người dân, tổ chức và cá nhân để tổng hợp và hoàn thiện dự thảo. Những ngưỡng đề xuất hiện nay, đặc biệt là đề xuất nâng mức doanh thu tối thiểu lên 400 triệu đồng, là một trong những nội dung đang được xin ý kiến rộng rãi.
Theo ý kiến của một số chuyên gia kinh tế tham gia đóng góp xây dựng dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN), một trong những nội dung được đề xuất là cần xem xét liên thông phương pháp tính thuế giữa người làm công ăn lương và hộ kinh doanh.
Cụ thể, có thể tham khảo cách xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân làm công ăn lương để xây dựng phương pháp tính thuế phù hợp cho hộ kinh doanh. Theo đó, cần căn cứ vào tỷ suất lợi nhuận bình quân theo từng ngành hàng, từ đó xác định mức doanh thu tối thiểu tương ứng. Đây được xem là một cơ sở thực tiễn nhằm xây dựng phương pháp tính thuế hợp lý, sát thực tế.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện nội dung này, đồng thời đảm bảo khi dự thảo luật được hoàn thành sẽ tạo ra sự thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động của các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ cho việc tiến tới bỏ thuế khoán,” ông Sơn chia sẻ.
Dự thảo luật cũng cần tạo điều kiện để thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp. Cùng với Cục Phát triển kinh tế tư nhân, các cơ quan xây dựng chính sách đang nghiên cứu lại khái niệm “hộ kinh doanh” bởi hiện nay khái niệm này không còn phù hợp. Trên thế giới, cá nhân kinh doanh thường được xem như một loại hình doanh nghiệp siêu nhỏ. Vì vậy, cách tiếp cận hiện nay sẽ không đơn thuần là “khoán” theo doanh thu nữa, mà phải dựa trên tỷ suất lợi nhuận và áp thuế suất phù hợp (gồm thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng), thay vì chỉ áp dụng tỷ lệ khoán đơn giản như trước đây.
“Cơ quan thuế sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến, tổ chức các hội thảo có sự đồng hành của truyền thông, báo chí để dự thảo luật khi ra đời sẽ thực sự đi vào cuộc sống, có sức sống mạnh mẽ hơn”, ông Mai Sơn khẳng định.
Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) trao đổi tại họp báo – Ảnh: VGP/HT
Quyết liệt triển khai áp dụng hóa đơn điện tử
Liên quan đến triển khai thực hiện Nghị định 70/2025/NĐ-CP về Hướng tới minh bạch hóa, số hóa quản lý hộ kinh doanh, ông Mai Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã lập danh sách, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ các nhóm hộ kinh doanh bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối với máy tính tiền. Điểm thuận lợi là trước đó, từ năm 2022, cơ quan thuế đã triển khai thí điểm với các nhóm ngành như bán lẻ, ăn uống, thuốc … chủ yếu với các hộ thực hiện theo phương pháp kê khai, khoảng 40.000 hộ.
Mới đây, cơ quan thuế đã lập danh sách khoảng 37.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên để triển khai thực hiện. Như vậy, mặc dù tổng số hộ kinh doanh hiện nay là khoảng 3,6 triệu, số hộ thực hiện nghĩa vụ sử dụng hóa đơn điện tử theo phương thức mới chỉ chiếm khoảng 1%.
Lãnh đạo Bộ Tài chính có văn bản gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo cơ quan liên quan phối hợp triển khai.
Thực tế triển khai, cơ quan thuế đã phối hợp với nhiều công ty cung cấp giải pháp phần mềm, công ty kế toán, kiểm toán, đại lý thuế… tổ chức các hội thảo để giải đáp vướng mắc của hộ kinh doanh liên quan đến chi phí tuân thủ, đầu tư thiết bị và quá trình thực hiện.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử kết nối với máy tính tiền chính là tiền đề, là cơ sở để các hộ kinh doanh làm quen với phương thức quản lý hiện đại. Qua đó, việc kê khai trên các thiết bị thông minh như smartphone cũng sẽ được nghiên cứu để trở nên đơn giản, thuận tiện nhất.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 110 nhà cung cấp giải pháp đang đồng hành cùng cơ quan thuế. Trong đó, có 84.000 hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng, bao gồm cả 37.000 hộ thuộc diện bắt buộc.
“Ban đầu, một số hộ kinh doanh còn e ngại vì việc triển khai trùng với nhiều chính sách khác từ các cơ quan quản lý nhà nước, như truy xuất nguồn gốc hàng hóa… khiến tâm lý người kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành tích cực, trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tin về chính sách đã được truyền tải kịp thời, góp phần giúp hộ kinh doanh hiểu rõ và dần thích nghi với các nội dung mà cơ quan thuế đang triển khai”, Phó Cục trưởng Mai Sơn nói.
Nguồn: https://cafef.vn/se-phan-loai-ho-kinh-doanh-theo-4-nguong-doanh-thu-188250702201445629.chn