“Ông lớn” Hàn Quốc trở lại Nghệ An, tìm phương án phối hợp hạ tầng dùng chung cho dự án LNG tỷ đô

Ngày 2/7, tại trụ sở UBND tỉnh Nghệ An, đoàn công tác của Tập đoàn SK (Hàn Quốc) đã có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo tỉnh nhằm thảo luận khả năng hợp tác đầu tư trên địa bàn, trong đó dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập tiếp tục là tâm điểm trao đổi. Đây là lần gặp thứ hai của hai bên về dự án chiến lược này, sau cuộc làm việc diễn ra vào tháng 4/2025.

Nghê An
Tổng vốn đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập ước tính vào khoảng 2,11 tỷ USD

Phát biểu mở đầu, lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhấn mạnh việc phát triển các dự án năng lượng hiện đại, thân thiện môi trường là định hướng ưu tiên trong nhiều năm tới. Dự án LNG Quỳnh Lập được xác định là công trình then chốt, không chỉ góp phần bổ sung công suất nguồn điện quốc gia mà còn tạo động lực thu hút công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hậu cần cảng biển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phùng Thành Vinh, khẳng định chính quyền địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư có năng lực và kinh nghiệm tham gia triển khai dự án.

Đại diện Tập đoàn SK cho biết, doanh nghiệp này đã nghiên cứu kỹ các điều kiện tự nhiên, quy hoạch hạ tầng, nhu cầu tiêu thụ điện năng của khu vực Bắc Trung Bộ và bày tỏ quan tâm nghiêm túc đối với dự án LNG Quỳnh Lập. Tập đoàn SK đồng thời đề xuất phối hợp khảo sát chi tiết, làm rõ phương án kết nối hạ tầng logistics, khả năng chia sẻ một số hạng mục dùng chung với Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn tại Thanh Hóa nhằm giảm chi phí đầu tư và tối ưu hiệu quả khai thác cảng tiếp nhận LNG.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An, dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập được quy hoạch đặt tại phường Tân Mai (thị xã Hoàng Mai). Quy mô công suất dự kiến đạt 1.500 MW, bao gồm 2 tổ máy tua-bin khí chu trình hỗn hợp, cùng hệ thống kho chứa LNG, khu tái hóa khí và bến cảng chuyên dụng có thể đón tàu từ 100.000 đến 150.000 DWT. Mỗi năm, nhà máy dự kiến nhập khẩu khoảng 1,15 triệu tấn LNG để duy trì hoạt động.

Tổng vốn đầu tư ước tính của dự án vào khoảng 2,11 tỷ USD. Hệ thống công trình chính và phụ trợ sẽ triển khai trên diện tích từ 210 đến 360 ha, bao gồm nhà máy phát điện, kho chứa LNG, đê chắn sóng, cảng nhập LNG và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Theo lộ trình dự kiến, công trình sẽ hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành thương mại trước năm 2030, góp phần đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong khu vực và từng bước thay thế các nguồn nhiệt điện than truyền thống.

Để lựa chọn nhà đầu tư, UBND tỉnh Nghệ An cho biết đã lên phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật Đấu thầu 2023. Trong trường hợp được xác định là dự án cấp bách, việc chỉ định thầu có thể được áp dụng theo các quy định đặc thù của Luật Điện lực 2024.

Ngay từ cuối năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư (đơn vị này hiện đã được sáp nhập vào Sở Tài chính) đã tiếp nhận 5 bộ hồ sơ đăng ký tham gia dự án của các tập đoàn và liên danh trong, ngoài nước. Cụ thể, hồ sơ gồm:

  • Liên danh Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Công ty TNHH Mía đường Nghệ An và SK E&S Co., Ltd đề xuất diện tích sử dụng khoảng 332 ha, gồm gần 60 ha đất liền và hơn 272 ha mặt nước ven biển để bố trí khu cảng nhập LNG, kho tái hóa và mặt bằng nhà máy.
  • Tổng Công ty Phát điện 1 (EVNGENCO1) đăng ký diện tích khoảng 260 ha, với tỷ lệ phân bổ diện tích mặt đất và mặt nước tương tự.
  • Liên danh POSCO International (Hàn Quốc) và Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam đề xuất khoảng 345 ha. Đáng chú ý, POSCO International từng tham gia vận hành Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2, được coi là một kinh nghiệm tham chiếu quan trọng trong lĩnh vực điện khí.
  • Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) mong muốn được cấp khoảng 183 ha để triển khai dự án, đi kèm đề xuất phương án công nghệ và cơ chế nhập khẩu LNG từ thị trường quốc tế.
  • Liên danh Công ty CP Đầu tư Năng lượng Bamboo Việt Thành và Gulf Petroleum Limited (Qatar) đăng ký diện tích hơn 175 ha, đề xuất phương án đầu tư khai thác và vận hành dài hạn.

Bên cạnh những nội dung trên, cuộc họp còn dành thời gian thảo luận về các yêu cầu kỹ thuật, tiến độ chuẩn bị mặt bằng, phương án kết nối hệ thống truyền tải điện khu vực cũng như cơ chế ưu đãi về thuế, tiền thuê đất, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào.

Dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Quỳnh Lập nằm trong nhóm 14 công trình nguồn điện chiến lược của cả nước, được Chính phủ đưa vào danh mục ưu tiên phát triển đến năm 2030. Việc nhiều nhà đầu tư lớn bày tỏ quan tâm cho thấy dự án có sức hút lớn và đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng xanh, hiện đại tại Nghệ An nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói chung.

Nguồn: https://kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-han-quoc-tro-lai-nghe-an-tim-phuong-an-phoi-hop-ha-tang-dung-chung-cho-du-an-lng-ty-do-1388847.html

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *