Tổng Giám đốc PAN: Xuất khẩu là bản sắc, không chỉ là chiến lược tăng trưởng

Tổng Giám đốc PAN: Xuất khẩu là bản sắc, không chỉ là chiến lược tăng trưởng

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Trà My không xem chinh phục thị trường quốc tế là chiến lược mở rộng thông thường, mà là cách PAN kiểm nghiệm sức bền hệ thống, tái cấu trúc mô hình và nâng cấp bản lĩnh nội tại trong bối cảnh toàn cầu bất định.

Nguyễn Thị Trà My (thứ hai từ phải qua) chia sẻ tại diễn đàn

Bên lề Diễn đàn Nữ doanh nhân toàn cầu thuộc khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu 2025,Nguyễn Thị Trà My – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN) đã có cuộc trao đổi ngắn với các đối tác quốc tế về tầm nhìn chiến lược của PAN trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng.

Trước câu hỏi liệu bà có đồng tình với quan điểm “doanh nghiệp mở rộng ra thị trường quốc tế tăng trưởng nhanh gấp 6 lần so với chỉ tập trung thị trường nội địa”, bà My khẳng định: “Hoàn toàn đồng ý”.

Theo bà My, xuất khẩu đã và đang là động lực tăng trưởng quan trọng của PAN. Gần 50% doanh thu của Tập đoàn, tương ứng khoảng 650 triệu USD, đến từ thị trường quốc tế. Sản phẩm của PAN hiện có mặt tại hơn 40 quốc gia, trong đó 90% doanh thu xuất khẩu đến từ ba thị trường khó tính hàng đầu thế giới: Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ. Bà cho rằng đây không chỉ là dấu mốc doanh thu, mà còn là phép thử cho năng lực sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch truy xuất nguồn gốc và khả năng phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Để thích ứng và vươn xa hơn, PAN đã tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng đầu tư vào chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Một ví dụ điển hình là vùng nuôi tôm 500 ha của PAN – lớn nhất Việt Nam – đã đạt chứng nhận ASC, điều kiện tiên quyết để thâm nhập thị trường EU. Đồng thời, doanh nghiệp duy trì quan hệ minh bạch với các nhà bán lẻ lớn như Costco, Walmart, Tesco hay Hi-Life, nơi yếu tố “chính trực” được đặt lên hàng đầu.

Bên trong nội bộ, PAN đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm đón đầu xu hướng toàn cầu. Bà My nhấn mạnh trường hợp của Bibica – công ty thành viên – sau nhiều năm phát triển dòng bánh tươi có thời hạn sử dụng ngắn, đã xuất lô hàng đầu tiên sang Walmart Trung Quốc, đưa quốc gia này trở thành thị trường xuất khẩu thứ 18 của Bibica. Với bà, mở rộng thị trường không chỉ là bước đi về địa lý mà còn là chiến lược giúp tổ chức trở nên “sắc bén, vững vàng và sẵn sàng hơn cho tương lai”.

Khi được hỏi về bài học lớn nhất trong hành trình tăng trưởng, bà My nhìn nhận tăng trưởng là “phần thưởng” cho những người dám nghĩ lớn nhưng cũng là “phép thử” với nền tảng cốt lõi của doanh nghiệp. Theo bà, thành công không bao giờ là đích đến, và điều quan trọng nhất là tinh thần luôn sẵn sàng thay đổi, thậm chí là người khởi tạo thay đổi.

Trong nội bộ, triết lý lãnh đạo của bà đặt nền tảng vào “niềm tin và trao quyền”. Bà cho rằng không thể xây dựng một tổ chức phát triển bền vững nếu thiếu môi trường làm việc mở, minh bạch và tạo điều kiện để mỗi người phát huy tối đa năng lực. Văn hóa sáng tạo, đổi mới và chuyển đổi số cũng là trụ cột trong chiến lược phát triển lãnh đạo kế cận mà PAN theo đuổi.

“Chinh phục thị trường quốc tế không phải là một lựa chọn. Đó là bản sắc, là cách chúng tôi tăng trưởng và là cách chúng tôi dẫn dắt”, bà My kết luận.

Thế Mạnh

FILI

– 05:13 07/07/2025

Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/tong-giam-doc-pan-xuat-khau-la-ban-sac-khong-chi-la-chien-luoc-tang-truong-737-1325452.htm

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *