Tiến sĩ Cấn Văn Lực nêu nhiều giải pháp quan trọng để đạt tăng trưởng 8%
Chia sẻ tại chương trình Việt Nam và các chỉ số ngày 07/07, Tiến sĩ Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ cho biết kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm cho thấy sự hứng khởi ngoài dự báo, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn đạt mục tiêu 8% cả năm.
Tăng trưởng GDP 7.52% – hứng khởi nhưng cần soi xét kỹ lưỡng
Đánh giá về con số tăng trưởng GDP 7.52% trong 6 tháng đầu năm, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, Tiến sĩ Cấn Văn Lực bày tỏ sự bất ngờ, bởi theo kịch bản cơ sở ban đầu, mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm chỉ 7.1 – 7.3%.
Tiến sĩ cho rằng kết quả này thật sự hứng khởi, nhưng cần làm rõ đâu là các động lực tăng trưởng chính, xét cả từ phía cung và phía cầu.
Về phía cung, có thể thấy rõ hai động lực quan trọng là lĩnh vực công nghiệp – xây dựng và đặc biệt là dịch vụ. Ví dụ, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp khoảng 34% vào mức tăng trưởng chung. Xây dựng cũng tăng trưởng tích cực ở mức 9.62%, đóng góp khoảng 8.4% – đây là mức tăng cao nhất của lĩnh vực này trong 6 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy bất động sản và đầu tư công đang tăng trưởng tích cực. Phía dịch vụ cũng rất quan trọng, tăng tốt và đóng góp 44 – 45% vào mức tăng trưởng chung.
Còn từ phía cầu, tiêu dùng cuối cùng tăng khá cao, cụ thể là 795% và đóng góp hơn 84% vào tăng trưởng chung. Lĩnh vực đầu tư cũng tăng gần 8%, đóng góp khoảng 40%.
Tuy nhiên, Tiến sĩ cho rằng có một vài điểm cần lưu ý. Thứ nhất, xuất khẩu ròng hàng hóa có thặng dư nhưng xuất khẩu ròng dịch vụ lại âm gần 5 tỷ USD, khiến cho đóng góp ròng từ xuất khẩu vào tăng trưởng kinh tế bị âm hơn 24%. Bên cạnh đó cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, như trong tháng 6, dù xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, nhưng lại giảm 0.3% so với tháng trước. Nhập khẩu tuy tăng so với cùng kỳ nhưng cũng giảm 6% so với tháng trước, dấu hiệu rõ ràng cho thấy đà tăng trưởng đang chậm lại.
Về tiêu dùng, doanh thu bán lẻ chiếm 77 – 78% tổng tiêu dùng, tăng 9.2 – 9.3% so với cùng kỳ, nhưng tăng trưởng thực chỉ khoảng 7.2% – dù tích cực so với các năm trước, nhưng chỉ đạt 85% mức trước đại dịch COVID-19.
Một điểm quan trọng nữa là đầu tư công. Thủ tướng và các tổ công tác đã rất quyết liệt thúc đẩy. Kết quả là đầu tư công tăng trên 20% so với cùng kỳ, có thể nói là mức tăng kỷ lục trong nhiều năm. Tuy nhiên, vẫn tồn tại hai vấn đề, bao gồm việc còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ triệt để, bên cạnh sự không đồng đều giữa các địa phương, bộ ngành.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ tại chương trình
|
Còn theo bà Đỗ Thị Ngọc – Phó Cục trưởng Cục thống kê, đây là kết quả từ sự phục hồi và phát triển đồng bộ của tất cả các khu vực kinh tế, có được nhờ sự thúc đẩy mạnh mẽ của các chính sách vĩ mô ổn định, dòng vốn đầu tư công, FDI, cùng với sự phục hồi của tiêu dùng nội địa và khả năng khai thác các lợi thế từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành gặp khó khăn, điển hình là bất động sản dù đã khởi sắc so với năm trước (tăng 4.41% so với 2.1% năm trước), nhưng vẫn tăng trưởng chậm do còn nhiều điểm nghẽn và chính sách chưa được khơi thông. Hay chứng khoán dù tăng trưởng, nhưng vẫn chưa thực sự ổn định và chưa phải là điểm đến bền vững cho nhà đầu tư.
Bà Đỗ Thị Ngọc – Phó Cục trưởng Cục thống kê, Bộ Tài Chính chia sẻ tại chương trình
|
Còn nhiều việc phải làm để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, Tiến sĩ Cấn Văn Lực đề xuất nhiều giải pháp. Cụ thể, cần tập trung vào các động lực tăng trưởng chính, gồm nông nghiệp cần duy trì mức tăng trưởng 3.8 – 3.9%; công nghiệp – xây dựng phải tiếp tục phát huy đà tăng trưởng tốt từ 6 tháng đầu năm; trong khi dịch vụ cần tiếp tục phục hồi và phát triển mạnh hơn.
Về phía cầu, xuất khẩu dù gặp rào cản thuế quan vẫn cần phấn đấu tăng trưởng ít nhất 10%; đầu tư công cần đồng đều hơn giữa các địa phương, bộ ngành, đồng thời phải giải ngân 100% kế hoạch vốn nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng công trình; đầu tư tư nhân đang tăng khoảng 7.5% – tốt hơn năm ngoái, nhưng chỉ bằng một nửa so với trước dịch (năm 2019 tăng 16%), vì vậy cần quyết liệt thực hiện các Nghị quyết 68, 198… để hỗ trợ và đẩy mạnh đầu tư tư nhân, vốn đang chiếm 54 – 55% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Về tiêu dùng, dù tăng gần 8% là tích cực, nhưng cần phân tích kỹ xem bao nhiêu phần là tiêu dùng thực của người dân, bao nhiêu là từ chi tiêu công.
Theo Tiến sĩ, đã có hơn 100 ngàn tỷ đồng giải ngân cho nhân sự nghỉ hưu sớm… Điều này có lan tỏa đến tiêu dùng, nhưng vẫn cần bóc tách kỹ hơn, sớm có một chương trình kích cầu tiêu dùng tổng thể để thúc đẩy hơn nữa tiêu dùng trong nước.
Tiến sĩ cũng nhấn mạnh về việc phải thúc đẩy xuất khẩu dịch vụ bởi cán cân đang âm. Theo đó, phải đẩy mạnh du lịch, logistics, vận tải, dịch vụ tài chính, giáo dục… để cải thiện cán cân này.
Về lạm phát, dù chỉ tăng 3.27% nhưng nhiều người lại cảm thấy giá cả tăng mạnh. Nguyên nhân một phần do tâm lý lo lắng đang lan sang cả hành vi tiêu dùng. Cung tiền cũng đang tăng mạnh, với M2 tăng 7.25% so với đầu năm và trên 16% so với cùng kỳ – mức cao nhất trong 6 năm. Tuy nhiên, vòng quay tiền lại rất chậm, chỉ đạt 0.62 lần, thấp hơn mức 0.65 của năm ngoái, cho thấy dòng tiền chưa được luân chuyển tốt, còn bị ách tắc ở nhiều khâu.
Vì vậy, một giải pháp quan trọng là tháo gỡ các rào cản trong sản xuất – kinh doanh, giúp dòng tiền được lưu thông tốt hơn, từ đó hỗ trợ cả tăng trưởng và kiểm soát lạm phát hiệu quả.
Theo Phó Cục trưởng Đỗ Thị Ngọc, với mục tiêu tăng trưởng cao trong năm nay, việc kiểm soát lạm phát cũng được đặt ra ở mức khá linh hoạt 4 – 4.5%. Tuy nhiên, sau 6 tháng, CPI mới tăng 3.27%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát và phù hợp với bối cảnh hiện tại.
Dù ghi nhận một loạt yếu tố như giải ngân đầu tư công mạnh mẽ dẫn đến lượng tiền ra lớn, hay chi phí đầu vào từ bên ngoài như nguyên vật liệu, năng lượng…. vẫn có nhiều yếu tố tích cực giúp kiềm chế lạm phát, nổi bật nhất là nguồn cung hàng hóa thiết yếu trong nước rất dồi dào, nhất là lương thực, thực phẩm, rau củ, thịt cá… Giá cả những mặt hàng này khá ổn định. Bên cạnh đó, Việt Nam không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, mà còn xuất khẩu mạnh mẽ, điển hình là nông sản tăng hơn 15%, góp phần giữ vững mặt bằng giá.
Mặc dù vẫn còn những thách thức cần theo dõi chặt chẽ, như diễn biến thuế quan toàn cầu, tiến độ giải ngân đầu tư công và tác động từ các biến số địa chính trị toàn cầu, bà Ngọc vẫn tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể giữ CPI trong mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm.
– 18:45 07/07/2025
Nguồn: https://vietstock.vn/2025/07/tien-si-can-van-luc-neu-nhieu-giai-phap-quan-trong-de-dat-tang-truong-8-145-1325879.htm