Hoạt động đấu giá cổ phần – một trong những chất xúc tác quan trọng giúp thị trường chứng khoán thu hút thêm dòng tiền mới, diễn ra rất ảm đạm thời gian qua. Theo thống kê từ HoSE và HNX, đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 3 đợt đấu giá cổ phần kể từ đầu năm 2025. Tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá chỉ đạt vỏn vẹn gần 29 tỷ đồng, con số thấp kỷ lục.
Thực tế, hoạt động đấu giá cổ phần đã rơi vào “downtrend” kể từ sau giai đoạn bùng nổ 2015-18. Những năm gần đây, số lượng các đợt đấu giá trên sàn chứng khoán ngày càng ít, “bom tấn” gần như không có. Giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cũng liên tục giảm mạnh sau khi đạt đỉnh gần 130.000 tỷ vào năm 2017.
Sau thời gian dài thiếu vắng những thương vụ “đình đám”, hoạt động đấu giá cổ phần tưởng chừng sẽ sôi động trở lại với 2 “bom tấn” là Becamex IDC (BCM) chào bán ra công chúng và SCIC thoái vốn Domesco (DMC). Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau mà cả 2 thương vụ này đều bất thành cho đến thời điểm hiện tại.
Với trường hợp của Becamex IDC , theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp sẽ thực hiện chào bán 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên HoSE với giá khởi điểm 69.600 đồng/cổ phiếu. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 9h ngày 28/4. Tuy nhiên, do thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng bởi việc Mỹ áp thuế đối ứng, Becamex IDC đã hoãn kế hoạch đấu giá do cổ phiếu giảm mạnh.
Thời điểm đó, Becamex IDC cho biết, sẽ xem xét quyết định triển khai đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn vào thời điểm khác phù hợp với lợi ích công ty, cổ đông và theo quy định pháp luật. Mới nhất, thương vụ này đã được rục rịch khởi động lại khi Becamex IDC thông báo sẽ xin ý kiến cổ đông trong tháng 7 về phương án chào bán này.
Nếu đợt đấu giá thành công, Becamex IDC có thể thu về ít nhất 20.880 tỷ đồng. Đây sẽ là thương vụ đấu giá cổ phần lớn nhất lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt xa đợt đấu giá đình đám của Vietcombank cuối năm 2007 khi huy động thành công hơn 10.500 tỷ đồng.
Còn với trường hợp SCIC thoái vốn Domesco , thương vụ thậm chí còn “đổ bể” 2 lần từ đầu năm do không có nhà đầu tư tham gia đăng ký chào bán cạnh tranh, hay có thể gọi một cách khác là “ế”.
Theo kế hoạch, SCIC muốn bán đấu giá công khai gần 12,1 triệu cổ phiếu DMC, tương đương 34,71% vốn của Domesco, với giá khởi điểm là gần 1.531,5 tỷ đồng/lô cổ phần, tương đương khoảng 127.046 đồng/cổ phiếu. Con số này cao hơn nhiều thị giá DMC trên sàn chứng khoán và có thể là một trong những rào cản khiến thương vụ bất thành.
Trong bối cảnh hoạt động đấu giá diễn ra ảm đạm, thị trường chứng khoán lại đón nhận một tín hiệu tích cực là sự xuất hiện của “bom tấn” mới lên sàn mang tên Vinpearl (VPL). Cổ phiếu này niêm yết với định giá lên đến 5 tỷ USD tạo ra cú huých lớn không chỉ với riêng nhóm Vingroup mà còn cả thị trường.
Thương vụ Vinpearl niêm yết thành công được kỳ vọng sẽ kích hoạt một làn sóng các doanh nghiệp mới đổ bộ lên sàn chứng khoán trong thời gian tới với quy mô lên đến hàng chục tỷ USD. Ngoài TCBS và F88 đã có lộ trình niêm yết rõ ràng, danh sách các “bom tấn” ấp ủ kế hoạch lên sàn còn nhiều cái tên đáng chú ý như Long Châu, Bách Hóa Xanh, THACO AUTO, VPS, Viettel IDC, Misa, VNPay,…
Nguồn: https://cafef.vn/bom-tan-khong-no-hoat-dong-dau-gia-co-phan-tren-san-chung-khoan-am-dam-chua-tung-thay-188250702223412151.chn