HAC: Liên tiếp đổi chủ, câu chuyện tái cấu trúc và bài toán tăng vốn

Trong vòng 9 tháng, Chứng khoán Hải Phòng đã trải qua hai lần chuyển giao nhóm cổ đông lớn, thay đổi toàn bộ hội đồng quản trị.

Những chuyển động cổ đông và bộ máy quản trị

Thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2024 tiếp tục ghi nhận sự sôi động trong hoạt động mua bán – sáp nhập các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ, khi việc cấp phép thành lập mới bị tạm dừng trong 5 năm qua. Trong bối cảnh đó, những công ty hiện hữu, dù quy mô còn hạn chế, vẫn trở thành mục tiêu được nhiều nhà đầu tư cá nhân, tổ chức quan tâm nhằm nhanh chóng tham gia thị trường.

Năm 2024, nhiều công ty chứng khoán đã có sự thay đổi đáng chú ý về nhóm cổ đông lớn, nhận diện thương hiệu cũng như bộ máy quản trị. Điển hình là trường hợp Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia đổi tên thành Chứng khoán UP, Chứng khoán Việt Tín đổi thành VTG, hay Chứng khoán Hải Phòng (mã HAC) liên tiếp thay đổi chủ sở hữu và hội đồng quản trị.

Tại Chứng khoán Hải Phòng, quá trình chuyển giao diễn ra rõ nét khi hai cổ đông mới là ông Trần Anh Đức và ông Vũ Hoàng Việt đầu tư vốn lớn, nắm giữ lần lượt gần 20% và gần 25% cổ phần trong năm 2024. Doanh nghiệp đồng thời tiến hành cải tổ toàn bộ hội đồng quản trị, bổ nhiệm các thành viên mới với kỳ vọng mang lại luồng sinh khí mới cho hoạt động. Tuy nhiên, chỉ sau 9 tháng, nhóm cổ đông lớn này đã quyết định rút vốn, chuyển nhượng tổng cộng hơn 61% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư khác vào tháng 6/2025.

Thay đổi cổ đông kéo theo những thay đổi trong bộ máy quản trị. Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 đã thông qua việc miễn nhiệm toàn bộ hội đồng quản trị, ban kiểm soát cũ và bầu các thành viên mới, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán. Đội ngũ mới gồm ông Đào Lê Huy (từng công tác tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực), bà Ngô Thị Song Ngân (có kinh nghiệm tại VPS, Everest, UPS), và ông Nguyễn Tuấn Anh (nguyên cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước).

Tăng vốn – nền tảng cho chiến lược phát triển mới

Việc thay đổi nhóm cổ đông và lãnh đạo được kỳ vọng sẽ mang lại động lực cho hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, kết quả kinh doanh của Chứng khoán Hải Phòng năm 2024 cho thấy doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Lợi nhuận ròng giảm hơn 91%, còn 2,76 tỷ đồng, và quý I/2025 tiếp tục ghi nhận khoản lỗ hơn 1,1 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 37,44 tỷ đồng, tương đương 12,83% vốn điều lệ.

Đây cũng là thực trạng phổ biến tại nhiều công ty chứng khoán quy mô nhỏ khi quá trình đổi chủ diễn ra, với những nỗ lực tái cấu trúc và bổ sung nguồn lực tài chính. Một số đơn vị, như DSC, sau khi có cổ đông mới đã tăng mạnh vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên hơn 2.000 tỷ đồng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh. Với Chứng khoán Hải Phòng, vốn điều lệ duy trì ở mức 291,8 tỷ đồng từ năm 2015, thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của ngành.

Trước thực tế này, Đại hội đồng cổ đông năm 2025 đã thông qua kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động thêm 1.000 tỷ đồng trong năm nay hoặc quý I/2026. Nếu triển khai thành công, vốn điều lệ sẽ đạt 1.291,8 tỷ đồng – tuy vẫn còn khá khiêm tốn so với các doanh nghiệp lớn trong ngành như SSI, VNDIRECT, VIX…

Hoạt động kinh doanh của Chứng khoán Hải Phòng hiện chủ yếu dựa vào ba cơ sở gồm trụ sở tại Hải Phòng và hai chi nhánh tại Hà Nội, TP.HCM. Tổng tài sản đến cuối quý I/2025 đạt 415,7 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở tiền mặt, các khoản cho vay ký quỹ, tạm ứng ngắn hạn. Danh mục tự doanh không lớn, vì vậy kết quả kinh doanh phần lớn phụ thuộc vào hoạt động môi giới và cho vay margin.

Thị trường chứng khoán trong giai đoạn gần đây ghi nhận thanh khoản sụt giảm, nhà đầu tư ngày càng thận trọng, trong khi áp lực cạnh tranh về phí môi giới và lãi suất cho vay margin ngày càng lớn. Các công ty chứng khoán quy mô nhỏ, nguồn vốn hạn chế như Chứng khoán Hải Phòng sẽ đối mặt với không ít khó khăn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính lớn.

Dù vậy, quá trình thay đổi nhóm cổ đông, kiện toàn bộ máy quản trị và kế hoạch tăng vốn điều lệ đang mở ra cơ hội cho Chứng khoán Hải Phòng tái cấu trúc, củng cố nền tảng tài chính và định hướng phát triển phù hợp với bối cảnh thị trường mới.

Link gốc

Nguồn: https://stockbiz.vn/tin-tuc/hac-lien-tiep-doi-chu-cau-chuyen-tai-cau-truc-va-bai-toan-tang-von/33501660

Bài viết liên quan
Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *