Giai đoạn 2025 – 2030 tiếp tục là thời kỳ thế giới đối mặt với nhiều biến động. Vinatex đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển xanh
Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ- Lại Xuân Lâm ghi nhận phát biểu tại địa hội. Ảnh Hằng Trần/Bnews/vinanet.vn
Ngày 4/7, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025 – 2030. Đại hội có sự tham dự của 180 đại biểu chính thức, tới từ 18 Đảng bộ và chi bộ trực thuộc đại diện với tổng số 1.546 đảng viên. Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm dự và phát biểu chỉ đạo.
Tại Đại hội, Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm ghi nhận, đánh giá cao những thành tích, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua của Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Trong nhiệm kỳ 2020–2025, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, lạm phát, biến động địa chính trị, sự suy giảm mạnh của tổng cầu dệt may toàn cầu và cạnh tranh gay gắt trong ngành dệt may, Đảng bộ Tập đoàn đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực lãnh đạo sáng tạo, sâu sát và linh hoạt. Tập đoàn đã hoàn thành và vượt toàn bộ 8/8 chỉ tiêu chủ yếu Nghị quyết Đại hội lần thứ III đề ra. Đặc biệt, nhiều chỉ tiêu vượt xa mục tiêu kế hoạch như: tỷ lệ sản phẩm xanh đạt bình quân 25%, lợi nhuận tăng trưởng bình quân 31%/năm – cao hơn gấp đôi so với kế hoạch đề ra.
Tập đoàn cũng là một trong những doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công đơn thuần (CMT) sang mô hình sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn như FOB và từng bước hoàn thiện để chuyển đổi sản xuất theo mô hình ODM, OBM. Việc đầu tư các trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm, phát triển dệt nhuộm, vải chức năng, sản phẩm xanh, đặc biệt là Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh Vinatex, là minh chứng cho chiến lược đúng đắn và khả năng thích ứng nhanh với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Tập đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ IV. Ảnh Hằng Trần/Bnews/vinanet.vn
Ông Lại Xuân Lâm nhấn mạnh, bước sang nhiệm kỳ mới 2025-2030, đất nước đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh và bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn trở thành trụ cột chiến lược. Đó là yêu cầu bắt buộc với mọi ngành, mọi doanh nghiệp, nhất là những ngành có tính thâm dụng lao động cao như dệt may. Cùng lúc, các hiệp định thương mại thế hệ mới tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng áp lực cạnh tranh lớn từ các quốc gia có chi phí thấp và hạ tầng logistics tối ưu.
Trong bối cảnh đó, Đảng bộ Tập đoàn cần phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, giữ vững vai trò là doanh nghiệp đầu tàu Ngành dệt may quốc gia.
Đặc biệt, Phó Bí thư Đảng uỷ Chính phủ Lại Xuân Lâm đề nghị Đảng bộ Tập đoàn tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong quản trị doanh nghiệp, logistics, quản lý năng suất lao động, tài chính và chăm sóc khách hàng. Tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu và sản phẩm có truy xuất nguồn gốc để được hưởng ưu đãi thuế quan. Tập trung đầu tư vào các sản phẩm đặc thù có giá trị gia tăng cao, nghiên cứu phát triển vải kỹ thuật, thời trang xanh, đáp ứng xu thế tiêu dùng mới của thế giới. Đồng thời, tăng cường mở rộng thị trường nội địa và quốc tế, phát triển các kênh thương mại điện tử.
Ông chí Lại Xuân Lâm nhấn mạnh, ngành dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, do đó phải coi yếu tố con người là trung tâm trong mọi chiến lược phát triển. Tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo nội bộ, nâng cao kỹ năng chuyên môn, ngoại ngữ, quản trị và thích ứng số cho cán bộ, người lao động. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo hộ lao động, phòng chống tai nạn nghề nghiệp, cải thiện môi trường làm việc và phát triển đời sống tinh thần cho người lao động.
Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, Đại hội đảng bộ các cấp trong toàn Tập đoàn đã được tổ chức theo đúng tinh thần Chỉ thị 45 của Bộ Chính trị. Bí thư Đảng uỷ Tập đoàn đề nghị các đại biểu phát huy trí tuệ và thẳng thắn, nhận thức và làm rõ tinh thần vượt khó khăn của Đảng bộ Tập đoàn; vai trò của công tác Đảng, của người đảng viên trong công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh; những mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng phát triển của toàn Đảng bộ trong nhiệm kỳ tới…
Theo ông Lê Tiến Trường, nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra nhiều biến động sâu rộng trên toàn cầu về kinh tế, đại dịch COVID-19… nền kinh tế toàn cầu bắt đầu suy giảm trong năm 2020, khiến lần đầu tiên tổng cầu dệt may thế giới suy giảm nghiêm trọng, toàn bộ các đơn hàng sản xuất bị đình trệ, không có nguồn cung nguyên liệu cho sản xuất. Xuất khẩu dệt may cũng lần đầu tiên ghi nhận mức suy giảm hơn 10% sau 30 năm mở cửa.
Trong khi thị trường toàn cầu giảm lạm phát, từng bước khôi phục, ngành dệt may Việt Nam bứt tốc đạt 44 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đồng thời, mở rộng xuất khẩu sang 104 thị trường, đa dạng hoá khách hàng và mặt hàng. Tuy nhiên, ngành dệt may vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong chiến lược phát triển chung của toàn cầu, nổi bật là các tiêu chuẩn khắt khe tại thị trường lớn, cùng với đó là xu thế phát triển xanh, bền vững, số hoá…
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết: Trong bối cảnh khó khăn đó, qua từng năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Tập đoàn, Ban Lãnh đạo Tập đoàn đã linh hoạt, sáng tạo điều hành và kịp thời đề ra các giải pháp ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh để giúp các doanh nghiệp nắm bắt nhanh các cơ hội, chủ động trong điều hành quản trị, tiếp cận công nghệ, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng phù hợp với thị trường, bảo toàn được đội ngũ, ổn định sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn hoàn thành mục tiêu đặt ra.
Trong 5 năm đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 5%/năm, bằng kế hoạch của nhiệm kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hợp cộng các đơn vị Tập đoàn có vốn thực hiện năm 2020 đạt 1,8 tỷ USD, năm 2024 đạt 1,9 tỷ USD, với mức tăng trưởng bình quân 5 năm đạt 2%/năm.
Nhằm đạt tỷ lệ sản phẩm xanh đạt bình quân 25% trong nhiệm kỳ, toàn hệ thống đã đưa vào sản xuất sản phẩm sợi từ nguyên liệu tái chế tăng cao hằng năm. Theo đó, năm 2020 là 1.176 tấn, đến năm 2024 là 17.864 tấn, vượt xa kế hoạch đặt ra.
Vốn điều lệ trong giai đoạn 2020-2024 được giữ nguyên ở 5.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư của chủ sở hữu được bảo toàn và phát triển. Vốn chủ sở hữu tăng 25%, từ 8.000 tỷ đồng năm 2020 lên 10.000 tỷ đồng năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 3,5%/năm. Tổng tài sản tăng từ 18 nghìn tỷ đồng năm 2020 lên 20,1 nghìn tỷ đồng năm 2024, tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 3,1%/năm.
Giai đoạn 2025 – 2030 tiếp tục là thời kỳ thế giới đối mặt với nhiều biến động và bất định. Vinatex đặt mục tiêu phát triển với mức tăng trưởng 2 con số, chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển xanh, bền vững. Đến năm 2030 sẽ chuyển sang phát triển hiệu quả, bền vững theo hướng kinh tế tuần hoàn và khẳng định chuỗi giá trị của ngành ở trong nước và trên thế giới; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu hàng dệt may bằng chính thương hiệu của Việt Nam. Tập đoàn đặt mực tiêu doanh thu hợp nhất tăng trên 5% và giá trị gia tăng trong doanh thu tăng trên 8%; tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-15%.
Để đạt mục tiêu trên Vinatex sẽ tập trung vào tăng trưởng theo chiều sâu thông qua đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ xanh, sản phẩm có tính khác biệt và chuyển đổi số. Đồng thời xác định cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm sau thời kỳ đại dịch, do có sự thay đổi lớn về tập quán tiêu dùng, đảm bảo chuyển dịch sản xuất các sản phẩm có dung lượng thị trường cao. Phát triển thị trường mới, hướng đến các sản phẩm đặc thù, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, xây dựng chiến lược bài bản trong việc xác định phân khúc sản phẩm, phát triển thị trường và khách hàng mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2025-2030 gồm 23 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất trưa cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiệm kỳ 2025-2030 đã bầu Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí. Đồng chí Lê Tiến Trường được bầu làm Bí thư Đảng uỷ.
Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/vgt-vinatex-chuyen-dan-trong-tam-tu-phat-trien-nhanh-sang-phat-trien-xanh/33476259